DMagazine

Bóng đá Việt Nam nên chọn đá đẹp hay tìm mọi cách chiến thắng?

(Dân trí) - HLV Gong Oh Kyun muốn hướng tới bóng đá đẹp hơn là bóng đá chiến thắng. Quan điểm này đối lập với HLV Park Hang Seo. Quan điểm nào tốt hơn cho bóng đá Việt Nam?

Bóng đá Việt Nam nên chọn đá đẹp hay tìm mọi cách chiến thắng?

Sự xuất hiện của thứ bóng đá đẹp đến từ những cái chân ma thuật, vô tư của U19 Việt Nam thế hệ Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường cách đây 10 năm kéo bóng đá Việt Nam ra khỏi vũng bùn tăm tối. Nhưng chiến quả đưa bóng đá Việt Nam lên đỉnh cao chói lọi lại là một thứ bóng đá đầy tính thực dụng của HLV Park Hang Seo. Để rồi nhà cầm quân Hàn Quốc chiêm nghiệm một quan điểm thế này: "Người Việt Nam yêu bóng đá cuồng nhiệt. Nhưng đó là bóng đá thắng".

Vòng lặp của cái đẹp và thực dụng

Giai đoạn từ năm 2010 đến 2013 có thể xem là điểm tận cùng của biểu đồ hình sin, trong lịch sử thăng trầm của bóng đá Việt Nam xuyên suốt một chiều dài lịch sử. Bạo lực gia tăng ở V-League. Các ông bầu thi nhau "đốt tiền" mà thiếu đi hoạch định chiến lược căn cơ. Thị trường chuyển nhượng cầu thủ loạn giá. Nhiều gương mặt rơi vào vòng xoáy đồng tiền mà biến chất, mất phong độ và thậm chí vướng vào vòng lao lý với những ma mị của dàn xếp tỷ số hay bán độ.

Đúng trong bối cảnh mà đa phần người Việt Nam đã mất hoàn toàn niềm tin vào bóng đá, với những thất bại không tìm ra lối thoát ở cấp độ đội tuyển quốc gia cùng sự xuống cấp đến mức không thể cứu vãn ở giải V-League thì tia sáng hy vọng xuất hiện đến từ những tài năng trẻ. Năm 2013 cũng là giai đoạn bắt đầu ra ràng của "gà nòi" HAGL Arsenal JMG. Sau 7 năm đầu tư nghiêm túc, lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn… hiện diện trong đội hình U19 Việt Nam. Chiến thắng trước những đội bóng mạnh là khởi đầu cho sự chú ý trở lại của giới mộ điệu. Chiến thắng suy cho cùng vẫn là đòn bẩy hồi sinh bóng đá Việt Nam.

Bóng đá Việt Nam nên chọn đá đẹp hay tìm mọi cách chiến thắng? - 1

Nhưng U19 Việt Nam của lứa "gà nòi" mà bầu Đức dành tâm huyết lớn còn làm được nhiều điều hơn thế. Những đôi chân của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh, Hồng Duy, Đông Triều… cứ thế nhảy múa với trái bóng và khiến người hâm mộ say mê. Trước hàng loạt các đội bóng mạnh từ Nhật Bản, Australia, Tottenham, AS Roma… U19 Việt Nam tự tin với lối đá tấn công, kiểm soát bóng. Họ cứ ban bật cho nhau, đan những trái bóng giữa vòng vây đối thủ. Chính cách đá cống hiến ấy, đẹp mắt ấy và hào sảng ấy đã định hình một thương hiệu U19 Việt Nam. Trong một mảng đen tối tăm với sự cạn kiệt niềm tin của những anh lớn thì các cậu em đến từ Ha Gia Lai khi đó là một ánh sáng của hy vọng. Bóng đá đẹp trở thành thỏi nam châm đối với người hâm mộ bóng đá Việt Nam khi ấy. Để rồi suốt một thời gian dài, nhắc đến U19 Việt Nam là nhắc đến "tiki-taka" phiên bản HAGL-Arsenal JMG, với thứ bóng đá tự tin, ngạo nghễ, đậm tính cống hiến và giàu chất tấn công.

Tuy nhiên, quan điểm và niềm tin có phần hơi thái quá của một bộ phận người hâm mộ vô hình trung đẩy chính những cầu thủ HA Gia Lai mới chỉ 19, 20 tuổi vào sức ép và sự nghiệt ngã của bóng đá chuyên nghiệp. Năm 2015, bầu Đức quyết định đầy táo bạo khi thay máu lực lượng HAGL. Những anh lớn trong đội hình CLB phố Núi bị thải loại để nhường chỗ cho thế hệ của Công Phượng. Bầu Đức khi đó cho rằng, bóng đá đẹp phải được hiện diện ở V-League. Và những cậu bé được đào tạo bởi HA Gia Lai sẽ tạo nên một phong cách ấn tượng tại giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam.

Hiệu ứng của HA Gia Lai thật sự rất lớn. Ngay trong trận đấu đầu tiên của đội bóng phố Núi trước tân binh Sanna Khánh Hòa BVN ở vòng mở màn V-League 2015, sân Pleiku chứng kiến cảnh người hâm mộ tràn xuống cả đường biên sân vận động. Hiệu ứng của HAGL sau đó cũng rất mạnh khi đến sân nào, sân vận động đó cũng đầy ắp khán giả.

Họ muốn được thấy Công Phượng, "Messi của Việt Nam" một mình đi bóng trong vòng vây của U19 Australia trước khi ghi bàn thể hiện mình ra sao tại V-League. Họ muốn được chứng kiến những đường chuyền đẹp như vẽ tranh đến từ Lương Xuân Trường. Họ muốn được tận mắt Nguyễn Tuấn Anh, Ronaldinho của Việt Nam đi bóng thiện nghệ thế nào trên sân cỏ. Tuy nhiên, hiệu ứng ấy chỉ hiện diện tại U19 Việt Nam, nơi mà những đối thủ của họ có cùng một cấp độ về độ tuổi, kinh nghiệm, chuyên môn.

Nhưng V-League là mặt trận nghiệt ngã và thực dụng hơn nhiều mà các chàng trai mới "ra lò" và vẫn còn ở độ tuổi teen chưa một lần nếm trải trước đó. Đội bóng quốc dân sớm vỡ mộng khi các anh lớn tỏ ra quá già dơ, lọc lõi và không thiếu tiểu xảo. Tại V-League 2015, giới cầu thủ truyền miệng rằng cứ khi nào gặp HAGL là phải đá "chết bỏ". Một con thiên nga không thể sống giữa bầy cá sấu. Và bóng đá đẹp mà HA Gia Lai muốn tạo nên tại V-League đã sớm "chết yểu" ngay trong giải đấu đầu tiên, khi HLV Guillaume Graechen sớm bị thuyên chuyển còn lứa Công Phượng bị bầm dập đến mức suýt xuống chơi ở giải hạng Nhất.

Bóng đá Việt Nam nên chọn đá đẹp hay tìm mọi cách chiến thắng? - 2

Đó là khó khăn tại V-League. Ở cấp độ U23 và đội tuyển Việt Nam, HLV Toshiya Miura không phải mẫu huấn luyện viên theo đuổi thứ bóng đá đẹp. Nhà cầm quân người Nhật Bản đeo đuổi triết lý thực dụng và vốn dĩ đã thành công ở ASIAD 2014 với lứa 1992-1993 gồm những cầu thủ lực điền như Thanh Hiền, Hoàng Thịnh, Mạnh Hùng, Ngọc Hải, Tiến Thành…

Vậy nên, khi kết hợp với lứa cầu thủ HA Gia Lai, ông Miura không phát huy những cái tinh hoa vốn là đặc sản của lứa U19 Việt Nam trước đó. Đã có thời điểm, ông Miura chịu sức ép buộc phải sử dụng những cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai, trong đó có Công Phượng. Và ngay cả khi Công Phượng là cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai thi đấu tốt nhất dưới thời Miura thì trên truyền thông, anh và HLV Miura vẫn chịu sức ép quá lớn dẫn đến bị nhận định là cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Đỉnh điểm vào tháng 7/2015, trước câu hỏi liệu Công Phượng có thể được dùng trong trận giao hữu giữa đội tuyển Việt Nam và Man City, HLV Miura phát cáu đến nỗi buộc phải nói rằng: "Tôi từ Nhật Bản sang đây và chẳng có lý do gì để không thích đội bóng này cũng như các cầu thủ của Hoàng Anh Gia Lai. Khi triệu tập đội tuyển Việt Nam cho trận đấu với Man City, tôi được giới thiệu Công Phượng. Tôi biết có người khi đó đã đặt câu hỏi tại sao lại gọi một cầu thủ đang có vấn đề về sức khỏe và phong độ? Nhưng khi Công Phượng không được thi đấu, người ta lại bảo tôi ghét cậu ấy. Tại sao tôi cũng không sử dụng Phạm Mạnh Hùng thì không ai nói gì, mà cứ phải là Công Phượng?

Ở Việt Nam, tôi thấy nhiều người có vẻ như chỉ nghĩ đến hiện tại. Đội thắng thì tung hô, nhưng khi thua thì lập tức họ chỉ trích, đòi trừng phạt hoặc đuổi việc chúng tôi. Nếu vẫn tư duy như thế sẽ không thể nào phát triển được. Ở Nhật Bản cũng như các nước tiên tiến khác, HLV có nhiều thời gian hơn. Khi đội nhà thất bại, báo giới chỉ trích, họ cũng không phải lo lắng đến thế".

Bóng đá Việt Nam nên chọn đá đẹp hay tìm mọi cách chiến thắng? - 4

Quan điểm đối lập của Park Hang Seo và Gong Oh Kyun

Sau cùng, HLV Miura vẫn bị sa thải, sau thất bại ở VCK U23 châu Á 2016. Nhưng vấn đề ông phải chia tay chiếc ghế HLV đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam không chỉ đến từ những trận thua ở VCK U23 châu Á 2016 - giải đấu mà chính HLV Miura đưa U23 Việt Nam có lần đầu tham dự đấu trường châu lục mà còn là mâu thuẫn sử dụng cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai - những người vô hình trung bị gán cho biệt danh đại sứ của bóng đá đẹp. Trớ trêu thay, ở trận đấu cuối cùng của mình, khi HLV Miura đưa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh vào sân, U23 Việt Nam đã chơi rất hay và chỉ thua 2-3 trước U23 UAE. Điều đó càng khiến người hâm mộ cho rằng bóng đá đẹp mới chính là kim chỉ nam chiến thắng cho bóng đá Việt Nam.

Ở thời điểm yêu cầu sa thải Miura, ông Đoàn Nguyên Đức khi đó là Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF khẳng định: "Sa thải Miura đi, tôi lo tất cho đội tuyển". Một vài tháng sau, ông Nguyễn Hữu Thắng trở thành HLV trưởng đội tuyển Việt Nam và U23 Việt Nam. Những buổi tập đầu tiên của Việt Nam dưới thời Hữu Thắng ngập tràn "từ khóa" như: Ban bật, bóng ngắn, bóng đá đẹp. Những chiến thắng đầu tiên của đội tuyển Việt Nam dưới thời Hữu Thắng càng củng cố cho điều đó. Đội tuyển Việt Nam kiểm soát bóng nhiều, tấn công với tần suất cao và tạo ra hàng loạt những đường chuyền đa dạng.

Bóng đá Việt Nam nên chọn đá đẹp hay tìm mọi cách chiến thắng? - 5

Bầu Đức luôn muốn đội bóng của ông thi đấu bóng đá đẹp.

Tuy nhiên, bóng đá đẹp của Hữu Thắng không giúp đội tuyển Việt Nam có thành tích tốt hơn lối đá xù xì của Miura. Thậm chí, trong vòng 1 năm dẫn dắt trước khi xin từ chức, ông Hữu Thắng còn khiến các đội tuyển Việt Nam tệ hơn về mặt kết quả. Cụ thể tại AFF Cup 2016, đội tuyển Việt Nam cũng chỉ dừng bước ở bán kết. Trong khi ở SEA Games 2017, U23 Việt Nam được đánh giá là ứng viên vô địch đã bị loại từ vòng bảng với thất bại ê chề 0-3 trước Thái Lan tại lượt cuối. Bóng đá đẹp của Hữu Thắng bị người hâm mộ Việt Nam chỉ trích. Họ cho rằng ông quá non nớt và không thể đem đến chiến thắng cho Việt Nam. Hữu Thắng không thể chiến thắng bằng thứ bóng đá đẹp. Bóng đá Việt Nam rơi vào một khoảng không vô địch giữa định nghĩa lối chơi và kết quả thi đấu.

Thế rồi HLV Park Hang Seo đến. Với một bản hồ sơ không mấy sáng sủa, nhà cầm quân Hàn Quốc bị nghi hoặc về khả năng đưa U23 và đội tuyển Việt Nam đến thành công. Nhưng sau 5 năm, mọi thứ giờ đây là niềm tin tuyệt đối. U23 Việt Nam và đội tuyển Việt Nam dưới bàn tay HLV Park Hang Seo đã giành quá nhiều những chiến tích từ khu vực đến châu lục. Một thời gian dài, người ta chỉ nhắc đến sơ đồ 5 hậu vệ với những vinh quang mà HLV Park đặt ra chứ không còn nhắc đến câu chuyện bóng đá đẹp hay bóng đá thực dụng nữa.

Rồi đến một ngày, trong cuộc họp báo tại vòng loại thứ hai World Cup 2022, HLV Park Hang Seo sau một thời gian làm việc với bóng đá Việt Nam cũng như thấu hiểu những phản ứng từ dư luận đã đúc kết được rằng: "Suy cho cùng, người Việt chỉ thích bóng đá thắng". Ông cho rằng, dù đội tuyển Việt Nam có chơi như thế nào đi chăng nữa nhưng nếu kết quả chung cuộc là thắng lợi thì mọi quan điểm của dư luận sau cùng vẫn là một lời khen. Nhưng ngược lại, dù Việt Nam có đá hay đến đâu song thất bại thì làn sóng phản đối và nghiệt ngã vẫn hướng về ông và các cầu thủ.

Bóng đá Việt Nam nên chọn đá đẹp hay tìm mọi cách chiến thắng? - 6

HLV Park Hang Seo cho rằng những người hâm mộ Việt Nam chỉ thích bóng đá thắng (Ảnh: Mạnh Quân).

Chính sự chiêm nghiệm này được thể hiện rõ tại vòng loại thứ ba World Cup 2022. Một đội tuyển Việt Nam bị yếu thế hơn so với các "ngáo ộp" tầm cỡ châu lục đã thua một loạt 7 trận đấu. Những quan điểm về thứ bóng đá an toàn, nặng về phòng ngự vốn từng giúp đội tuyển Việt Nam có những kết quả tốt trước đó bị dè bỉu và chỉ trích. Nhiều ý kiến cho rằng đội tuyển Việt Nam phải mạnh dạn hơn, liều lĩnh hơn và sẵn sàng tấn công hơn thay vì chăm chăm phòng ngự.

Đỉnh điểm của mâu thuẫn đến ở AFF Cup 2020. Một đội tuyển Việt Nam thực dụng của HLV Park thất bại trước Thái Lan tấn công đẹp mắt và cống hiến được dẫn dắt bởi HLV Polking. Khi đó, tương lai của HLV Park bị đặt dấu hỏi. Quan trọng hơn, sự mâu thuẫn trong triết lý và kết quả, trong sự tranh cãi giữa bóng đá thắng và bóng đá đẹp lại hiện diện trong suy nghĩ của người Việt Nam.

Làn sóng tranh cãi ấy lại dịu đi tại SEA Games 31. Một U23 Việt Nam tấn công có thể xem là ít hiệu quả nhất dưới tay HLV Park vẫn chinh phục tấm huy chương Vàng nhờ một hàng thủ không chịu một bàn thua nào. Song chỉ sau đó không lâu, cũng với U23 Việt Nam phiên bản ấy, thậm chí là không có 3 ngôi sao tấn công trên 23 tuổi gồm Hùng Dũng, Hoàng Đức, Tiến Linh, dưới bàn tay của Gong Oh Kyun lại chơi đầy máu lửa, cống hiến và đẹp mắt.

U23 Việt Nam của ông Gong với triết lý tấn công đã chơi trên cơ Thái Lan, thắng Malaysia và suýt đánh bại Hàn Quốc. Cũng U23 Việt Nam ấy suýt chút nữa chọc thủng lưới một U23 Saudi Arabia sở hữu hàng thủ bất khả chiến bại tại VCK U23 châu Á 2022. Sau giải đấu đáng khen ấy, khi được hỏi về quan niệm bóng đá thắng hay bóng đá đẹp, HLV Gong Oh Kyun vô tư nói rằng: "Tôi thích bóng đá đẹp. Bởi điều đó tạo nên nhân cách và giá trị nhân văn cho các cầu thủ. Và đó mới là tột cùng của chiến thắng".

Bóng đá Việt Nam nên chọn đá đẹp hay tìm mọi cách chiến thắng? - 7

HLV Gong Oh Kyun khẳng định bóng đá đẹp quan trọng hơn là tìm mọi cách để chiến thắng.

Nhưng đó là suy nghĩ của ông Gong. Và suy cho cùng, việc U23 Việt Nam mà ông dẫn dắt được ủng hộ cũng nhờ những kết quả chung cuộc đầy tích cực tại VCK U23 châu Á 2022. Có lẽ, ông chưa đọc hoặc cũng không biết những bình luận nhằm về mình sau trận thua 0-3 của U23 Việt Nam trước U23 UAE ở trận giao hữu tiền giải đấu. Và cũng có lẽ, một người chân ướt chân ráo mới đến Việt Nam vài tháng như thầy Gong chưa thể nếm trải cảm giác vinh quang trong men say và tột cùng thất vọng khi thua cuộc như ông Park.

Bởi sau tất cả, bóng đá thắng vẫn là phao cứu sinh cho bất cứ HLV nào ở Việt Nam. Và bóng đá thắng vẫn là cái lý cuối cùng để làm thước đo cho thành công, chứ không phải bóng đá đẹp hay bóng đá thực dụng - những gia vị xuất hiện trong một trận đấu, một giai đoạn hoặc một nhiệm kỳ cầm quân đầy những hỉ nộ, ái, ố.

Nội dung: Tường Vy