Cầu thủ chơi giày

Với giới “quần đùi, áo số”, đôi giày không chỉ là “công cụ lao động” mà còn là vật để khẳng định cá tính, cũng như là kỷ vật của cả một đời đá bóng. Chính vì thế, hỏi 10 cầu thủ thì đến cả 10 người có niềm đam mê sưu tập giày dép.

Những năm cuối thập kỷ 80 là thời kỳ bóng đá Việt Nam sản sinh ra thế hệ vàng của Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Công Minh nhưng đây cũng là thời điểm các đội bóng vẫn phải vật lộn với sự thiếu thốn của chế độ bao cấp. Trang thiết bị tập luyện nghèo nàn, ngay cả các cầu thủ chuyên nghiệp cũng không dễ dàng có được một đôi giày đinh đúng tiêu chuẩn.

 

Trong trận đấu đầu tiên của Hồng Sơn khi được lên đội 1 Thể Công, anh đã phải chạy đôn chạy đáo mới mượn được giày của anh một người bạn. Mãi một thời gian sau, tiền vệ tài hoa nhất mà bóng đá VN từng sản sinh ra mới sắm được một đôi giày đinh không nhãn mác của Trung Quốc.

 

Ngay cả các cầu thủ Thể Công, “lá cờ đầu” của bóng đá VN thời kỳ đó cũng chỉ đi giày Tàu hoặc giày do ta tự may bằng da thật và có gắn đinh sắt. Những đôi giày da đóng thủ công này, gặp trời mưa thì ngấm nước nặng như chiếc cùm còn trời nắng thì cứng quèo. Muốn đỡ rát chân, trước mỗi trận đấu các cầu thủ đều phải đổ dầu luyn hoặc ôliu vào giày cho da mềm đi. 

 

Đến SEA Games 17, bóng đá Việt Nam bắt đầu có nhà tài trợ cho ĐTQG. Mỗi cầu thủ lên tuyển đều được hãng Diadora tặng cho một đôi giày “xịn”. Có thể nói, bắt đầu từ thời điểm đó, các cầu thủ Việt Nam bắt đầu làm quen với giày “hàng hiệu” từ các hãng như Adidas, Lotto, Reebok… Nếu như các tuyển thủ quốc gia được tài trợ giày, quần áo khi tập trung ĐT thì ở các CLB, cầu thủ cũng được đội bóng phát tiền để tự trang bị.

 

Giày đá bóng hiện đại thường chia làm 2 loại phổ biến: 6 móng và 13 móng. Theo đúng “sách giáo khoa bóng đá" thì giày 6 móng với “gầm” cao, đinh dài hơn chỉ dùng khi sân trơn, trời mưa nhưng đã thành thói quen, ở VN, các tiền vệ, tiền đạo thường dùng loại 13 móng còn hậu vệ thì xài loại 6 móng để dễ bề “chặt chém” bất kể là trời có mưa hay nắng…

 

 

Cầu thủ chơi giày - 1
 

4 đôi giày mà "Sơn công chúa" giữ làm kỷ niệm.

 

Trong các chuyến tập huấn và thi đấu ở nước ngoài, ngay sau khi được “xả trại”, địa điểm đầu tiên mà các cầu thủ lần mò tới là các shop bán dụng cụ thể thao. Thông thường cả đội không đi cùng nhau mà thường chia thành nhiều nhóm để thăm thú được nhiều cửa hàng hơn. Nhiều anh chàng kỹ tính hoặc có phom chân hơi khác người thì phải chờ đồng đội mua về rồi thử trước. Nếu ưng đôi nào thì sẽ đến tận cửa hàng đó tìm mua.

 

Theo kinh nghiệm của giới cầu thủ, Singapore và Thái Lan là 2 địa chỉ được tín nhiệm nhất nhưng giày ở Thái Lan thường rẻ hơn các nơi khác một vài USD. Nếu như phải mua hàng trong nước thì giới chuyên nghiệp vẫn chuộng giày tại các shop Sài Gòn hơn ở phố Trịnh Hoài Đức, Hà Nội bởi mẫu mã phong phú và giá cả “mềm”.

 

Trong ĐTVN thời ấy, tiền vệ Liêm Thanh của Công an TPHCM nổi tiếng với niềm đam mê sưu tập giày. Đặt chân đến đâu, anh cũng sắm giày và thường thửa những đôi "độc" nhất. Sau này, Minh Hiếu và Bảo Khanh cũng có tiếng là chịu chơi khi trong 1 chuyến tập huấn tại Đức, 2 tuyển thủ đã nghiến răng thửa một đôi Adidas xịn với giá gần “2 tờ rưỡi”.

 

Cũng chính vì sẵn kinh nghiệm mua bán cho bản thân cũng như có quan hệ rộng rãi nên bên cạnh nghề nghiệp chính trên sân cỏ, khá nhiều tuyển thủ VN cũng là những ông chủ của các shop dụng cụ thể thao. Có thể kể ra đây Lê Huỳnh Đức với shop thể thao mang tên anh tại TPHCM, Văn Sĩ ở Nam Định. Đồng đội của Hồng Sơn ở ĐTQG và Thể Công là Triệu Quang Hà thì lại khá lận đận với shop mang tên “T.Quang Hà Sport”. Sau khi lần lượt chuyển địa điểm tới 3 lần ở Hà Nội, mới đây Quang Hà đã quyết định đóng cửa shop thể thao để kinh doanh thứ khác.

 

Điều ngạc nhiên là Sơn “Công Chúa” lại khá giản dị trong việc thửa giày cho đôi chân “ngàn vàng”. Mặc dù cho rằng sản phẩm của Nike hợp với “phom” chân anh nhất nhưng Hồng Sơn không dùng cố định một mác giày nào. Trong bộ sưu tập của anh hiện diện cả sản phẩm của Adidas, Diadora, Lotto... Không như tưởng tượng của nhiều người, đôi giày đắt nhất của Hồng Sơn cũng chỉ có giá hơn 100 USD.

 

 

Cầu thủ chơi giày - 2
 

Đôi Adidas Predator giá khoảng 250 USD

 

 

Dù không thể nhớ nổi đã "phá" tới bao nhiêu đôi giày trong toàn bộ sự nghiệp nhưng sau khi từ giã bóng đá đỉnh cao, tiền vệ của Thể Công chỉ giữ lại 4 đôi mà anh cho là may mắn và gắn với nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong đời cầu thủ của mình. Trong số này có đôi Adidas Hồng Sơn từng đi tại Tiger Cup 98, giải đấu mà anh toả sáng song ĐTVN lại chỉ về nhì, hay đôi Diadora được mua tại Anh quốc trong dịp tuyển thủ này khoác áo "Pepsi team" so tài với các siêu sao như Zidane, Beckham…

 

“Thỉnh thoảng tôi vẫn lôi chúng ra sử dụng trong màu áo Bia đỏ và biết đâu đấy, mấy chục năm sau lại có người muốn bán đấu giá thì sao?”, Hồng Sơn vui vẻ nói.

 

Từ khi bóng đá VN bước vào chuyên nghiệp, các cầu thủ hàng "sao" bắt đầu nhận mức lương hàng chục triệu nên chuyện giày dép lại được “nâng lên tầm cao mới”. Hầu như những đôi giày mà Văn Quyến hay Minh Phương xỏ chân đều có giá không dưới 200 USD. Cũng chính vì lý do này, trong một lần tập trung đội tuyển dưới thời Tavares, cầu thủ Tấn Tài của đội hạng nhất Khánh Hòa đã "choáng" và tỏ ra mặc cảm khi mình chỉ đi đôi giày bata "quê kệch" giữa một rừng giày xịn của các đàn anh.

 

Nếu như trước đây 7-8 năm hình ảnh Dũng “Giáp” thửa đôi giày đỏ đã bị coi là chơi nổi thì ngày nay những đôi giày với mọi kiểu dáng, màu sắc cũng chỉ là “chuyện thường ngày ở V-League". Riêng Quyến cũng đã có một "bộ sưu tập" lộng lẫy với đủ màu xanh, đỏ, trắng...

 

Theo Khánh Linh

 Ngoisao

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm