Bóng đá nữ Việt Nam: Từ giải Đông Nam Á đến SEA Games 27
(Dân trí) - 2 đội bóng mạnh nhất của của giải vô địch nữ Đông Nam Á vừa kết thúc là U23 Nhật Bản và U19 Australia. Tuy nhiên, họ lại không dự SEA Games, nên bộ HCV bóng đá nữ chủ yếu là cuộc cạnh tranh trực tiếp giữa Thái Lan, chủ nhà Myanmar và Việt Nam
Giải bóng đá nữ vô địch Đông Nam Á vừa khép lại chính là đợt tổng duyệt của các đội bóng trong khu vực trước thềm SEA Games 27. Với riêng đội tuyển nữ Việt Nam thì đấy là giải đấu không tồi, khi chúng ta tiếp tục giữ vững sức mạnh của mình.
Toàn giải, đoàn quân của HLV Trần Vân Phát thi đấu 6 trận (4 trận vòng bảng, trận bán kết và trận chung kết), chỉ thua 1 trận và chỉ thủng lưới 3 bàn. Chi tiết này cho thấy hàng phòng ngự chắc chắn vẫn là thế mạnh quen thuộc của đội nữ Việt Nam.
Trận thua duy nhất của đội tuyển nữ Việt Nam cũng là trận đấu rất đáng tiếc cho chúng ta. Việt Nam đã dẫn trước từ hiệp 1, đứng vững cho đến tận phút 90, trước khi bị đội bóng rất mạnh là U23 Nhật Bản san bằng cách biệt, rồi thắng trong hiệp phụ, nhờ hơn về mặt thể lực.
Trước đó, đội từng hòa U19 Australia không bàn thắng. Điều đó cho thấy đội tuyển nữ Việt Nam rất biết cách chọn những lối chơi khác nhau, trước các đối thủ khác nhau: Lúc chớp nhoáng, lúc chặt chẽ, với phương châm kết quả là ưu tiên hàng đầu.
Việt Nam vẫn là ứng viên cho bộ HCV SEA Games 27
(ảnh: Trọng Vũ)
Cũng nhân giải bóng đá nữ vô địch Đông Nam Á 2013, người ta phần nào hình dung thực lực của các đội bóng nữ trong khu vực, hình dung những đội có khả năng tranh chấp HCV tại SEA Games 27 diễn ra vào cuối năm.
Ở nhóm trên của SEA Games, Việt Nam, Thái Lan và Myanmar vẫn là những thế lực hàng đầu. Phía dưới, Lào, Malaysia tuy tiến bộ hơn so với chính các đội này mấy năm trước, nhưng vẫn chưa phải là đối thủ của 3 đội nhóm đầu.
Brunei chỉ là đội bóng của các cô học trò đá bóng, trong khi Philippines hay Indonesia không chú trọng đến việc phát triển bóng đá nữ, vì những lý do khác nhau (dân Philippines mê bóng rổ hơn bóng đá, Indonesia là quốc gia Hồi giáo, vốn ít khuyến khích phụ nữ chơi các môn thể thao ngoài trời).
Riêng ở nhóm trên, Việt Nam, Thái Lan hay Myanmar đều có những thế mạnh riêng. Thái Lan có vẻ gần tiếp cận với lối chơi hiện đại nhất. Họ là đội bóng nữ hiếm hoi trong khu vực biết phòng ngự khu vực, mà không cần sử dụng đến trung vệ thòng trong hệ thống phòng thủ (Việt Nam vẫn phải đá có trung vệ thòng).
Myanmar là đội nổi tiếng nhanh, khỏe, có lợi thế sân nhà, thậm chí khi cần các cô gái Myanmar sẵn sàng đá rắn như bóng đá nam. Tuy nhiên, chính lối chơi rắn đôi khi lại làm hại các cầu thủ Myanmar.
Khi một đội bóng tập trung quá nhiều vào việc triệt hạ đối thủ, cũng đồng nghĩa với chuyện họ ít tập trung khai thác chuyên môn. Myanmar vừa trả quá cho lối đá rắn trên mức cần thiết khi để mất người và để thua Việt Nam trong trận tranh hạng 3 giải Đông Nam Á.
Về phía đội tuyển nữ Việt Nam, đấy vẫn là đội bóng ổn định nhất khu vực trong thời gian qua. Nếu chỉ xét riêng thành tích của các đội sẽ dự SEA Games 27, Việt Nam đứng cao nhất tại giải Đông Nam Á vừa kết thúc.
Cũng tại giải này, chúng ta hòa Thái Lan 0-0 (vòng bảng) và thắng Myanmar 3-1 (trận tranh hạng 3). Các kết quả đó cho thấy đoàn quân của HLV Trần Vân Phát hoàn toàn có khả năng tự giải quyết các đối thủ vừa nêu, một khi đá đúng sức.
Việt Nam hơn Myanmar ở sự uyển chuyển và các đường nét trong phối hợp tấn công, hơn Thái Lan ở những vị trí cụ thể, ở dạng ngôi sao có thể quyết định trận đấu bằng những khoảnh khắc lóe sáng, kiểu tiền vệ Kim Hồng, Lê Thị Thương, hay thủ môn Kiều Trinh…
Dĩ nhiên, tại SEA Games 27, người ta còn cần phải tính đến yếu tố sân bãi, thậm chí cả yếu tố trọng tài, một khi chủ nhà Myanmar đặt quyết tâm cực cao.
Dù vậy, người ta vẫn tin vào khả năng của HLV Trần Vân Phát bên phía đội Việt Nam, ông Phát tỏ ra quá hiểu các cầu thủ mà mình đang có, hiểu những đối thủ mà chúng ta sẽ gặp. Đặc biệt, khả năng đọc trận đấu và các con tính của HLV Trần Vân Phát là rất đa dạng.
Trọng Vũ