Bóng đá miền Tây Nam bộ trước thời khắc của sự đổi thay
(Dân trí) - Có thời miền Tây Nam bộ là thế lực của bóng đá nội, ở cái giai đoạn mà những Đồng Tháp, An Giang và Long An làm mưa làm gió ở giải VĐQG. Thế nhưng, giờ thì mọi thứ thay đổi quá nhanh và người miền Tây ở V-League lúc này chỉ mong trụ hạng.
Thời bóng đá bao cấp, khu vực miền Tây Nam bộ luôn là một trong những trung tâm của bóng đá nước nhà. Ngoài sự đam mê của người dân, bóng đá vùng đồng bằng sông Cửu Long mạnh còn nhờ sự máu mê của lãnh đạo địa phương, cùng đường đi phù hợp trong bối cảnh bóng đá thời đó.
ĐT Long An đang vật lộn trong cuộc chiến trụ hạng - Ảnh: Gia Hưng
Trong bộ tứ Sáu – Bảy – Tám – Chín ấy, ngoại trừ ông Chín Lộc là dân miền Trung (cố GĐ Sở TDTT Khánh Hòa), thì 3 người đầu tiên đều là dân đồng bằng sông Cửu Long: ông Sáu Thành hồi đó là GĐ sở TDTT Đồng Tháp, các ông Bảy Nô và Tám Đông lần lượt giữ các vị trí tương tự ở Long An và An Giang.
Đường đi nước bước của bóng đá Việt Nam hầu như được các vị này thuộc nằm lòng, và hồi đó những Đồng Tháp, An Giang hay Long An cực mạnh. Đồng Tháp với 2 ngôi VĐQG các năm 1989 và 1996 chính là trung tâm của cả miền Tây Nam bộ về bóng đá. Trong khi An Giang và Long An dù chưa có ngôi vô địch nhưng vẫn đủ sức khuynh đảo làng cầu trong nước.
Nhưng đến thời bóng đá doanh nghiệp thì các đội bóng miền Tây Nam bộ dường như không kịp chuyển đổi mình. Ngoại trừ Long An có sự xuất hiện của bầu Thắng thì hầu hết các địa phương còn lại đều xuống thê thảm. Xuống đến mức Đồng Tháp giờ phải đá ở giải hạng dưới, trong khi An Giang phải mất đến 16 năm mới trở lại giải VĐQG.
Bản thân ĐT Long An giờ cũng chẳng còn mạnh như hồi 6 – 7 năm trước. Thậm chí nơi đây còn đối diện với cảnh phải xóa bàn cờ làm lại từ đầu, nếu bầu Thắng rút khỏi CLB này như những gì ông từng bộc bạch hồi đầu mùa giải.
Có một nỗi đau với người miền Tây Nam bộ là trong lúc SL Nghệ An, Đà Nẵng vẫn giữ được sức mạnh truyền thống, bất chấp sự biến thiên của thời gian, trong lúc những Thanh Hóa, Đồng Nai đang nổi lên là điểm đến giàu sức hút mới, thì các đội bóng vùng đồng bằng sông Cửu Long lại đang vật lộn với nỗi lo cơm-áo-gạo-tiền.
Riêng ở mùa giải 2013 này thì suất xuống hạng duy nhất ở V-League buồn thay dường như đang trở thành chuyện nội bộ của người miền Tây.
2 đội bóng của bầu Thắng gồm ĐT Long An và Kiên Giang giờ lại là 2 đối thủ trực tiếp và gần như cũng là duy nhất của nhau trong cuộc chiến giành quyền trụ hạng. Đấy cũng là 2 đội thuộc vào loại yếu nhất, thiếu thốn nhất (cả tiền lẫn con người) xét trên mặt bằng V-League lúc này.
Người dân đồng bằng sông Cửu Long chưa kịp vui với chuyện HV.An Giang giành vé thăng hạng sau 16 năm chờ đợi, thì họ đã phải chuẩn bị với nỗi đau sắp phải chia tay 1 đại diện khác của bóng đá miền Tây Nam bộ, một khi hoặc ĐT Long An, hoặc Kiên Giang rớt xuống hạng Nhất.
Cái đáng lo hơn nữa là chẳng có gì đảm bảo rằng ở mùa sau, tình hình với các đội bóng vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ sáng hơn mùa này. ĐT Long An, Kiên Giang và cả HV.An Giang vẫn sẽ là những đội bóng tồn tại với nguồn lực thuộc vào loại “hẻo” nhất V-League.
Cái thiếu lớn nhất của các đội bóng này không chỉ có vậy. Kiên Giang hầu như không có lực lượng nội tại, không có tuyến kế cận để duy trì sự ổn định. ĐT Long An và An Giang mười mấy năm qua cũng chẳng thể cho ra lò tuyến trẻ tạm gọi là coi được để sẵn sàng gánh vác trách nhiệm ở đội lớn, trong khi yếu tố con người luôn là yếu tố quan trọng nhất để làm nên mọi thành công.
Người miền Tây Nam bộ không thiếu đam mê với bóng đá, nhưng thực tế đang chứng minh rằng đam mê không thôi chưa đủ. Để bóng đá vùng đồng bằng sông Cửu Long trở lại với cái ngày xưa oai hùng, mảnh đất này còn cần những người biết cách làm, biết xây nhà từ móng và biết cả cách kêu gọi những nhà đầu tư đến với mình, thay vì cứ mãi đi theo cái lối mòn cũ kỹ, thay vì cứ quen kiểu “ăn đong” từng mùa.
Trọng Vũ