Chương trình V-League - Việc có ích "tiếp sức" cựu danh thủ Lê Văn Phúc

An An

(Dân trí) - Chương trình "V-League - Việc có ích" được thực hiện bởi VPF triển khai với mục đích gắn kết trách nhiệm cộng đồng, lan tỏa những giá trị tích cực của bóng đá, tri ân các cựu cầu thủ từng cống hiến.

Sau số đầu tiên đến thăm cựu thủ môn Trần Văn Hiệp - cầu thủ được xem là huyền thoại của CLB Sở Công nghiệp TPHCM, chương trình lần này đến thăm cựu danh thủ bóng đá Hà Nội - Lê Văn Phúc. Đón tiếp chương trình tại căn phòng nhỏ trong ngõ 149 phố Mai Hắc Đế (Hà Nội), cựu danh thủ Lê Văn Phúc không dấu được xúc động, ánh mắt luôn toát lên vẻ lạc quan, ngạo nghễ của một cựu danh thủ một thời, dù đã 24 năm từ sau biến cố khiến cơ thể không còn lành lặn.

Chương trình V-League - Việc có ích tiếp sức cựu danh thủ Lê Văn Phúc - 1

Cựu danh thủ Lê Văn Phúc còn được biết đến với biệt danh Phúc "vổ", sinh ngày 9/10/1949 tại Hà Nội. Sự nghiệp thể thao của ông bắt đầu khi 17 tuổi. Điều thú vị là trước khi trở thành cầu thủ bóng đá nổi tiếng, ông Phúc từng có thời gian tập luyện điền kinh và sớm bộc lộ tố chất.

Chính những ngày tháng gánh đất, chạy đồi ấy là bước đệm để ông trở thành một trong những cầu thủ chạy cánh nổi tiếng khi thi đấu bóng đá chuyên nghiệp. Thời gian tập luyện điền kinh tại trung tâm Nhổn, ông Phúc thường "đá tập" với đội tuyển quốc gia và cựu danh thủ này không mất nhiều thời gian để lọt vào "mắt xanh" của ban huấn luyện đội bóng để rồi được đặc cách lên thẳng đội 1 với các đàn anh Lê Thế Thọ, Tô Đình Phàn, Hoàng Kính Dịp, Hoàng Ngọc Minh, Lê Đình Chính, Lê Thụy Hải, Lê Mai Tú…

Khi còn thi đấu đỉnh cao, cựu danh thủ Lê Văn Phúc để lại nhiều ấn tượng với người hâm mộ. Sở hữu tốc độ của dân điền kinh, cái đầu tinh quái cùng kỹ thuật hoàn hảo, ông Phúc vượt trội hơn hẳn so với những cầu thủ đá cùng vị trí lúc bấy giờ. Mỗi lần ông Phúc tăng tốc, chạy nước rút là một lần ông khiến khán đài dậy sóng.

Đặc biệt, cựu danh thủ này còn có tuyệt chiêu "móc Sài Gòn", động tác đòi hỏi kỹ thuật cao mà trước đó chỉ có một người làm được, là huyền thoại Tòng Cháy ở đội Công An Hà Nội. Đó là động tác tung người móc bóng ngay trong tầm khống chế của đối phương khi bị vượt qua.

Chương trình V-League - Việc có ích tiếp sức cựu danh thủ Lê Văn Phúc - 2

Cũng vì vậy, ông luôn chắc suất đá chính bên hành lang cánh phải ở đội tuyển quốc gia. Thậm chí, phong cách chơi bóng của "quái kiệt" này còn ghi dấu ấn với cả quan khách quốc tế. Điều thú vị là cựu danh thủ này chưa từng nhận thẻ đỏ trong bất kỳ trận đấu nào, từ cấp CLB cho tới các giải đấu quốc tế, dù chơi ở vị trí tương đối nhạy cảm.

Từng là một cầu thủ đa tài, sở hữu tốc độ ấn tượng, nhưng đã 24 năm trôi qua, ông Phúc không thể tự di chuyển. Tai nạn giao thông hồi năm 2000 khiến ông bị liệt nửa thân dưới. Đối mặt với những khó khăn và bản thân phải phụ thuộc vào người khác, nhưng cựu danh thủ này vẫn giữ khí chất lạc quan, yêu đời và luôn dõi theo dòng chảy, sự phát triển của bóng đá Việt Nam.

"Ngày nay, các cháu có nhiều điều kiện từ kinh tế, trang thiết bị tập luyện tốt và có những bước phát triển lớn. Là cựu cầu thủ, tôi luôn mong các thế hệ về sau đưa bóng đá nước nhà tiếp tục phát triển, trở thành số 1, số 2 châu Á và tiếp đến là ra sân chơi thế giới. Đó là điều mong mỏi của không chỉ riêng tôi mà là của tất cả các thế hệ cầu thủ đi trước", ông nhắn nhủ.

Tới thăm cựu danh thủ của bóng đá Hà Nội trong chương trình "V-League - Việc có ích", Phó Tổng Giám đốc Công ty VPF Võ Văn Hùng được tiếp đón trong sự chân tình đầy hảo sảng. Những kỷ niệm cũ lại ùa về trong tâm thức của một trong những "quái kiệt" của bóng đá Việt Nam thập niên 70, 80 thế kỷ trước.

"Công ty VPF là đơn vị tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Ngoài việc chuyên môn, chúng tôi hiểu rõ trách nhiệm với xã hội và chương trình V-League - Việc có ích là một trong số đó. Chúng tôi muốn hướng đến thế hệ cầu thủ đi trước, đến để hỏi thăm sức khỏe, cũng như chia sẻ với những cựu cầu thủ có hoàn cảnh khó khăn.

Họ là những người tạo nên nền tảng, hình ảnh của bóng đá Việt Nam để các thế hệ sau này noi theo. Công ty VPF muốn đóng góp một phần nhỏ, để động viên các anh các chú, cũng như lan tỏa những giá trị tích cực của bóng đá".