Bệ phóng thành công của MU là ai?

(Dân trí) - Nhiều người đã ca ngợi Paul Pogba, Ibrahimovic, Mkhitaryan… trong thời gian qua mà quên mất rằng chính sự xuất hiện của Carrick ở hàng tiền vệ mới là bệ phóng giúp MU trở lại mạnh mẽ.

1. Có chi tiết quan trọng cần được nhấn mạnh. Chuỗi chiến thắng của MU (cũng như khi Pogba, Ibrahimovic bắt đầu chơi hay) bắt đầu từ trận trước Swansea ở vòng 11 Premier League. Đó là khi Carrick lần đầu xuất hiện ở đội hình chính MU. Kể từ đó tới nay, cầu thủ này là gương mặt thường xuyên xuất hiện ở đội hình xuất phát của HLV Mourinho.

Thực tế ấy không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Bởi lẽ, trước đó, HLV Mourinho từng sử dụng khá nhiều cầu thủ khác nhau ở vị trí của Carrick như Fellaini, Ander Herrera nhưng không mang tới hiệu quả cao như vậy.

Họ có thừa sự nhiệt tình và sức mạnh nhưng lại không phải mẫu nhạc trưởng có thể điều tiết trận đấu. Do đó, MU đã thực sự “rối loạn” (xem sơ đồ dưới đây). Bản thân Paul Pogba không thể chơi tự do mà phải bó buộc vào nhiệm vụ phòng ngự hay điều tiết trận đấu, thay vì dâng lên nhiều để hỗ trợ tiền đạo.

MU đã có tổ chức hơn rất nhiều sau khi Carrick xuất hiện
MU đã "có tổ chức" hơn rất nhiều sau khi Carrick xuất hiện

Chính vì vậy, MU không thể hiện được đầy đủ sự bùng nổ mà luôn bị bó buộc ở khuôn khổ nào đó, rất dễ bắt bài. Đã từng có thời điểm, truyền thông Anh đã thực hiện chiến dịch kêu gọi HLV Mourinho sử dụng Carrick để “cứu” Paul Pogba và đồng thời “cứu” MU. Tuy nhiên, mãi tới trận đấu với Swansea, ông mới sử dụng. Rất may, mọi chuyện chưa quá muộn.

2. Thực tế, nói về sự xuất hiện của Carrick, không thể dựa quá nhiều vào con số thống kê (trung bình chuyền hơn 60 đường/trận ở Premier League với tỷ lệ chính xác 91%). Bởi nó chưa đủ để phản ánh tầm ảnh hưởng của tiền vệ người Anh.

Rio Ferdinand từng đưa ra phân tích về sự nguy hiểm của Carrick: “Sau khi thu hồi bóng, Carrick rất hiếm khi chuyền ngang nếu không phải bắt buộc làm điều đó. Thay vào đó, cậu ấy thường chủ động chọc khe vào khu vực tấn công của MU. Những đường chuyền vô cùng nguy hiểm bởi nó được thực hiện nhanh và chính xác. Mùa giải trước, dưới thời Van Gaal, đội bóng chơi chậm và buồn tẻ bởi thiếu đi những đường chuyền như vậy”.

Cách sắp xếp hàng tiền vệ ba người của Mourinho khá giống với Juventus những năm qua. Ở đó, tiền vệ kiến thiết lùi sâu (Pirlo và Carrick) sẽ chơi thấp nhất hàng tiền vệ và thực hiện nhiệm vụ điều phối. Còn lại, hai tiền vệ ở trên sẽ đóng vai trò con thoi (Pogba có xu hướng tấn hơn hơn Vidal và Herrera) để thực hiện nhiệm vụ càn quét, giúp Carrick rảnh chân để “đạo diễn” trận đấu.

Sự xuất hiện của Carrick giúp Pogba nói riêng và tập thể MU nói chung bừng sáng
Sự xuất hiện của Carrick giúp Pogba nói riêng và tập thể MU nói chung bừng sáng

3. Qua cách sắp xếp Carrick, Mourinho cũng cho thấy sự thay đổi về tư duy chiến thuật của mình. Trước tới nay, ông thường xuyên áp dụng sơ đồ với tiền vệ phòng ngự ở giữa sân (và cực kỳ thành công với “công thức” này). Bên cạnh đó, ông chưa bao giờ ưa thích sử dụng tiền vệ kiến thiết lùi sâu như Carrick.

Tuy nhiên, ở MU thời điểm này, mọi thứ đang diễn ra nằm ngoài hoàn toàn triết lý của “Người đặc biêt”. Ngay cả cái cách MU chơi tấn công, thay vì “dựng xe bus” cũng là “sự khác lạ” so với Mourinho trong quá khứ.

Rõ ràng, trong guồng quay của thời gian, bạn không thể đứng yên một chỗ. Điều đó có nghĩa rằng bạn sẽ tự tụt lại so với người khác. Người ta cho rằng yếu tố chiến thuật của Mourinho đã “chững lại” sau khi ông giành chức vô địch Champions League cùng Inter (đều sử dụng sơ đồ 4-2-3-1) nhưng giờ đây, “Người đặc biệt” đã hoàn toàn khác. Chính sự thay đổi của Mourinho (bắt đầu từ việc sắp xếp Carrick đá chính) đã thực sự khiến MU lột xác.

Thống kê chỉ ra rằng, MU chưa thua khi Carrick ra sân mùa này (thắng 15, hòa 2). Với “bệ phóng” này, Quỷ đỏ đang tràn trề tự tin giành thêm một chiến thắng trong trận đấu gặp Liverpool vào hôm nay.

H.Long