1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Chấn thương ở đội tuyển U23 Việt Nam: Có phải lỗi của riêng HLV Miura?

(Dân trí) - Đúng là có khá nhiều ca chấn thương ở đội tuyển U23 Việt Nam hiện nay, nhưng cần đánh giá đúng những chấn thương ấy có phải xuất phát từ việc các cầu thủ không thể “nuốt” các bài tập nặng của HLV Miura, hay thật ra đấy chỉ là hậu quả từ việc quá tải kéo dài ở CLB?

Đầu tiên, với riêng 2 trường hợp đã rời đội của Huy Toàn và Ngọc Thắng, chấn thương của họ không phải xuất phát từ việc tập trung đội tuyển lần này. Chấn thương của Huy Toàn là dạng chấn thương cột sống, lẽ ra phải được phát hiện từ khi anh đang thi đấu trong màu áo CLB SHB Đà Nẵng, chứ không phải đợi lên tuyển mới nhìn thấy, nên chắc chắn chấn thương đây không phải do quá trình tập trung đội tuyển gây ra.

Về chấn thương của Ngọc Thắng, đây là dạng chấn thương dai dẳng kéo dài, và nếu ở CLB anh được phát hiện sớm, anh đã có thể được chữa trị tới nơi tới chốn, chứ không phải lên tuyến mới phát hiện.

Một trường hợp khác khiến dư luận tốn khá nhiều giấy mực trong thời gian vừa rồi là chấn thương dây chằng gối của Tuấn Anh. Và thật ra, cái gối của tiền vệ đang khoác áo HA Gia Lai bất ổn lâu rồi.

 

Không phải ca chấn thương nào ở đội tuyển đều do lỗi của HLV Miura (ảnh: Gia Hưng)
Không phải ca chấn thương nào ở đội tuyển đều do lỗi của HLV Miura (ảnh: Gia Hưng)

 

Nguyên nhân chủ yếu của chấn thương dạng này chính là việc Tuấn Anh phải thi đấu quá nhiều, hầu như không có thời gian nghỉ ngơi để hồi phục. Năm ngoái, dàn cầu thủ U19 của bầu Đức, trong đó có Tuấn Anh thi đấu trên dưới 30 trận/năm. Đấy là con số lớn đối với ngay cả những cầu thủ trưởng thành ở Việt Nam, chứ huống hồ gì là các cầu thủ trẻ, vốn chưa có sự phát triển toàn diện về thể chất lẫn sự dạn dày.

Đến năm 2015, Tuấn Anh vừa cày ải xong ở V-League, đã phải đá giải U21 quốc tế. Xong giải U21 quốc tế, Tuấn Anh lập tức sang Nhật thử việc 1 tuần, rồi đáp ngay chuyến bay từ Nhật về Hà Nội, hội quân cùng đội tuyển U23 Việt Nam.

Hầu như không có khoảng thời gian trống cho cầu thủ của HA Gia Lai hồi phục, nên thật ra chấn thương của Tuấn Anh là chấn thương xuất phát từ tình trạng quá tải kéo dài, chứ chấn thương đó không hề xuất phát từ chuyện Tuấn Anh tập trung đội tuyển rồi mới phát bệnh.

Mà một cầu thủ như Tuấn Anh không quá tải mới là lạ, anh phải đá từ giải chuyên nghiệp đến giải trẻ, từ giải chính thức đến giải giao hữu, từ năm này quá tải vắt qua năm khác, mà bất cứ giải nào trong màu áo HA Gia Lai cầu thủ này cũng cày ải liên tục. Cần biết rằng hai đồng đội khác của Tuấn Anh là Xuân Trường và Đông Triều cũng đã có những giai đoạn chấn thương trong năm qua, vì quá tải, nên việc Tuấn Anh trụ đến tận bây giờ đã có thêm xem là khỏe.

Một số ca chấn thương khác của Duy Mạnh, Hữu Dũng vốn đã có từ trước khi họ tập trung đội tuyển U23 Việt Nam lần này. Còn về chấn thương tay của Công Phượng, cho đến giờ vẫn là một bí ẩn, không liên quan gì đến việc tập luyện cùng đội bóng trong tay HLV Miura.

Vị HLV người Nhật giải thích tình trạng chấn thương của các học trò: “Phần lớn chấn thương mà chúng ta đang thấy xuất phát từ quá trình thi đấu của cầu thủ ở CLB. Khi cầu thủ bị chấn thương mà không được chữa trị đến nơi đến chốn, vẫn phải thi đấu ráng, không có thời gian hồi phục sẽ dẫn đến chấn thương lâu lành”.

Thành ra, cần đánh giá khách quan nguyên nhân xuất phát chấn thương của các tuyển thủ dưới thời HLV Miura, cần đánh giá chính xác và khách quan tình trạng sử dụng cầu thủ và chữa trị chấn thương ở tầm CLB, trước khi giao quân cho các đội tuyển quốc gia, thay vì đổ hết trách nhiệm về các chấn thương ấy cho vị HLV người Nhật. Cũng đừng nhìn vào các chấn thương rồi nhầm lẫn từ nhân ra quả và từ quả thành nhân!

Kim Điền

 

Chấn thương ở đội tuyển U23 Việt Nam: Có phải lỗi của riêng HLV Miura? - 2