1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Bi kịch cầu thủ Việt Nam phải đi bán hải sản, thu gom phế liệu

Hoàng Quốc

(Dân trí) - V-League hủy tạo ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng nặng nề tới đời sống cầu thủ Việt Nam trong mùa dịch Covid-19. Nhiều người phải đi làm thêm đủ thứ nghề để có thu nhập trang trải cuộc sống.

Hình ảnh Nguyễn Hải Huy chia sẻ trên trang cá nhân khiến nhiều người không khỏi xót xa. Đội trưởng CLB Than Quảng Ninh phải đi bán hải sản để có thêm thu nhập nuôi gia đình. Hải Huy cho biết anh có thể sẽ phải làm công việc này đến hết năm 2021, rồi sau đó tùy tình hình mới tính tiếp.

Thực tế, cuộc sống của Hải Huy và các cầu thủ Than Quảng Ninh đã không rơi vào cảnh khó khăn nếu như họ có thu nhập ổn định từ tiền lương của đội bóng. Nhưng từ trước mùa giải 2021, toàn đội đã bị nợ lương, thưởng, phí lót tay tới 8 tháng, rồi sau đó tiếp tục bị nợ thêm 4-5 cho tới nay.

Bi kịch cầu thủ Việt Nam phải đi bán hải sản, thu gom phế liệu - 1
Hải Huy phải đi bán hải sản để có thêm thu nhập.

Cá nhân Hải Huy bị đội bóng nợ khoảng 800 triệu đồng, còn một số cầu thủ khác nợ nhiều hơn, lên tới 2 tỷ đồng. Được biết, tổng số tiền nợ của CLB Than Quảng Ninh hiện tại vào khoảng 90 tỷ đồng nhưng không có hướng giải quyết.

"Nhiều người cứ nghĩ cầu thủ nhiều tiền lắm nhưng đó chỉ là bề nổi. Chúng tôi cần thu nhập ổn định để nuôi gia đình. Giờ cả đội bị nợ lương nhiều tháng, phải đi làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống", Hải Huy chia sẻ.

Hầu hết các đội bóng đều nghỉ tập luyện từ tháng 5. Một số đội bóng duy trì tiền lương, một số cắt giảm, còn lại nợ như trường hợp của CLB Than Quảng Ninh.

Trở về cùng gia đình, nhiều cầu thủ đã phải làm đủ thứ nghề để sống. Thậm chí cựu tuyển thủ Xuân Nam của CLB Bình Định còn phải đi thu gom phế liệu.

Xuân Nam cho biết anh cùng bố đi thu gom giấy vụn để bán cho các công ty tái chế. Cầu thủ CLB Bình Định chia sẻ: "Lần nào về nhà tôi cũng cùng bố đi làm buổi sáng, cứ 5 giờ sáng dậy là đi làm đến 11 giờ trưa về nhà. Gia đình tôi làm thu mua giấy vụn để bán cho các công ty được 5 năm rồi và tôi rất hạnh phúc được góp sức mỗi khi rảnh rỗi".

Bi kịch cầu thủ Việt Nam phải đi bán hải sản, thu gom phế liệu - 2
Xuân Nam cùng bố mẹ đi thu mua phế liệu.

Thủ thành Xuân Việt của Hải Phòng cho rằng cầu thủ chủ yếu chỉ biết đá bóng, vì thế khi giải đấu bị hủy hoặc hoãn, sẽ không biết làm gì để kiếm sống.

Còn Lê Trung Hiếu của CLB Hải Phòng cho biết, hiện tại cầu thủ nào có công việc làm thêm cũng là may mắn, còn lại đều gặp khó khăn về tài chính.

Hậu vệ Nguyễn Công Thành (Sài Gòn FC) cũng cám cảnh: "Nhanh ghê, vừa chớp mắt mất cả chì lẫn chài. Vừa xa nhà vừa kẹt vì dịch bệnh, giờ thêm công việc".

Theo tìm hiểu ở các đội bóng, chỉ có các ngoại binh và trụ cột là nhận mức lương cao, còn lại cầu thủ dự bị hay cầu thủ trẻ chỉ có lương trên dưới 20 triệu đồng/tháng nên không thể tích lũy.

Ở CLB Hải Phòng, được biết các cầu thủ đã bị cắt giảm lương tới 70%. Nhưng việc giảm lương còn không lo bằng thanh lý hợp đồng, với ngay cả những đội bóng có tài chính ổn định. Nhiều cầu thủ đã bị đẩy ra đường, bơ vơ không biết đi đâu, về đâu.

Trong tình cảnh hàng trăm cầu thủ bị thất nghiệp, các ngoại binh cũng khốn khó vô cùng. Mới nhất, HA Gia Lai đã chia tay trung vệ Damir Memovic (Serbia). CLB Hà Nội cũng cho các ngoại binh trở về nhà. Các đội bóng SL Nghệ An, Thanh Hóa, Sài Gòn… bắt đầu ồ ạt tiến hành thanh lý hợp đồng với các chân sút ngoại, bởi đây là những cầu thủ nhận lương cao nhất đội.

Hầu hết các cầu thủ ngoại đều gặp khó trong việc duy trì cuộc sống hàng ngày, nhất là ở những vùng có dịch. Vì thế, nhiều người đã phải trở về nước, chờ ngày khởi tranh V-League 2022.

Một chuyên gia cho rằng việc hủy LS V-League 2021 là bất khả kháng, tuy nhiên quyết định của VFF và VPF là rất vội vàng, đẩy hàng trăm cầu thủ rơi vào cảnh thất nghiệp. Bóng đá là nghề đặc thù, nếu cầu thủ không duy trì được trạng thái thi đấu, tập luyện, các CLB không hoạt động, sẽ dẫn đến nguy cơ đổ vỡ của cả hệ thống.