1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Bóng đá Việt Nam phải thay đổi ra sao để đáp ứng mục tiêu của Giggs?

(Dân trí) - Hãy lạc quan nghĩ về tương lai bóng đá Việt Nam sẽ có những tài năng trẻ triển vọng, được ra lò từ những lò đào tạo tốt. Vậy thì khâu cần làm khác là thay đổi nền tảng, bằng việc ổn định và phát triển hệ thống giải quốc nội, hướng đến World Cup 2030 như Ryan Giggs tuyên bố?

Nếu các lò đào tạo trẻ như PVF, HA Gia Lai, Viettel… làm tốt phần việc của mình, đó là cho ra lò những cầu thủ có triển vọng, thì những cầu thủ đấy vẫn cần môi trường tốt để phát triển. Và môi trường đó chính là giải V-League và hệ thống các giải đấu quốc nội.

Chẳng có quốc gia phát triển nào trên khắp thế giới mà ở đó hệ thống các giải quốc nội của họ thiếu hấp dẫn, thiếu ổn định, thiếu tính cạnh tranh và kém về mặt chất lượng cả.

Nên, để hướng đến một nền bóng đá ổn định, sau khi đã có nhiều lò đào tạo trẻ giàu tham vọng, bóng đá Việt Nam cần tiếp tục hướng đến xây dựng một giải quốc nội ổn định, giàu tính cạnh tranh và phát triển theo hướng khoa học. Từ đó, hướng đến ước mơ World Cup 2030.

Có thể trong vai trò của một giám đốc một trong tâm đào tạo trẻ, Giggs chỉ mới đến tiềm năng của cầu thủ... (ảnh: Gia Hưng)
Có thể trong vai trò của một giám đốc một trong tâm đào tạo trẻ, Giggs chỉ mới đến tiềm năng của cầu thủ... (ảnh: Gia Hưng)

Quay lại với câu chuyện của giải V-League, chúng ta khó đòi hỏi tính cạnh tranh một khi giải đấu có đến 14 đội nhưng chỉ 1 suất rớt hạng (tỷ lệ rớt hạng chỉ vào khoảng 7%/đội). Chúng ta càng không thể có một giải vô địch giàu tính cạnh tranh với tình trạng “một ông chủ - nhiều đội bóng”.

Và khi đề cập đến đây, dư luận không khỏi thấy bất cập ở chỗ hệ thống thi đấu quốc nội của bóng đá Việt Nam đang chạy theo số lượng chứ không phải chất lượng.

Khi đề cập đến đấy, người ta không khỏi thắc mắc rằng tại sao trong bóng đá Việt Nam, giải hạng trên lại nhiều đội hơn hẳn so với giải hạng dưới? Tại sao phần ngọn lại phình to hơn phần gốc, thay vì ngược lại? (V-League có 14 đội, giải hạng Nhất chỉ có 7 đội)

Với một hệ thống giải quốc nội như trên, rõ ràng phần chân đế chưa ổn, khiến cho bóng đá Việt Nam chưa có sự ổn định.

Thay vì chạy theo số lượng, bóng đá Việt Nam có lẽ nên quan tâm hơn đến chất lượng. Điển hình là giải nhà nghề Hàn Quốc và Nhật Bản khi mới hình thành cũng chỉ cần 6 – 8 đội dự tranh, để đảm bảo chất lượng (họ giải quyết số lượng trận đấu bằng cách thi đấu vòng tròn 4 lượt, thay vì 2 lượt). V-League có khi cũng chỉ cần chừng đó đội, có chất lượng thật sự, có sức sống thật sự, và cũng không phụ thuộc vào tình trạng 1 ông chủ sở hữu quá nhiều đội nữa.

... còn việc thay đổi hệ thống các giải quốc nội như thế nào là phần việc của những người quản lý bóng đá, thật sự hiểu phần chân đế của bóng đá Việt Nam (ảnh: Trọng Vũ)
... còn việc thay đổi hệ thống các giải quốc nội như thế nào là phần việc của những người quản lý bóng đá, thật sự hiểu phần chân đế của bóng đá Việt Nam (ảnh: Trọng Vũ)

Ít đội, chất lượng sẽ tăng, nguồn cầu thủ sẽ tinh, tính cạnh tranh sẽ cao. Giả sử bầu Hiển chỉ tập trung đầu tư cho 1 đội, thay vì sở hữu đến 4 đội bóng, nhưng một số đội trong số 4 đội trên không có tuyến trẻ, không rõ định hướng tương lai? Liệu có tốt hơn không?

Chưa kể, chuyện “một ông chủ - nhiều đội bóng” là chuyện FIFA cấm tiệt, các quốc gia khác cũng không có, nên nhờ đó tính cạnh tranh và sức hút tăng.

Nếu bầu Hiển chỉ tập trung đầu tư cho 1 đội, sau khi đội đấy đã thống trị giải trong nước rồi, bằng tiềm lực tài chính và nhiệt huyết với bóng đá, bầu Hiển có thể tiếp tục hướng ra đấu trường quốc tế, cạnh tranh tầm quốc tế (như các CLB của Thái Lan hiện tại).

Mà một khi bầu Hiển đã đầu tư mạnh, các ông bầu khác cũng phải đầu tư tương xứng, để có thể cạnh tranh tương xứng. Như thế giải quốc nội sẽ có lợi hơn, toàn bộ nền bóng đá sẽ có lợi hơn. Thay cho cảnh như hiện nay, V-League sau lượt đi hầu như đã thấy chủ nhân của chiếc vé rớt hạng duy nhất, nhiều đội còn lại không còn động lực cụ thể, chất lượng các trận đấu cứ nhàn nhạt, dẫn đến không thu hút người xem, không thu hút được các nhà đầu tư, quảng cáo.

Đấy đều là những đặc thù rất riêng của bóng đá Việt Nam mà có lẽ Ryan Giggs khó mà nắm được, cũng khó mà hình dung lại tồn tại một hệ thống giải quốc nội đi ngược lại xu thế phát triển chung của bóng đá toàn cầu như thế.

Nên thành ra, Khi Ryan Giggs nói về chuyện bóng đá Việt Nam dự World Cup 2030, có thể Giggs chỉ nhìn vào tiềm năng về con người, cụ thể là tiềm năng của cầu thủ trẻ, trong lĩnh vực đào tạo do Giggs phụ trách.

Còn chuyện cải thiện hệ thống giải quốc nội như thế nào, để các cầu thủ trẻ đấy có môi trường phát triển ổn định, phát huy tối đa tiềm năng, đó là việc của chúng ta, đặc biệt là của những người làm công tác quản lý nền bóng đá, vạch lộ trình cho bóng đá nội!

Kim Điền

Bóng đá Việt Nam phải thay đổi ra sao để đáp ứng mục tiêu của Giggs? - 3