Chuyện ít kể về người Việt Nam từng hiến thận cho HLV Alfred Riedl
(Dân trí) - Năm 2007, HLV Riedl bất đắc dĩ phải chia tay đội tuyển Việt Nam do bị suy thận nặng, một bên thận hỏng 80%, bên còn lại hỏng 40%. Bác sĩ khẳng định ông phải ghép thận nếu muốn có cuộc sống dài hơn.
Thông tin ông cần phải ghép thận phát đi. Rất nhiều người Việt Nam vì yêu quý chiến lược gia người Áo đã xin được hiến thận, nhưng không phải ai cũng phù hợp. Riedl cần một quả thận khỏe mạnh, của người ở tuổi chừng 30. Ca phẫu thuật cần được tiến hành càng sớm càng tốt.
Thông qua mối quan hệ của bác sỹ Nguyễn Trọng Hiền, HLV Riedl được đưa đến kiểm tra ở Viện quân y 103 và nhận được sự giúp đỡ của GS Viện trưởng Phạm Văn Khánh cùng một số GS khác.
Ông Riedl được cung cấp bản danh sách những người có khả năng hiến thận, nhưng sau khi kiểm tra thì tất cả đều không tương thích và phù hợp với HLV Riedl. Cuối cùng, HLV Riedl buộc phải nhờ tới báo chí để thông báo tìm người hiến thận.
Tổng cộng đã có khoảng 60, 70 người tìm đến với HLV Riedl, nhưng vẫn không có ai phù hợp. Cuộc tìm kiếm người hiến thận phù hợp dường như đã đi vào ngõ cụt. Thậm chí bác sỹ Hiền cũng khuyên HLV Riedl nên quay về tham khảo ý kiến của các chuyên gia hàng đầu về ghép thận tại quê nhà Vienna xem người ta tư vấn thế nào.
Tuy nhiên, sau đó HLV Riedl đã đưa ra một tiêu chuẩn mới, theo đó chỉ cần 3 hoặc 4 điều kiện tương thích là có thể tiến hành ghép thận. Nhờ vậy, HLV Riedl đã tìm được 4 người tương thích để ghép thận, nhưng về sau có 3 người đổi ý, chỉ còn lại người cuối cùng đồng ý cho thận.
Ca phẫu thuật thành công. Không chỉ ông Riedl mà cả triệu người hâm mộ Việt Nam đều rất vui và hạnh phúc với thông tin này.
Kể lại câu chuyện HLV Riedl ghép thận, bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền xúc động nói: “Bệnh suy thận của HLV Riedl ở mức độ rất nặng nếu không tìm người ghép thận thì phải chạy thận nhân tạo mỗi tuần 1 lần. Điều ấy đồng nghĩa ông Riedl cũng không thể tiếp tục làm bóng đá nếu không ghép thận thành công.
Trong hành trình gian nan ấy, HLV Riedl đã hao tốn rất nhiều tiền bạc, vì phải lo ăn ở, đi lại cho mọi người. Ngoài ra, tiền xét nghiệm mỗi người là 4 triệu đồng, bởi khám tổng thể tất cả mọi thứ.
Chỉ có một người phù hợp, và cùng tôi sang Áo. Tôi đã hỏi người chịu hiến thận: Lý do gì anh quyết định làm điều này? Anh ấy chia sẻ gia đình theo đạo Phật và muốn làm một việc gì đó có tính nhân đạo. Đó là nguyên nhân chính còn không có động cơ gì khác ngoài mục đích giúp ông Riedl”.
“Một ngày sau khi người hiến thận lên bàn mổ, ông Riedl đã được ghép thận. Tôi nhớ ca phẫu thuật kéo dài 5 giờ và diễn ra thành công như mong đợi. Mọi thứ diễn ra suôn sẻ và ông Riedl liên tục cất lời cám ơn ân nhân.
Nhờ người hiến thận, ông ấy đã được chữa trị bệnh suy thận thành công. Ông Riedl đã xem Việt Nam là quê hương thứ 2. Bởi ông ấy đang sống nhờ quả thận của người Việt Nam”, bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền kể lại.
Năm 2011, kênh truyền hình TV One của Indonesia dành cho HLV Alfred Riedl một món quà bất ngờ. Nhà cầm quân người Áo được gặp lại người đàn ông Việt Nam đã hiến thận cho ông khi làm khách của chương trình Satu Jam Lebih Dekat.
HLV Riedl không hề được báo trước ông sẽ gặp lại ân nhân của mình. Ban đầu, khách mời trên trường quay chỉ có ông và bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền.
Khi MC hỏi "Ông dự định khi nào sẽ gặp lại người đã hiến thận", nhà cầm quân sinh năm 1949 trả lời: "Tôi không biết. Có thể một ngày nào đó khi tôi tới Việt Nam". Khi HLV Riedl vừa dứt lời, nhân vật này bất ngờ xuất hiện. Nhà cầm quân người Áo bật khóc, ôm chầm lấy ân nhân.
Sau cuộc gặp đầy nước mắt ở Jakarta, ông Riedl còn có thêm hai lần gặp lại người hiến thận ở Hà Nội vào năm 2014 và 2016 khi cùng đội tuyển Indonesia sang Việt Nam thi đấu.
HLV Alfred Riedl đã ra đi, nhưng câu chuyện hiến thận có lẽ sẽ còn nói nhiều bởi đó là sự trân quý, thứ tình cảm của người dân Việt Nam dành cho ông.