Bóng đá Việt Nam và khoảng cách lớn với trình độ World Cup
(Dân trí) - Việc U20 Việt Nam bị loại sớm khỏi vòng bảng VCK World Cup U20 năm nay phản ánh chính xác đẳng cấp thực của bóng đá nội, so với mặt bằng thế giới. Đội bóng của HLV Hoàng Anh Tuấn đã tạo nên lịch sử, nhưng cột mốc lịch sử đấy vẫn chưa đủ để khoả lấp khoảng cách vừa nêu.
Công bằng mà nói, U20 Việt Nam đã thi đấu rất tốt tại các trận vòng bảng của VCK World Cup U20 năm nay. Nhưng đấy là xét trên mặt bằng bóng đá Việt Nam, còn xét với trình độ chung của giải, đội bóng của HLV Hoàng Anh Tuấn vẫn còn cách xa.
U20 Việt Nam là đội bóng Đông Nam Á đầu tiên giành được điểm tại 1 kỳ World Cup U20. Tuy nhiên, ngay cả cột mốc lịch sử đấy, cộng với việc chúng ta rơi vào bảng nhẹ nhất có thể tại giải (bên cạnh 2 đội bóng không mạnh lắm là New Zealand và Honduras), nhưng vẫn không thể giúp cho U20 Việt Nam đi xa hơn vòng bảng, không ghi được bàn thắng nào suốt vòng đấu bảng, cho thấy trình độ của bóng đá Việt Nam vẫn còn ở khá xa World Cup.
Sau giải đấu này, nếu tỉnh táo nhìn lại, không khó để nhận ra rằng chiếc vé đến VCK World Cup U20 năm 2017 của bóng đá Việt Nam chủ yếu xuất phát từ những nước cờ cao của HLV Hoàng Anh Tuấn, ở giải U19 châu Á cách nay 1 năm (giải đấu có tính chất tuyển chọn đội dự World Cup U20), đến từ sự nỗ lực của dàn cầu thủ đang khát khao chứng tỏ mình, cộng với yếu tố bất ngờ.
Chứ chiếc vé tham dự World Cup U20 đấy cũng chưa phản ánh đúng năng lực thực của bóng đá trẻ Việt Nam, của nền bóng đá Việt Nam. Vé dự VCK World Cup U20 năm 2017 càng không thể đảm bảo suất tham dự chính giải đấu này ở các kỳ giải lần tới, lần tới nữa của chúng ta.
Vì ngay chính lúc này, chúng ta cũng khó trả lời được câu hỏi bóng đá Việt Nam, các đội tuyển của chúng ta đang ở đâu so với mặt bằng châu Á trở lên? Có đủ sức tranh chấp với các đại diện của châu lục ở mọi sân chơi lớn?
Thật ra những khiếm khuyết mà các cầu thủ U20 Việt Nam bộc lộ trên đất Hàn Quốc mấy ngày qua, hầu hết là những khiếm khuyết xuất phát từ giải quốc nội.
Đấy là khiếm khuyết về mặt kinh nghiệm và bản lĩnh, vì thực chất không có nhiều cầu thủ trong lứa tuổi U20 hiện tại được thi đấu thường xuyên tại V-League, nên khó đòi hỏi kinh nghiệm và bản lĩnh từ họ (với các nền bóng đá khác thì độ tuổi 20 đã là độ tuổi mà cầu thủ thi đấu chuyên nghiệp, chứ không phải chỉ tham gia các đội bóng trẻ ở CLB).
Đấy là sự yếu kém ở khả năng kết thúc, cách giải quyết tình huống trong khu vực 16m50 của đối phương, cùng kỹ năng ghi bàn.
Cầu thủ ở độ tuổi 20 được đá chính tại V-League vốn đã ít, cầu thủ đá ở vị trí tiền đạo trong độ tuổi đấy, sắm vai tay săn bàn chủ lực ở đội bóng mà họ khoác áo càng hiếm hoi. Thành ra, việc U20 Việt Nam hầu như không… biết ghi bàn tại World Cup, dù tạo ra hàng loạt cơ hội trước New Zealand và Honduras âu cũng là điều dễ hiểu.
Và đấy còn là nền tảng thể lực không tốt, sức bền kém hơn tất cả các đối thủ tại bảng E, khiến cho càng ở các trận đấu sau, U20 Việt Nam càng dễ đuối.
Đây là vấn đề cũng vốn được nhiều chuyên gia đề cập, khi nền tảng thể lực của các cầu thủ tại các CLB không tốt, phương pháp huấn luyện thể lực và phương pháp chăm sóc sức khỏe, chăm sóc dinh dưỡng ở nhiều CLB có vấn đề, khiến cho thể lực của các cầu thủ khi họ khoác áo đội tuyển không thể cải thiện, hoặc được thay đổi triệt để trong ngày một ngày hai, trong khoảng thời gian ngắn ngủi họ khoác áo các đội tuyển.
Thành ra, trong cái rủi không vào được vòng knock-out World Cup U20 cũng có cái may cho toàn bộ nền bóng đá, là chúng ta có điều kiện nhìn thấu những nhược điểm của chính mình, so với những sân chơi mà chúng ta muốn hướng đến, trước khi vạch lộ trình thay đổi những nhược điểm đấy, với vai trò quan trọng đầu tiên thuộc về khâu định hướng của cơ quan quản lý nền bóng đá.
Kim Điền