Cầu thủ “bán độ” phạm vào tội gì?

Liên quan đến vụ “bán độ” của một số cầu thủ đội tuyển U23 VN vừa bị khởi tố, một trong những câu hỏi được đặt ra với người hâm mộ môn thể thao vua này là nhóm các cầu thủ tham gia dàn xếp tỉ số trận đấu đã phạm vào tội gì?

Luật sư Nguyễn Văn Trung - phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM - cho biết: “Bán độ” là từ người ta hay dùng để nói về hành vi của các cầu thủ cố tình thi đấu một cách nào đó để có tỉ số đúng theo yêu cầu của những người tổ chức đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá.

 

Đổi lại, các cầu thủ sẽ nhận được tiền hoặc lợi ích vật chất nào đó. Việc có người đứng ra móc nối, dàn xếp tỉ số cho một trận đấu với mục đích thu lợi qua cá độ bị coi là hành vi “tổ chức đánh bạc”. Các cầu thủ có liên quan đã nhận tiền để thi đấu theo đề nghị của người tổ chức cá độ bóng đá cũng bị coi là hành vi đồng phạm của tội “tổ chức đánh bạc”.

 

Nghĩa là các cầu thủ không phải phạm tội đánh bạc?

 

Không. Nếu các cầu thủ chỉ đơn thuần bỏ tiền cá độ đội nào thắng, đội nào thua thì đó là phạm vào tội đánh bạc. Nếu cầu thủ vừa tham gia dàn xếp tỉ số trận đấu, vừa đồng thời bỏ tiền “bắt độ” với ai đó do đã biết trước kết quả trận đấu thì riêng hành vi “bắt độ” được coi là tội đánh bạc.

 

Có ý kiến cho rằng cầu thủ nhận tiền để làm theo yêu cầu của người tổ chức cá độ là lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để nhận hối lộ?

 

Theo tôi, các cầu thủ không phải là người có chức vụ quyền hạn để có thể lợi dụng chức vụ quyền hạn. Hơn nữa, kết quả tỉ số trận đấu có thể không phụ thuộc hoàn toàn vào nhóm các cầu thủ đã “bán độ” mà còn phụ thuộc vào tinh thần thi đấu của các cầu thủ khác, đó là chưa kể phong độ thi đấu của đội bóng đối phương cũng có ảnh hưởng nhất định đến kết quả trận đấu.

 

Chính vì vậy, việc nhận tiền “bán độ” của các cầu thủ không phải là hành vi nhận hối lộ mà chỉ là giúp sức cho hành vi tổ chức đánh bạc.

 

Bộ luật hình sự qui định hình phạt cho tội tổ chức đánh bạc như thế nào?

 

Tại điều 249 Bộ luật hình sự qui định tội tổ chức đánh bạc có hai khung hình phạt: khung thứ nhất mức hình phạt có thể là phạt tiền từ 10-300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

 

Khung thứ hai là các trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, tái phạm nguy hiểm hoặc thu lợi bất chính lớn, rất lớn hay đặc biệt lớn thì có thể bị phạt từ 3-10 năm tù. Khoản thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng trở lên là có thể bị xử theo khung 2 của hình phạt.

 

Điều 248 Bộ luật hình sự về tội đánh bạc cũng bao gồm hai khung hình phạt nhưng nhẹ hơn so với tội tổ chức đánh bạc.

 

Theo Chi Mai

Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm