Chân sút ngoại đại náo V-League

Lượt đấu thứ 5 V-League nghèo bàn thắng lại là sự áp đảo của các chân sút ngoại đến từ lục địa đen. Sáu trận đấu với 12 bàn thắng thì cầu thủ ngoại đã 9 lần đá thủng lưới đối phương. Các chân sút Việt Nam đã làm gì khi danh sách Vua dội bom V-League 2006 dài ngoằng ngoẵng những cái tên ngoại...

Kể từ khi bóng đá Việt Nam lên chuyên nghiệp với những cuộc đổ bộ ồ ạt của ngoại binh từ khắp năm châu, chức Vua phá lưới V-League đã như là một thách thức xa xỉ.

 

Mùa đầu lính đánh thuê Uganda chơi bóng tại Việt Nam đã có ngay cái tên sát thủ Enock Kyember săn bàn thật lạnh lùng để giật lấy ngôi Vua phá lưới rất thuyết phục.

 

Những mùa giải sau, các chân sút ngoại vẫn tung tăng ghi bàn đều đều và nổi lên các Vua phá lưới mới Achilefu, Amaobi, Kesley. Duy nhất có tiểu tướng Hồ Văn Lợi mùa bóng 2003 đột ngột ngoi lên ngôi nhờ cú hat-trick kiểu “mời ông xơi” của Nam Định ở lượt cuối.

 

Sự lên ngôi của các chân sút ngoại cũng đồng nghĩa với việc đẩy lùi các tiền đạo nội vào dĩ vãng. Thời của hai nhà Vua phá lưới dai dẳng nhất cỡ Nguyễn Văn Dũng (Nam Định) và Lê Huỳnh Đức (CATPHCM cũ) đều ba lần đoạt danh hiệu cá nhân cao quý nhất chỉ còn là một kỷ niệm đẹp để nhớ.

 

Chân sút hàng đầu V-League 2006 (qua 5 vòng đấu):

 

1. Almeida (ĐN) 5 bàn

2 .Tostao (HP) 3 bàn

3 .Mbabazi (LGHNACB),

Francisco (TG), Thành Thông (ĐN), Kiatisuk (HAGL), Công Vinh (P.SLNA), Trọng Lộc (NĐ) 2 bàn...

Bóng đá Việt Nam chập chững làm chuyên nghiệp buộc phải chấp nhận cái mặt trái của xu hướng phát triển tất yếu. V-League đã phóng khoáng và hấp dẫn hơn nhờ làn sóng nhập gia của hàng trăm cầu thủ ngoại đến thử việc mỗi mùa và trụ lại khoảng hơn 50.

 

Cái được lớn nhất của cầu thủ nội là học được rất nhiều điều bổ ích từ các ngoại binh đem đến nhiều sắc thái khác nhau của các nền bóng đá lớn trên thế giới.

 

Tuy nhiên, sự xuất hiện rầm rộ của các cầu thủ ngoại cũng có nghĩa là một số lượng tương đương cầu thủ nội mất suất tại sân chơi của mình.

 

Hệ quả là có một lớp cầu thủ trẻ đã mất đi cơ hội được thử lửa trận mạc và thậm chí bị thui chột đi bản năng gốc của chính mình.

 

Malaysia 4 năm trước từng chột dạ khi phát hiện ra một lớp cầu thủ trong nước bị lính đánh thuê ngoại lấy mất suất đã khống chế lượng ngoại nhập bằng cách chỉ cho CLB đăng ký 3 và ra sân 2 cầu thủ ngoại. Còn V-League hai mùa qua vẫn giữ điều lệ cho mỗi đội bóng đăng ký 5 và ra sân 3 cầu thủ.

 

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự lạm phát cầu thủ ngoại đến chơi bóng tại Việt Nam và cuộc độc diễn của các chân sút ngoại khiến các tiền đạo nội trở nên lỡ thời suốt 5 mùa bóng qua.  

 

Chân sút ngoại đại náo V-League  - 1
 

Giang Thành Thông, mới chỉ ghi được

2 bàn sau 5 lượt đấu (ảnh: Vnexpress)   

Chính sách nhập khẩu cầu thủ ngoại của các đội bóng Việt Nam luôn ưu tiên hàng đầu cho vị trí tiền đạo. Trong số 13 CLB ở V-League đều có ít nhất hai chân sút ngoại trở lên với nhiệm vụ rõ ràng là ghi bàn lấy điểm.

 

Điều này phản ánh một hiện thực ăn chắc mặc bền của các đội bóng với áp lực trên chân đối thủ nhờ cái đầu ngoại. Tâm lý sợ thua vì sự tồn tại của đội bóng là nỗi ám ảnh khủng khiếp với tất cả các Ban huấn luyện trong khi nhân tài trong nước lại hiếm hoi như lá mùa thu.

 

Các HLV thường không dám mạo hiểm sử dụng cầu thủ trẻ thiếu kinh nghiệm thay cho sự xâm lấn của ngoại binh chỉ vì đại cuộc trụ hạng.

 

Khi thú thư giãn bóng đá giúp cho các đội bóng rủng rỉnh tiền thì việc đi săn hàng ngoại chất lượng cao dễ như trở bàn tay. Nó đã trở thành một trào lưu lớn và tạo nên một hiệu ứng đặc biệt khiến nhà nhà đều sử dụng hàng ngoại vì sức hấp dẫn cho trận đấu lẫn cho sự an toàn của đội nhà.

 

Cho nên V-League 2006 chỉ mới qua 5 vòng đấu đã chứng kiến cuộc đại náo ầm ĩ của các chân sút ngoại khiến các tiền đạo nội chìm trong bóng tối.

 

Cuộc chơi hấp dẫn nào cũng có cái giá của nó! 

 

Theo Công Tuân

Công an TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm