Các đội bóng Việt Nam làm gì trong thời gian V-League nghỉ đến 2 tháng?

(Dân trí) - Vấn đề được đặt ra với làng cầu nội và phần còn lại của bóng đá Việt Nam, cụ thể là giải V-League phải xử lý ra sao với khoảng nghỉ trải dài đến 2 tháng, trong khi đội tuyển Olympic Việt Nam tập trung?

Dàn trải tốn kém

Về thời gian, V-League 2015 mang tiếng kéo dài 9 tháng, nhưng thực chất, thời gian thi đấu thực tế chỉ gói gọn trong khoảng 4 tháng. Bởi, phần thời gian còn lại, giải đấu phải nghỉ những quãng khá dài giữa chừng, để các đội tuyển quốc gia tập trung.

Ví như trong giai đoạn hiện nay, giải đấu phải tạm dừng 2 tháng (từ trung tuần tháng 2 cho đến tận trung tuần tháng 4 mới đá lại) để đội tuyển Oympic Việt Nam tập trung cho vòng loại Olympic châu Á.

Và trong 2 tháng ấy, các CLB chắn chắc phải rất vất vả tính toán kế hoạch chu toàn nhất cho mình. Đồng thời, cũng thật khó cho các HLV ở chỗ họ không biết tính toán điểm rơi như thế nào cho phù hợp với cách thi đấu – nghỉ - thi đấu – rồi lại nghỉ kiểu ấy.

Gánh nặng khác được đặt ra với các CLB nằm ở chỗ dù thời gian thi đấu thực tế chỉ 4 tháng, nhưng tất cả các đội bóng dự V-League phải è cổ trả lương cho cầu thủ những 9 tháng. Khoảng kinh phí ấy chắc chắn không phải là nhỏ, nhất là lương tính bằng đơn vị nhiều ngàn USD cho các ngoại binh.

Các đội bóng Việt Nam làm gì trong thời gian V-League nghỉ đến 2 tháng?
13/14 đội dự V-League (trừ B.Bình Dương đang đá cúp châu Á) đều không có trận chính thức nào trong khoảng thời gian 2 tháng

Hiện tại thì hầu hết các đội đều đã tập trung trở lại, bởi họ không thể nghỉ quá lâu, vì càng nghỉ lâu thì các cầu thủ càng dễ phá sức và mất nhịp. Trong khi tập lại cũng chỉ là những bài tập “chay”, cố tìm đối tượng đá giao hữu và cố “nhồi” thể lực lại gần như từ đầu.

Chẳng có ở đâu trên thế giới người ta có giải vô địch quốc gia lạ lùng theo cách đang đá lại nghỉ hàng tháng trời, lại đá, rồi lại nghỉ hàng tháng trời như V-League, nên có lẽ không có kế hoạch tập luyện nào có thể thích ứng với lịch thi đấu kỳ quặc như trên, càng không có khóa học HLV chuyên nghiệp nào trên thế giới có thể dạy HLV cách phân phối sức với lịch thi đấu kiểu đấy.

Sự dồn toa từ chính VFF

Nói cho cùng lịch thi đấu của V-League là để phục vụ lịch tập trung các đội tuyển nói chung của VFF, mà riêng trong năm nay, các đội tuyển lại có quá nhiều đợt tập trung dài ngày xen kẽ với thời gian truyền thống diễn ra mùa bóng hàng năm ở giải quốc nội.

Bóng đá Việt Nam thường có sự khác biệt rất lớn với trào lưu chung của bóng đá hiện đại toàn thế giới ở chỗ chúng ta thường tập trung các đội tuyển rất dài ngày, trước khi bắt giải quốc nội phải dừng vì những đợt tập trung dài ngày đấy.

Thực tế thì với bóng đá chuyên nghiệp toàn cầu, FIFA chỉ có quyền yêu cầu các CLB phải “nhả” quân cho đội tuyển trong khoảng thời gian 7 ngày trước các trận đấu nằm trong lịch thi đấu chung của FIFA. Chẳng có ở đâu trên thế giới, các CLB có nghĩa vụ phải nhả cầu thủ cho đội tuyển đến tận… 2 tháng.

Thậm chí, cũng chẳng có quốc gia phát triển nào có cảnh giải quốc nội phải dừng để đội tuyển trẻ thi đấu (Olympic vẫn được tính là đội tuyển trẻ), vì nòng cốt của các đội tuyển trẻ vẫn chưa phải là thành phần chủ chốt của đại đa số các CLB.

Thường thì các đội tuyển chỉ gom quân ít ngày trước từng trận đấu của giải quốc tế chính thức, hoặc các trận giao hữu theo lịch chung của FIFA. Xong từng trận, trả quân về cho các CLB, đến trận đấu tiếp theo lại tiếp tục gom quân để làm tiếp nhiệm vụ quốc tế.

Làm vậy thì giải quốc nội không bị gián đoạn, quyền lợi của các CLB không bị ảnh hưởng, xung đột giữa CLB và đội tuyển cũng như với liên đoàn cấp quốc gia cũng không gia tăng, thương quyền của nhà tài trợ cho giải quốc nội cũng không bị ảnh hưởng, vì chuyện giải đấu “bất động” quá lâu.

Chỉ tiếc là trong bóng đá Việt Nam, giữa các CLB và đội tuyển đang có sự lệch pha quá lớn, nên đội tuyển mới cần nhiều thời gian tập trung, rồi mỗi lần lên tuyển cầu thủ gần như được chuẩn bị lại từ đầu về mặt thể lực, cũng như kỹ - chiến thuật.

Đấy là vấn đề cần nghiên cứu để thay đổi, bởi làm gián đoạn giải quốc nội quá lâu vừa làm giảm giá trị, vừa làm giảm chất lượng giải đấu này, trong khi giải quốc nội chính là cái gốc của toàn bộ nền bóng đá.

Tạm dừng giải quốc nội quá lâu vừa phản cảm, vừa phản khoa học, lại đi ngược với trào lưu chung của sự phát triển bóng đá toàn cầu. Như đã đề cập, chẳng có ở đâu trên thế giới người ta đá gấp gáp cho xong 8 vòng đầu tiên, nghỉ 2 tháng, đá tiếp 4 vòng, rồi sẽ lại nghỉ thêm… 2 tháng như ở V-League (chuẩn bị cho SEA Games 28).

Trọng Vũ