1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Dư âm trận Chung kết: Thái Lan - VN

Bóng đè!

(Dân trí) - Có người bảo ĐTVN chơi trận Chung kết King’s Cup như kẻ bị bóng đè, bởi thầy trò ông Riedl không lạ gì kiểu đá của người Thái nhưng không tài nào chống cự hay vẫy vùng để thoát ra.

Cách người Thái khởi đầu trận đấu chót King’s Cup khác hẳn với những gì mà thầy trò ông Charnvit đã thể hiện trong hai lần đối đầu với nhà Riedl trong năm 2006: không thăm dò, không ru ngủ.

 

Có chăng, nó giống như kịch bản của trận Chung kết SEA Games 23 trên đất Phillipines và những phút cuối trận cầu định mệnh trên sân Mỹ Đình năm 2003 sau khi Lê Quốc Vượng lĩnh thẻ đỏ rời sân.

 

Đó cũng là cách chơi mà người Thái áp dụng mỗi khi đụng độ Việt Nam trong khoảng chục năm gần đây: tấn công ngay từ đầu bằng lối công trải đều mặt sân, kết hợp đa dạng những cú đánh biên và những pha phối hợp trung lộ, xẻ nách, sút xa.

 

Đêm cuối năm ở Supchalasai, cách đá của người Thái vẫn thế, không quá phức tạp và khó đoán. Vẫn cách bố trí “Zico Sắc” chơi như một tiền đạo số 10, vẫn cặp cánh Sutee – Suchao thường xuyên chạy chéo vào mặt trung lộ như hai tiền đạo ẩn, vẫn cặp tiền vệ trung tâm Datsakorn – Suree thay phiên nhau một thò một thụt.

 

“Sai số” duy nhất trong cách vận hành đội hình của Charnvit đêm qua là việc đẩy Thonglao lùi về giữa sân thường xuyên, để tận dụng những đường chuyền dài có quỹ đạo và tốc độ bay đặc trưng sở trường. Đá lùi, Thonglao hoàn toàn rảnh chân khi không hề chịu sự đeo bám của Hồng Minh và Minh Phương. Cách chơi đó kỳ thực không lạ, vì rất nhiều lần trong các cuộc đối đầu trước Thonglao đã từ giữa sân bất ngờ lao lên và làm thủng lưới các thủ môn VN.

 

Ông Riedl cũng đã khéo “gắp mắm”, khi chấp nhận nhập cuộc bằng tư thế kẻ “đi cửa dưới”. Ông bố trí đội hình thấp, phòng ngự hai tầng và chỉ trông chờ vào những quả leo biên phản công.

 

Nhưng lối chơi bài bản rất có tính tổ chức của người Thái, cộng với sự hợp lý trong từng pha xử lý cá nhân của đội chủ nhà, đã sớm đẩy đội khách vào thế đua sức.

 

Hai cái hơn thấy rõ của Thái Lan hôm qua là sự cơ động của hàng tiền vệ và tính cảm giác trong từng đường phối hợp.

 

Ở tuổi “băm”, “Sắc” vẫn thoắt ẩn thoắt hiện lúc trong vòng cấm, lúc dạt biên trái, lúc sang biên phải và thường là điểm đến của những đường chuyền từ chân Thonglao. Bộ ba Suree – Sutee – Suchao thường xuyên áp vào trung lộ cùng với Pipat tạo thành 3, 4 mũi công. Và 3 bàn thắng đến từ 3 kịch bản như thế: một cú lật, hai cú xỉa bóng của “Sắc”, ba bàn thắng chia đều cho Pipat, Suchao, Sutee.

 

Người Thái trở lại kiểu đá đủng đỉnh sau khi có 2 bàn thắng, thầy trò ông Riedl mới chọn lối cương để tìm bàn. 20 phút hết chiêu hết bài, bàn thắng vừa đến thì cũng là lúc sập bẫy “hồi mã” của người Thái, cái bẫy mà trước đó 3, 4 lần suýt sập úp lên khung thành Quang Huy.

 

Cách người Thái chơi bóng là cách của 1 tập hợp đã quá hiểu nhau, hiểu từ cách di chuyển, cách tiếp bóng và ý định chuyền bóng của nhau. Nó không như cách lên bóng của người Việt, với quả bóng được đá theo trục dọc biên phải, trong cái đội hình nghiêng hẳn về nửa phải.

 

Nhìn cách ông Riedl cho các học trò chơi, có thể thấy ông nắm rất rõ cách chơi của người Thái. Chỉ có điều, khả năng phản ứng và tính thích nghi của hàng thủ chưa cao, nên vẫn hụt hơi sau mỗi đường chuyền của Thonglao và thường xuyên hở nách khi bộ tứ Kiatisuk – Sutee – Suree – Suchao hoán đổi vị trí.

 

Ông thiếu những con người cụ thể để hiện thực hoá ý thức kiểu chơi thủ chắc, công chớp nhoáng.

 

Bởi thế nên cả đội mới bị “bóng đè”. Cái bóng của bức tường đẳng cấp!

Hồng Kỹ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm