Bóng bàn Việt Nam lại “tự bắn vào chân mình”

(Dân trí) - Bóng bàn Việt Nam vốn đã ít cơ hội tại SEA Games 27, giờ càng ít hy vọng hơn, nếu như 2 tay vợt chủ lực Đinh Quang Linh và Trần Tuấn Quỳnh không có mặt tại Myanmar vào cuối năm nay.

Tiêu chí tuyển chọn VĐV cho đội tuyển chưa phù hợp?

Việc Trưởng bộ môn bóng bàn thuộc Tổng cục TDTT Nguyễn Đức Long giải thích về phương thức đấu nội bộ để chọn VĐV dự SEA Games có thể chưa phù hợp hoàn cảnh, cũng như chưa phù hợp với thực tế khan hiếm nhân tài của bóng bàn Việt Nam hiện nay.

Khác với bóng bàn Trung Quốc vốn có quá nhiều tài năng và cần phải sàng lọc trước thềm các giải đấu lớn, bóng bàn Việt Nam hiện tại đang trong cảnh khan hiếm nhân tài. Thế nên, việc tuyển chọn VĐV dự SEA Games bằng cách đấu nội bộ, học theo phương pháp của bóng bàn Trung Quốc, là cách làm nặng về hình thức.

Vả lại, tại giải cây vợt xuất sắc toàn quốc diễn ra cách nay chưa lâu, Đinh Quang Linh vẫn chơi rất hay để lên ngôi vô địch. Đấy đã là lời khẳng định cho phong độ của tay vợt này, chứ không phải qua các trận đấu nội bộ, mà ở đó tính cạnh tranh chưa chắc cao bằng một giải đấu chính thức như giải cây vợt xuất sắc.

Chơi hay tại giải Cây vợt xuất sắc, nhưng Quang Linh vẫn bị nghi ngờ về phong độ (ảnh: Trọng Vũ)

Chơi hay tại giải Cây vợt xuất sắc, nhưng Quang Linh vẫn bị nghi ngờ về phong độ (ảnh: Trọng Vũ)

Bắt Đinh Quang Linh đấu nội bộ như thế cũng có vẻ như bộ môn không tôn trọng thành tích mà Quang Linh vừa đạt được ở giải cây vợt xuất sắc vừa kết thúc.

Ở đây, phương pháp thi đấu nội bộ, chọn VĐV đánh các giải đấu lớn không phải là phương pháp tồi. Tuy nhiên, cách làm này có phù hợp với điều kiện thực tế của bóng bàn Việt Nam hay không thì cần phải xem lại?

Bóng bàn Việt Nam có nhiều tài năng, khó chọn lựa thành phần đội tuyển để đến nội phải đấu nội bộ hay không cũng cần phải tính? Vả lại, việc chưa chuẩn bị tâm lý cho các VĐV mà đem phương pháp ấy vào áp dụng ngay thì cũng khó có thể nói là công bằng với những người đã nỗ lực suốt cả năm qua như Đinh Quang Linh, nhưng vẫn bị nghi ngờ về mặt năng lực.

Một đội tuyển thiếu kinh nghiệm thi đấu quốc tế

Trước đây, người ta đã từng cảnh báo về chuyện đội tuyển bóng bàn nam Việt Nam thiếu hẳn tay vợt số 3 có đẳng cấp, bởi sau khi Kiến Quốc rút lui vì tuổi tác, bóng bàn nam Việt Nam chỉ còn mỗi Đinh Quang Linh và Trần Tuấn Quỳnh đủ sức so tài với các tay vợt hàng đầu khu vực.

Giờ, nếu đội tuyển không có cả Quang Linh và Tuấn Quỳnh, mọi chuyện có thể còn tệ hơn nữa, cơ hội tranh chấp huy chương (bất kể màu gì, chứ không dám nói là HCV) vốn đã nhỏ, còn nhỏ hơn.

Tại giải bóng bàn quốc tế Cây Vợt Vàng diễn ra ở TPHCM cách nay chưa lâu (được xem là giải Tiền SEA Games vì có rất nhiều đội mạnh trong khu vực tham dự), dễ thấy là không có tay vợt trẻ nào của Việt Nam đủ sức làm nên chuyện trước các tay vợt Thái Lan, hay Singapore.

Đấy không chỉ đơn thuần chỉ là chuyện kinh nghiệm, mà còn là vấn đề đẳng cấp. Thế nên, khó hy vọng đội tuyển nam với các tay vợt hạng xoàng này đủ sức giúp bóng bàn Việt Nam nở mày nở mặt tại SEA Games.

Dĩ nhiên, họ cần môi trường và cần thời gian để tiến bộ. Nhưng cũng đừng quên rằng cách tiến bộ tốt nhất đối với các tay vợt trẻ là tham dự các giải đấu lớn, cùng các tay vợt đàn anh, đồng thời được các tay vợt đàn anh dìu dắt.

Khi thi đấu bên cạnh các đàn anh ở các giải lớn, các tay vợt trẻ sẽ được chính các tay vợt đàn anh gánh phần lớn trọng trách, và công việc còn lại của họ sẽ nhẹ hơn nhiều, tránh tạo áp lực quá lớn đối với các tay vợt dạng này.

Tiêu chí tuyển chọn VĐV cho đội tuyển quốc gia cũng nêu rõ, ngoài chuyện tạo điều kiện cho các tài năng trẻ thực sự nổi bật (Duy Hoàng, Văn Nam, Tiến Đại và Văn Ngọc vẫn chưa có gì quá nổi bật), còn phải tận dụng tối đa bản lĩnh của các VĐV giàu kinh nghiệm.

Rõ ràng là cũng chẳng thể phủ định sạch trơn những nỗ lực của Đinh Quang Linh trong suốt 1 năm qua chỉ bằng một cuộc đấu nội bộ, hoặc không thể bỏ qua bản lĩnh của Trần Tuấn Quỳnh, trong bối cảnh mà chưa có tay vợt trẻ nào chứng tỏ được họ đáng được gánh toàn bộ trọng trách của đội tuyển trên vai.

Kim Điền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm