“Chân sút Việt” ở đâu?

(Dân trí) - V-League và giải Hạng nhất đã đi gần hết chặng đường, nhìn vào danh sách ghi bàn và vị thế của các tiền đạo nội trên sân cỏ lại thấy lo cho hàng công của ĐTVN.

“Chân sút Việt” nằm ở đâu trong danh sách “phá lưới”?

 

Ở V-League và giải Hạng nhất, có không ít “nội binh” vẫn được sử dụng trên hàng công của các đội, đặc biệt là ở các “lò” truyền thống xưa nay như Sông Lam, Nam Định, Đồng Tháp, Thể Công.

 

Tuy nhiên, sự thể hiện của các chân sút này vẫn còn là một sự khác biệt quá lớn nếu đem so với những gì mà các “cỗ máy nhập ngoại” vẫn làm trên sân cỏ mỗi dịp cuối tuần.

 

Cứ sau mỗi vòng đấu, bảng thành tích của những tên tuổi như Elenildo de Jesus (TMN.CSG), Almeida (Đà Nẵng), Antonio Rodriguez (GĐT.LA), v.v. lại dày thêm một chút.

 

Cho đến nay, “người hùng vô danh” de Jesus đã ghi đến 15 bàn và độc hành trên con đường chinh phục danh hiệu Vua phá lưới ở V-League, dù Thép-Cảng không phải là một đội bóng mạnh và vẫn đang gò lưng trụ hạng.

 

Ở Đà Nẵng, Almeida - cầu thủ đã từng bị coi là “chân gỗ” và chỉ được ký hợp đồng vì “méo mó có hơn không” - cũng đã kịp ghi đến 13 bàn, trong đó có nhiều bàn quyết định cho đội bóng áo cam.

 

Nhìn sâu hơn một chút vào các vị trí tiếp theo, cũng chẳng thấy đâu những người họ Nguyễn, họ Trần, mà vẫn là những cái tên đã “Tây toàn phần” như Antonio, Mbabazi, Julien, Dos Santos, v.v. và v.v.

 

Những tiền đạo “xem được” nhất của BĐVN bây giờ như Công Vinh, Văn Thành, Thanh Bình hay tệ hơn một chút là Ngọc Linh, Minh Nghĩa cũng chỉ đứng khép nép với dăm ba bàn thắng.    

 

Ở giải Hạng nhất, tình hình có sáng sủa hơn, khi có một người Việt đang tạm dẫn đầu danh sách. Chẳng phải ai xa lạ, đó là Đặng Phương Nam, người từng được coi là niềm hy vọng của bóng đá Việt Nam.

 

“Chân sút Việt” ở đâu? - 1

Thể Công vẫn phải trông cậy vào
 những bàn thắng của Phương Nam

 

Sự tỏa sáng cuối sự nghiệp của Nam và 13 bàn thắng/21 trận là một con số khá ấn tượng, nhưng tiếc là sự “hồi sinh” đó lại không gắn liền với tham vọng và thành công của Thể Công.

 

Cũng không phải là không có những tín hiệu mới mẻ, như Đình Khang (Đồng Nai - 8 bàn), Văn Hùng (Đá Mỹ Nghệ - 7 bàn) và Anh Thắng (QK4 - 7 bàn), nhưng đó chỉ là ấn tượng trên những con số.

 

Thực tế, những đội bóng mà họ đang thi đấu vẫn đang đứng đâu đó ở các vị trí nhất, nhì ba, tư… tính từ dưới lên, và nếu không tìm được một bến đỗ có tính chuyên nghiệp và cạnh tranh cao hơn, họ cũng chỉ dừng lại ở mức chân sút chủ lực của một đội bóng nghiệp dư.

 

Dù muốn dù không, chúng ta phải thừa nhận một sự thật rằng: các chân sút ngoại đang “lũng đoạn” những bàn thắng trên sân cỏ nước nhà.

 

“Chân sút Việt” lép vế, vì sao?

 

Cái “vì” lớn nhất chính là “bệnh sính ngoại” của đa phần các đội bóng.

 

Có thể thấy rõ 2 xu hướng mà các đội bóng lớn nhỏ đều sử dụng, đó là “tậu” một cặp tiền đạo ngoại hoặc là tận dụng 3 ngoại binh làm “xương sống” ở 3 tuyến.

 

Xu hướng thứ nhất rõ nhất ở các cặp Almeida - Samuel (Đà Nẵng), Antonio - Carlos hoặc Seidu (GĐT.LA), Mauricio - Mbabazi (HN.ACB), Dos Santos - Da Silva (HP.HN), Toledo - Amaobi hoặc Philani (Bình Dương), Julien - Tostao (M.H.Hải Phòng) hay là cặp Kiatisuk - Kesley mà HA.GL cũng đã từng áp dụng.

 

Ngoài ra, hầu hết các đội bóng còn lại đều “tối ưu hóa” việc sử dụng 3 cầu thủ ngoại vào 3 vị trí trọng yếu: tiền đạo - tiền vệ trụ - trung vệ. Có thể lấy làm minh chứng trường hợp của de Jesus - de Assis – Niweat (Thép-Cảng), Sarayoot - Ekpe - Nirut (Bình Định), Oliveira - Valdinei - Alphonse (SLNA) hay cách bố trí Dusit - Sakda - Kiatisuk hoặc Kesley mà HA.GL ưa thích thời gian gần đây.

 

“Chân sút Việt” ở đâu? - 2
 Thanh Bình thi đấu không quá nổi bật ở hạng Nhất.

 

Trong cả 2 xu thế đó, bóng đều tập trung chủ yếu cho các tiền đạo ngoại, và một điều gần như tất yếu ở các CLB trong nước là trông chờ bàn thắng từ các chân sút ngoại.

 

Cái “vì” thứ hai cũng chính là cái “nên” của cái “vì” thứ nhất, vì rằng một khi các đội bóng đều thích “dùng hàng ngoại” và chịu áp lực của việc cần bàn thắng ngay, thì các chân sút nội triển vọng vì thế mà cũng bị tước đi nhiều cơ hội.

 

Ngoài những tiền đạo đã ít nhiều tạo được thế đứng ở cả ĐTQG lẫn CLB như Công Vinh, Văn Thành hay Thanh Bình, hầu như không có chân sút nội nào được ra sân thường xuyên để thể hiện mình (tất nhiên là trừ những đội bóng sử dụng 1 tiền đạo ngoại, vì suất còn lại mặc nhiên thuộc về “người của ta”).

 

Chính vì vậy mà chẳng có gì ngạc nhiên khi những chân sút trẻ được đặt nhiều kỳ vọng khác như Ngọc Linh, Anh Đức, Thanh Nguyên hay những cầu thủ “suốt đời tiềm năng” như Việt Thắng, Minh Mính hoàn toàn mất hút.

 

Hai cái “vì” đó không chỉ khiến cho tỷ lệ “bàn thắng ngoại”/ “bàn thắng nội” ở các giải trong nước ngày càng chênh lệch như trời với vực, mà còn là mối đe dọa đối với tương lai của ĐTQG.

 

Không phải tự nhiên mà HLV trưởng Alfred Riedl và các cộng sự, dù đã xuôi Bắc ngược Nam tìm đỏ cả mắt, cuối cùng cũng đành lắc đầu “rào” trước: “Sẽ không có nhiều nhân tố mới trong đợt tập trung tới đây”.

 

“Chân sút Việt”, đã báo động đỏ hay chưa?

Hồng Lê

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm