Chủ tịch LĐBĐVN qua các nhiệm kỳ

Theo kế hoạch, cuối tháng tư này, Liên đoàn bóng đá VN (VFF) sẽ tiến hành Đại hội sớm để cải tổ bộ máy, trong đó việc quan trọng nhất là bầu Chủ tịch mới. Sau giai đoạn tiền thân và 4 nhiệm kỳ, bóng đá Việt Nam đã có 7 Chủ tịch khác nhau.

Tiền thân: Hội bóng đá Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, với Chủ tịch là ông Hà Đăng Ấn

 

Ông Ngô Xuân Quýnh - người được coi là "kho sử sống" của bóng đá VN - nhớ lại: "Hội bóng đá nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (Hội bóng đá VNDCCH) ra đời khoảng tháng 9/1962 với vị chủ tịch đầu tiên là ông Hà Đăng Ấn, Tổng cục trưởng Đường sắt.

 

Các thành viên (hiện nay gọi là uỷ viên ban chấp hành) của Hội khi đó có danh thủ Trương Tấn Bửu - Phó chủ tịch Hội, và các ông Nguyễn Thế Hào (Tú Hào - sau này là TBT báo TDTT Việt Nam), danh thủ Phan Ngươn Đang, Mai Xuân Phán, trọng tài Huy Khôi và đương kim thủ quân đội tuyển quốc gia Lê Thế Thọ.

 

Thành viên trẻ nhất của Hội khi đó chính là danh thủ Lê Thế Thọ, mới ngoài 20 tuổi. Ông là người đảm nhận luôn "chân" Thư ký Hội. Nhiệm vụ của Thư ký thời ấy khác xa với vai trò Tổng thư ký mà ông Thọ đảm nhiệm ở nhiệm kỳ đầu với tên chính là Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (từ 1989 đến 1993).

 

Thời điểm ấy, theo sự "mách nước" và giới thiệu của Bulgaria, Trung tướng Hoàng Văn Thái - Chủ nhiệm Ủy ban TDTT TW, cho phép thành lập Hội để không chỉ tranh thủ sự ủng hộ của FIFA với phong trào bóng đá Việt Nam mà còn qua đó tìm sự ủng hộ của tổ chức xã hội nghề nghiệp này với cuộc kháng chiến cứu nước chính nghĩa của dân tộc.

 

Thêm vào đó, Hội bóng đá ra đời còn là chiếc cầu nối giới thiệu môn thể thao vua đến với Đại hội thể thao các nước mới trỗi dậy - Ganefo 1963 - tổ chức tại Jakarta (Indonesia). Sau khoảng 2 năm đầu hoạt động với tư cách "cánh tay nối dài" của Ủy ban TDTT với bạn bè năm châu trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại miền Bắc (1964 - 1967) rồi tiếp đến là cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc (1968 - 1975), Hội bóng đá VNDCCH chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa.

 

Ngôi vị Chủ tịch Hội do ông Hà Đăng Ấn (từng là tiền vệ chơi ở vị trí số 7 đội Tổng cục Đường Sắt) giữ cho đến ngày qua đời - giữa thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Tính ra, vị Chủ tịch đầu tiên này có thời gian đứng đầu tổ chức xã hội nghề nghiệp còn nhiều hơn thời gian tổng cộng của cả 6 người kế nhiệm sau này.

 

Các ông Trịnh Ngọc Chữ, Dương Nghiệp Chí kế tiếp nhau làm Chủ tịch Liên đoàn nhiệm kỳ 1

 

Giữa năm 1989, chủ trương hoà nhập mạnh mẽ vào thể thao khu vực và thế giới của Nhà nước chính là tác nhân để tổ chức xã hội nghề nghiệp này hồi sinh. Tổng cục TDTT được giao nhiệm vụ tổ chức Đại hội LĐBĐVN vào cuối tháng 7/1989.

 

Với hoạt động trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam thống nhất nên đại hội mang tính thành lập chứ không phải kế thừa Hội bóng đá VNDCCH. Ngày 31/7/1989, tại Hội trường CLB Ba Đình, Phó tổng cục trưởng Trịnh Chữ (nguyên Phó bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá) trúng cử Chủ tịch Liên đoàn với số phiếu bầu chỉ cao hơn vài phiếu so với Phó chủ tịch Dương Nghiệp Chí.

 

Trong nhiệm kỳ, với thời gian làm Chủ tịch chỉ hơn 1 năm, ông Trịnh Ngọc Chữ đã ghi dấu ấn đậm nhất trong việc xét xử "sự cố ngày 6/5" trên sân Chi Lăng cho đội CN Quảng Nam Đà Nẵng được quyền dự trận chung kết với Thể Công tại Nghệ An, đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau đó, Tổng cục TDTT phải sáp nhập vào Bộ Văn hoá - Thông tin - Du lịch - Thể thao, ông Chữ được rút lên Bộ làm Vụ trưởng Vụ tổ chức, và Ban chấp hành đã bỏ phiếu bầu ông Dương Nghiệp Chí - Cục trưởng Cục TDTT - làm Chủ tịch đến cuối nhiệm kỳ I (tháng 4/1993).

 

Ở thời điểm này, đội tuyển bóng đá nam nước ta đã tham dự SEA Games 16 tại Philippines tháng 11/1991, sau đó dự vòng loại World Cup 1994. Liên đoàn vì thế bắt đầu khẳng định được vị trí trong xã hội thông qua vai trò cầu nối với các tổ chức bóng đá khu vực, châu lục và thế giới.

 

Ông Đoàn Văn Xê - Chủ tịch Liên đoàn nhiệm kỳ II

 

Vị "đầu tàu" nhiệm kỳ II của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng là một người của ngành đường sắt: Tổng cục trưởng Đoàn Văn Xê. Tuyên bố đầu tiên của vị Chủ tịch này là "phải lập lại kỷ cương trong hoạt động bóng đá" vốn hết sức phức tạp, nhất là trong khâu tổ chức các giải quốc gia. Thắng lợi của ĐTQG dưới tay HLV trưởng đầy cá tính K.H.Weigang với chiếc HC bạc SEA Games 18 ở Chiangmai 1995 cũng không khoả lấp hết những mâu thuẫn, mất đoàn kết trong nội bộ Liên đoàn khi phải chịu sự chỉ đạo quá sát sao của lãnh đạo Tổng cục TDTT (mới tái lập năm 1992).

 

Tháng 4/1995, sự cố 5 đội liên minh bỏ cuộc ở vòng chung kết ngược chọn 4 trong 6 đội xuống hạng càng đào sâu thêm sự mâu thuẫn giữa Tổng thư ký Trần Bảy với Tổng cục trưởng Lê Bửu và Phó chủ tịch Nguyễn Tấn Minh. Là "người ngoài ngành", Chủ tịch Đoàn Văn Xê rõ ràng gặp khó khăn trong điều hành tổ chức.

 

Thậm chí, ông cùng Tổng cục trưởng đương nhiệm còn bị "người trong cuộc" tố là nhận tiền bồi dưỡng 20 triệu đồng từ Liên đoàn Bóng đá VN những tháng cuối nhiệm kỳ. Phương án chọn người ngoài đổ vỡ, nên đến phút chót vai trò Chủ tịch nhiệm kỳ III lại được giao cho người trong ngành.

 

Ông Mai Văn Muôn làm Chủ tịch nhiệm kỳ III

 

Tháng 10/1997, ông Mai Văn Muôn, Phó tổng cục trưởng rồi Phó chủ nhiệm Ủy ban TDTT, trúng cử Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá VN khoá 3. Với cơ cấu của ban chấp hành khoá này, vai trò của ba vị Phó chủ tịch lấn át hết quyền của Tổng thư ký Phạm Ngọc Viễn. Mâu thuẫn nặng bùng nổ lúc cuối nhiệm kỳ.

 

Ông "phó" Ngô Tử Hà tuyên chiến với Tổng thư ký Phạm Ngọc Viễn rằng "Tôi mà đi (không trúng khoá IV) thì "thằng Viễn" cũng đi luôn". Trước đó còn có một chuyện động trời: nhà riêng ông Mai Văn Muôn bị đặt bộc phá đêm 13/7/2000. Cũng trong nhiệm kỳ này, ĐTQG tuột mất HC vàng Tiger Cup 98 trên sân nhà sau khi đã hạ Thái Lan 3 bàn tưng bừng ở bán kết.

 

Ông Hồ Đức Việt và ông Mai Liêm Trực nối nhau ở ghế Chủ tịch nhiệm kỳ IV

 

Theo một chu kỳ mang tính lặp lại, khoá IV của Liên đoàn lại đón nhận hai vị chủ tịch ngoài ngành, nhưng rất nhiệt tình với thể thao: ông Hồ Đức Việt - nguyên bí thư tỉnh uỷ Thái Nguyên (2001 - 2002), rồi ông Mai Liêm Trực, Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn Thông (tháng 6/2003 đến nay).

 

Sau 16 năm hoà nhập với đời sống bóng đá khu vực và thế giới, nhiệm vụ và đòi hỏi của Nhà nước, nhân dân đặt ra với vai "đầu tàu" của LĐBĐVN ngày một nặng nề hơn. "Người thứ 8" sẽ là ai? Ngoài ngành hay trong ngành TDTT? Và liệu ông có thể đáp ứng được yêu cầu cao ấy?

 

Ai sẽ là Chủ tịch thứ 8?

 

Đến thời điểm này, sau khi Bí thư thành uỷ Đà Nẵng, Nguyễn Bá Thanh, chính thức khước từ lời mời của Bộ trưởng Nguyễn Danh Thái, bắt đầu có khó khăn trong vấn đề nhân sự cho đại hội tới, đặc biệt là cương vị Chủ tịch. Vì "trục trặc" này, có khả năng Đại hội không thể tiến hành đúng dự kiến cuối tháng 4.

 

Hai ứng viên được nhắc đến nhiều nhất ở giai đoạn trước thềm đại hội là ông Hồ Xuân Hùng - Nguyên chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An và Phó chủ nhiệm Ủy ban TDTT Nguyễn Trọng Hỷ. Và tất nhiên, không thể loại trừ khả năng đương kim Chủ tịch Mai Liêm Trực tái đắc cử. Tuy nhiên, nếu nhìn lại hành trình của 6 vị tiền nhiệm, đây là khả năng khó xảy ra.

 

Theo Thể Thao TP HCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm