1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Bóng đá Việt: Bầu "vỡ”, giải loạn, cầu thủ nằm nhà

Sẽ là không quá nếu gọi năm qua là "năm đại họa" của bóng đá Việt. Việc hàng loạt những ông bầu chạy trốn khỏi bóng đá, kéo theo rất nhiều hệ lụy xấu.

12 năm qua cơn mê

Như một vòng tròn định mệnh, năm Tân Tỵ (2001) bóng đá Việt bắt đầu mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên và tới năm Quý Tỵ (2013), tất cả đã cùng nhau trở lại… vạch xuất phát. Trên hành trình ấy, có những thời điểm bóng đá Việt nắm trong tay cơ hội thoát khỏi vòng luẩn quẩn. Tiếc là VFF đã không thể hiện được bản lĩnh trong vai trò cầm lái.

Bầu Kiên (phải) và bầu Thụy.
Bầu Kiên (phải) và bầu Thụy.

Có thể hình dung khoảng 6 năm từ 2005 đến 2010, "con tàu' bóng đá Việt đã được đi trên đoạn đường rất đẹp khi các doanh nghiệp ra sức đổ tiền vào bóng đá. Và đáng ra, thay vì cứ "mát ga" chạy, hoang tưởng cái đích chuyên nghiệp đã ở rất gần, VFF phải có những quyết định hợp lý, an toàn. Nếu cách đây 7-8 năm, VFF quyết liệt, dùng cái gậy trong tay mình để buộc các đội bóng phải đầu tư đào tạo trẻ, không để tình trạng "sang tên đổi chủ" diễn ra một cách vô tư, thì đến giờ có lẽ mọi chuyện đã khác.

Chẳng ở đâu như bóng đá Việt khi các ông bầu cứ thoải mái vung tiền vô tội vạ, "đi đêm" lấy quân của nhau, đẩy giá cầu thủ trên thị trường chuyển nhượng lên tới mức không tưởng. Chứng khoán, bất động sản, ngân hàng thắng lớn, chuyện ông bầu bỏ tiền tỷ ra "chơi" bóng đá, đi đôi quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp là điều dễ hiểu.

Như cách ông Lê Tiến Anh, cựu Chủ tịch CLB K.Khánh Hòa từng lên tiếng chỉ trích: "Có doanh nghiệp trúng dự án 100 tỷ đồng, thích làm bóng đá, được 2 năm thì thôi, gây lãng phí…".

Thực tế thì chẳng phải chỉ có bầu Tiến Anh biết điều đó, mà tất cả đều biết nhưng… mặc kệ. Bởi việc các ông bầu tiêu tiền như rác mang tới cái lợi cho hầu hết các thành phần tham gia bóng đá Việt.

Chỉ có bóng đá Việt là đối diện với thảm kịch "bong bóng vỡ". Các chuyên gia lão làng đầy tâm huyết như Nguyễn Văn Vinh, Lê Thế Thọ, Trần Văn Phúc.., đã lên tiếng cảnh báo nhiều lần nhưng cứ như muối bỏ biển bởi làng bóng Việt đã ngấm quá sâu trong "vòng xoáy đồng tiền". Để giờ đây, khi kinh tế suy thoái, tất cả mới té ngửa đối diện với sự thật phũ phàng.

Ông bầu tháo chạy tán loạn

Chỉ trong khoảng nửa cuối năm 2012 đã có 6 ông bầu vốn một thời lừng lẫy, sẵn sàng mang cả… bao tải tiền tới sân để chờ đội bóng thắng là phát thưởng, đã lần lượt chia tay với môn thể thao vua bằng cách này hay cách khác.

Cú "sốc" đầu tiên là việc ông Nguyễn Đức Kiên, cựu Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) VPF, cựu Chủ tịch CLB Bóng đá Hà Nội dính vòng lao lý cuối tháng 8.2012. Tiếp theo, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB), cũng thoái toàn bộ vốn của Ngân hàng SHB (11%) tại Công ty CP Thể thao SHB.Đà Nẵng. Ít lâu sau, ông Nguyễn Vĩnh Thọ, Chủ tịch Navibank.Sài Gòn tuyên bố bỏ bóng đá.

Gần nhất là việc bầu Tiến Anh chuyển giao K.Khánh Hòa cho V.Hải Phòng. Ông Nguyễn Đức Thụy nhường lại vị trí Chủ tịch XMXT.Sài Gòn cho em trai Nguyễn Xuân Thủy. Ông Hoàng Mạnh Trường để lại ghế Chủ tịch CLB V.Ninh Bình cho "cánh tay phải" Phạm Văn Lệ.

Phía trước, V.League 2013 chỉ còn 12 đội, và nhiều lãnh đội còn bán tín bán nghi là không biết có khởi tranh nổi vào tháng 3.2013 như lịch thi đấu đã ban hành hay không? Lo là phải, bởi đến cả một quan chức của công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cũng bày tỏ sự trăn trở: "Trước đây, khi đội bóng vi phạm quy chế, cứ nói tới việc bị loại khỏi giải hoặc đánh xuống hạng, ai cũng đều rất sợ, nhưng giờ thì không! T

ôi đang e ngại là ngay cả trường hợp các đội bóng đã đăng ký dự giải, nhưng trước ngày khởi tranh hoặc khi giải đang diễn ra, họ lại bỏ với lý do không đủ tài chính. Trường hợp như vậy, chúng ta chưa có chế tài nào xử phạt họ".

Tiền hết, tình tan…

Đến với nhau và dường như chỉ cảm nhận được nhau thông qua đồng tiền, nên cũng chẳng mấy ngạc nhiên khi lúc này bóng đá Việt cứ loạn cào cào ở nhiều cấp độ.

Ông chủ thản nhiên "ngắt ống thở" khiến hàng trăm cầu thủ V.League, hạng Nhất rơi vào cảnh thất nghiệp, có người phải mở quán bán bánh cuốn mưu sinh. Từng là cựu tuyển thủ U23 giành HCB SEA Games 2009, nhưng giờ tiền vệ Nguyễn Công Minh (Hà Nội) cũng không biết làm gì hơn ngoài việc nằm nhà… chơi.

"Tôi có 2 con nhỏ, vợ cũng ở nhà chứ không có công việc gì ổn định nên cuộc sống rất mệt mỏi. Thời gian qua, tôi chán nản lắm bởi không thể tìm được bến đỗ mới do các đội đều đã đủ người. Trước đây, khi ký hợp đồng, ai ngờ tới tình huống bầu Kiên bị bắt, đội bóng giải tán…" - Công Minh nói.

Tiền hết, tình cũng tan. Giờ thì cầu thủ trách các ông bầu không coi họ ra gì, thích thì bán họ đi như mớ rau, con cá. Ngược lại, ông bầu lại bảo cầu thủ vô ơn, chỉ nghĩ tới mình mà không biết chia sẻ với đội bóng lúc khó khăn.

Lúc này, hầu hết các đội bóng đều tuyên bố cắt giảm lương từ 20 đến 50%, vậy mà cầu thủ cũng chẳng dám ho he. Minh chứng đủ để diễn tả thảm cảnh của giới "quần đùi áo số" là việc V.Ninh Bình thỏa thuận với Công ty cổ phần Bóng đá Hà Nội mượn ngôi sao số 1 bóng đá Việt Lê Công Vinh với "giá bèo" 500 triệu đồng/mùa.

Bi hài nằm ở chỗ hơn 1 năm trước, khi ký hợp đồng về đội bóng của bầu Kiên, theo nguồn tin hậu trường, Vinh đã được nhận 13 tỷ đồng/3 năm! Trước đó, ở thời điểm sau khi V.League 2008 kết thúc, cũng chính Vinh đã gây sốc với cú "bom tấn" khi chuyển từ SLNA về Hà Nội T&T với số tiền lót tay trên 7 tỷ đồng (tương đương khoảng nửa triệu USD lúc đó) cùng mức lương 50 triệu đồng/tháng.

Đặt vấn đề ông bầu bỏ giải, cầu thủ thất nghiệp hàng loạt với VFF thì chỉ nhận được câu trả lời chung chung từ một vị lãnh đạo cấp cao: "Hiện VFF đang bổ sung Quy chế bóng đá chuyên nghiệp theo hướng bảo vệ cầu thủ trước những diễn biến phức tạp.

Không có chuyện cầu thủ vẫn bị ràng buộc trong trường hợp CLB chủ quản không đăng ký dự giải hoặc tuyên bố giải tán. Cầu thủ họ là người lao động và phải được quyền lao động, được quyền chơi bóng". Nói là thế, nhưng chẳng biết đến khi nào quy chế mới được bổ sung (?!).

Nhân văn hơn, ông Lê Hùng Dũng, Phó Chủ tịch phụ trách tài chính VFF kiêm Phó Chủ tịch HĐQT VPF còn tha thiết kêu gọi dư luận hãy trân trọng những gì các ông bầu đã đóng góp cho bóng đá Việt những năm qua.

"Bản thân các ông bầu không muốn như vậy và đau lắm chứ. Đầu tư vào bóng đá mấy trăm tỷ đồng, giờ mất hết không còn gì nữa. Tôi cũng là một doanh nhân nên tôi biết lúc này, ngân hàng và doanh nghiệp đều đang rất gay go", ông Dũng nói.

Nhưng thương các ông bầu rồi, thì thử hỏi ai sẽ thương những người hâm mộ không ngại dầm mưa dãi nắng, mải miết sát cánh cùng bóng đá Việt? VFF, VPF, các ông bầu, HLV, cầu thủ có thấy chạnh lòng không khi nghĩ tới những CĐV đã dại dột mang tình yêu vô điều kiện của mình để đổi lại những khoảnh khắc chứng kiến V.League xuống cấp, đội tuyển Việt Nam trải qua kỳ AFF Cup 2012 tồi tệ nhất trong lịch sử?

Theo Lê Đức
Dân Việt