Cái kết buồn của HLV Miura và sự so sánh hài hước với người Thái

(Dân trí) - Dù chỉ còn 2 tháng hợp đồng, nhưng HLV Miura đã bị VFF sa thải sau thất bại ở giải U23 châu Á. Người ta có thể chỉ ra trăm nghìn lý do để “trảm” HLV người Nhật, nhưng dư luận quay ra chỉ trích HLV Miura chỉ bởi bóng đá Việt Nam luôn thua…người Thái.

Sự ngộ nhận khi so sánh trình độ với Thái Lan

Trong khoảng 20 năm trở lại đây, bóng đá Việt Nam luôn coi Thái Lan là đối tượng mà chúng ta cần vượt qua để xác định sự vươn lên của nền bóng đá. Khi người Thái tiến lên, ai cũng nghĩ là bóng đá Việt Nam thụt lùi và phản ứng của người hâm mộ khi Việt Nam thua Thái Lan cả hai trận ở vòng loại World Cup 2018 đã nói lên điều.

Công bằng mà nói, bóng đá Việt Nam chưa khi nào vươn đến tầm cỡ của Thái Lan trong quá khứ và hiện tại càng không thể. Trình độ của Thái Lan đã vượt tầm Đông Nam Á, ngoài chức vô địch SEA Games, AFF Cup thì việc họ vào đến bán kết Asiad 17, cầm hòa Ả rập xê-út, Triều Tiên ở giải châu Á hay đứng trên Iraq ở vòng loại World Cup 2018 đã nói lên tất cả. Thành công đó xuất phát từ giải đấu chuyên nghiệp, hệ thống đào tạo trẻ chuẩn từ các CLB cùng một HLV được thoải mái tâm lý làm việc Kiatisuk, điều mà HLV Miura chẳng bao giờ có được ở Việt Nam.

 

Những thất bại trước Thái Lan là điều khiến HLV Miura chịu nhiều chỉ trích
Những thất bại trước Thái Lan là điều khiến HLV Miura chịu nhiều chỉ trích

 

Trong suy nghĩ chung của người hâm mộ Việt Nam, thì Thái Lan chỉ “nhỉnh hơn Việt Nam đôi chút mà thôi” và khi các đội tuyển Việt Nam không làm được điều tương tự như người Thái ở sân chơi châu Á, thì HLV Miura hứng chịu mọi sự chỉ trích từ các chuyên gia nội đến người hâm mộ.

HLV Miura đã tiếp quản bóng đá Việt Nam từ đống đổ nát sau thất bại ở SEA Games 27 và ông đã khởi đầu mỹ màn bằng chiến thắng 4-1 trước Iran ở Asiad 17. Ông đã giúp đội tuyển Việt Nam vào đến bán kết AFF Cup 2014 và việc chúng ta không thể có mặt ở chung kết SEA Games 28, cũng một phần do thiếu may mắn.

HLV người Nhật cũng làm nên một kỳ tích là lần đầu đưa U23 Việt Nam giành vé dự giải châu Á, nhưng những thành công đó nhanh chóng trở nên vô giá trị kể cả khi đội bóng của ông cầm hòa Iraq 1-1 ở vòng loại World Cup 2018. Khi đoàn quân HLV Miura từng chơi tưng bừng trước hàng loạt đại diện mạnh ở châu Á, thì một hai thất bại dưới tay người Thái là điều…không thể chấp nhận.

Thua Thái 0-1 ở Rajamangala, HLV Miura bị chỉ trích bởi lối đá thô bạo. Thua Thái 0-3 tại Mỹ Đình, ông bị chê bai bởi chọn lối đá không biết mình biết người. Khao khát thắng Thái Lan là điều mà tất cả người Việt Nam đều muốn, nhưng đó là nhiệm vụ ngày càng khó khăn nếu so sánh về chất lượng cầu thủ của hai nền bóng đá.

Trước khi Miura đến, Việt Nam còn kém tầm cả Malaysia, Indonesia, Singapore nhưng dưới thời Miura, thực lực của bóng đá Việt Nam chỉ còn sau mỗi người Thái. Nhưng không ai nhìn nhận điều đó một cách công bằng và ai cũng nghĩ bóng đá Việt Nam đã vươn tầm châu Á, việc thua cả 3 trận tại giải châu lục là điều quá tệ hại rồi dẫn đến cái kết HLV Miura phải ra đi ngày 28/1.

HLV ngoại tệ nhất hay HLV ngoại chịu nhiều sức ép nhất lịch sử?

Khi đội tuyển Việt Nam chơi thiếu ấn tượng ở vòng loại World Cup 2018, Phó chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức chỉ trích “ông Miura là HLV ngoại tệ nhất lịch sử” và các chuyên gia điển hình là HLV Lê Thụy Hải luôn miệng chê bai năng lực HLV người Nhật. Chính những phát ngôn đó thực sự tác động không nhỏ đến tâm lý người hâm mộ và bản thân HLV Miura đã phải hứng đủ mọi sức ép khủng khiếp nhất.

Mỗi trận đấu mà HLV Miura dẫn dắt luôn bị “soi” cặn kẽ, từ cách ông vận dụng chiến thuật thế nào, sử dụng cầu thủ HA Gia Lai có hợp lý hay không, rồi đòi hỏi đội bóng của ông, không chỉ phòng ngự chặt chẽ mà còn phải tấn công đẹp mắt, khi đối đầu các đối thủ hàng đầu châu lục.

 

HLV Miura đã hứng chịu quá nhiều áp lực khi dẫn dắt đội tuyển Việt Nam - Ảnh: Gia Hưng
HLV Miura đã hứng chịu quá nhiều áp lực khi dẫn dắt đội tuyển Việt Nam - Ảnh: Gia Hưng

 

Nhìn lại trong 3 trận đấu ở giải châu Á, HLV Miura áp dụng chiến thuật có phần cứng nhắc trước Jordan, nhưng toàn đội chơi không tệ trước Australia và chỉ thua bởi các tình huống. Trận đấu với UAE chính là điểm sáng của U23 Việt Nam và thất bại đó một phần bị chi phối từ yếu tố khách quan.

Cách đây hơn 1 năm mà lứa U19 Việt Nam được ca tung hết mực dự giải châu Á, chúng ta cũng thua đậm Hàn Quốc, Nhật Bản và hòa Trung Quốc rồi về nước sớm. Nhưng HLV Graechen khi đó không chịu bất kỳ sự chỉ trích nào, trong khi HLV Miura chịu đủ “búa rìa” dư luận.

Thất bại ở Qatar đã thực sự là giọt nước tràn ly và người ta đã có đủ “lý do” để sa thải HLV người Nhật. Không chỉ người hâm mộ, mà cả VFF cũng không cho HLV Miura giải trình sau giải đấu, chứ chưa nói là thêm thời gian gắn bó với bóng đá Việt Nam. Ông Miura nhận “trát” khi đang nghỉ phép ở Nhật Bản và với ông đó là một thực tế cay đắng, khi làm việc ở nền bóng đá “xây nhà từ nóc”.

Ông Miura không đòi tiền bồi thường hợp đồng và bình thản nhận quyết định đuổi việc, đã nói lên phong cách, tính chuyên nghiệp của ông thầy người Nhật. Lúc này, VFF sẽ phải gấp rút tìm người thay thế cho hai trận vòng loại World Cup 2018 và tương lai bóng đá Việt Nam sắp tới liệu có tươi sáng như phát biểu của bầu Đức sau khi sa thải HLV Miura rằng “Việt Nam sẽ vô địch AFF Cup 2016 và SEA Games 29”, dựa trên lứa cầu thủ trẻ HAGL tài năng suýt xuống hạng V-League năm ngoái?

Hồng Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm