"Chúng ta thiếu hẳn 3 yếu tố: Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa!"

(Dân trí)- Đó là câu trả lời của ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam kiêm Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 23 tại Philippines khi được hỏi về những khó khăn và thuận lợi trong kỳ SEA Games lần này.

Trong buổi họp báo, ông Huỳnh Vĩnh Ái (Phó Chủ Nhiệm Ủy ban TDTT) và ông Nguyễn Hồng Minh (Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam kiêm Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 23) đã thông báo công tác chuẩn bị SEA Games của nước chủ nhà, sự phấn đấu, mục tiêu của các nước tham gia và quan trọng nhất là nỗ lực chuẩn bị về con người, vật chất, tinh thần của đoàn thể thao Việt Nam.

 

Thưa ông, đâu là những thuận lợi và khó khăn của đoàn thể thao Việt Nam tại giải lần này?

 

Như mọi người đều biết, tinh thần dân tộc luôn là điểm mạnh của các VĐV Việt Nam. Hơn nữa đoàn TTVN được sự quan tâm lớn lao của Đảng, Chính phủ cũng như của người hâm mộ trong nước. Ngoài ra sự khổ luyện của các VĐV và giúp đỡ tích cựu của các nhà tài trợ cũng là một thuận lợi quan trọng cho đội tuyển.   

 

Còn khó khăn, đó là chúng ta đã thiếu hẳn 3 yếu tố là “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Đoàn thể thao VN sang Philippines thi đấu lần này thiếu hẳn lực lượng hàng triệu CĐV trong và ngoài sân thi đấu như SEA Games 22 tại Việt Nam.

 

Ngoài ra chúng ta gặp bất lợi về địa điểm thi đấu. Có tới 51 địa điểm cách khá xa nhau, rất khó trong việc chỉ đạo, điều hành và xử lý sát sao công việc các đội Việt Nam thi đấu. Và cả vấn đề trọng tài do Ban tổ chức điều hành cũng là bất lợi lớn. 

 

Thưa ông, vấn đề tâm lý luôn là nỗi lo của các VĐV. Vậy đây có phải là vấn đề nghiêm trọng của các VĐV Việt Nam tại SEA Games lần này không?

 

Chắc chắn là có và thậm chí còn bị nặng nề hơn các kỳ SEA Games lần trước rất nhiều.

 

Vậy về phía Ban lãnh đạo đoàn, ông có cách nào để giảm thiểu vấn đề tâm lý cho các VĐV không?

 

Chúng tôi đã thống nhất toàn quân quyết tâm thi đấu để có thể đạt được kết quả cao nhất.

 

Sẽ có bao nhiêu trọng tài Việt Nam sẽ tham gia SEA Games lần này thưa ông?

 

Việt Nam có khoảng 50 trọng tài tham gia giải lần này. Không như tại SEA Games 22 tại Việt Nam, chúng tôi mời các trọng tài quốc tế tham gia công tác chấm điểm, còn lần này, Ban tổ chức có ý định chỉ mời trọng tài trong các nước Đông Nam Á. Đây cũng là bất lợi cho chúng ta nhất là trong công tác sắp xếp trọng tài của Ban tổ chức.

 

Câu hỏi cuối thưa ông, tại sao ở SEA Games 22, Việt Nam giành được rất nhiều huy chương và đứng đầu toàn đoàn nhưng ngay sau đó Olympic tại Athens, chúng ta lại không thể đoạt được huy chương trong khi Thái Lan và Indonesia lại có được huy chương thậm chí HCV?

 

Có thể nói, Olympic là một đấu trường hoàn toàn khác. SEA Games chỉ là một giải rất nhỏ. VĐV của ta thậm chí phá kỷ lục SEA Games nhưng xét về thành tích chỉ đứng hàng 6,7 của thế giới mà thôi. Còn các đội Thái Lan, Indonesia, họ có một số môn ở đẳng cấp thế giới như boxing chẳng hạn.

 

Còn chuyện thất bại ở Olympic là chuyện bình thường. Tôi đơn cử VĐV Pascal của Pháp, một anh hùng của nước Pháp từng giành rất nhiều HCV trước đó. Ở Olympic vừa rồi, Pascal được cầm quốc kỳ Pháp trong lễ khai mạc nhưng anh lại để thua ở bán kết Olympic. Đó là điều bình thường trong thi đấu.

 

Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!

 

Lê Trường