Bầu Đức, CLB TPHCM và bầu Hiển
(Dân trí) - Khi bầu Đức phát biểu với đại ý CLB TPHCM khó vô địch mùa này vì phải cùng lúc đối diện với 5 đội bóng khác nhau cùng chịu ảnh hưởng của một ông bầu, người ta ngầm hiểu bầu Đức nói đến bầu Hiển. Và ông Đức cũng không phải là người đầu tiên nói về tình trạng này.
Sau phát biểu của bầu Đức, HLV Chung Hae Seong bên phía CLB TPHCM nhanh nhẩu trả lời rằng mùa giải chưa kết thúc và đội bóng thành phố còn chưa biết có vô địch hay không? Rằng “CLB TPHCM đâu phải chỉ đá với 5 đội, mà giải đấu có đến 14 đội”.
Dù vậy, có vẻ như một HLV ngoại như vị HLV người Hàn Quốc không rõ lắm thâm ý của bầu Đức quanh cách ông Đức ví von “ba đánh một không chột cũng què”, huống chi 5 đội chọi 1 đội (tức CLB TPHCM), thì sao đá lại?! Ông Chung Hae Seong không hiểu thâm ý bởi ông có lẽ không tường tận chuyện hậu cảnh của bóng đá Việt Nam.
Giống như HLV Petrovic của FLC Thanh Hoá trước đây từng chua chát mỉa mai V-League nên sớm trao cúp vô địch cho CLB Hà Nội, để các đội khác chỉ nên tranh hạng nhì.
Cách nói của HLV Petrovic khi đó nhìn chung hơi thiếu kiềm chế, nhưng về mặt nào đấy vị HLV Serbia sau hành trình “lên bờ xuống ruộng” trong thế “mãnh hổ nan địch quần hổ” giữa vòng vây các đội bóng cùng chịu ảnh hưởng của bầu Hiển, đã không còn giữ được bình tĩnh.
Sau đó thì sếp cũ của HLV Petrovic là ông bầu Trịnh Văn Quyết bồi thêm, khi chính thức tuyên bố bỏ bóng đá đỉnh cao: “Chúng tôi nhận thấy rằng, nếu đầu tư tiếp và thậm chí thêm nhiều tiền nhưng nếu chỉ có một mình FLC Thanh Hoá chắc chắn không thể vô địch. Có vấn đề tế nhị ở đây, nên tôi không thể nói thẳng ra được, dù chúng tôi có cố gắng bao nhiêu nhưng cũng không thể hy vọng vô địch V-League”.
Có nghĩa là, trong hàng ngũ các ông bầu bóng đá, không chỉ có mình bầu Đức ám chỉ tình trạng “một ông chủ - nhiều đội bóng”, khiến cho tính cạnh tranh của giải đấu giảm đi, đặc biệt sự sòng phẳng liên quan đến 2 cuộc đua giành ngôi vô địch và giành suất trụ hạng giảm đáng kể.
Trước nữa, bầu Thuỵ từng nói thẳng, trong lễ tổng kết mùa giải 2012, rằng đội XM Xuân Thành Sài Gòn của ông chịu thiệt, bị mất ngôi vô địch V-League năm đó, vì Hà Nội T&T (tên gọi khác của CLB Hà Nội trước đây) chơi tử thủ đầy tiêu cực với XM Xuân Thành Sài Gòn trên sân Thống Nhất, tạo điều kiện cho SHB Đà Nẵng lên ngôi vô địch trong trận đấu diễn ra cùng thời điểm ở Ninh Bình. Mà T&T và SHB Đà Nẵng đều là những doanh nghiệp của bầu Hiển.
Khi đó, bầu Hiển mới chi phối có 2 đội bóng, hiện giờ, như bầu Đức ám chỉ, số đội chịu sự chi phối của bầu Hiển tại V-League đã lên đến 5 đội. Đành rằng trên giấy tờ, chẳng có gì chứng minh điều đó, nhưng chưa thể chứng minh được không có nghĩa là những người trực tiếp tham gia cuộc chơi không có quyền nghi ngờ, hoặc không biết thực tế của bóng đá nội như thế nào.
Vả lại, bầu Đức, bầu Quyết, hay bầu Thuỵ đều là những ông chủ có tiếng, có vị trí và có ảnh hưởng nhất định trong xã hội, họ đâu thể chuyện không nói có. Ngược lại, chuyện mà họ nói ra thường là kết quả của cả quá trình họ đúc kết được thông qua thực tế làm việc, thực tế trải nghiệm.
Người hâm mộ nếu theo dõi V-League thường xuyên cũng hiểu chuyện này, và hiểu rõ thâm ý của bầu Đức hơn hẳn cách hiểu của HLV Chung Hae Seong.
Và nếu các ông bầu có phản ứng theo kiểu của những ông chủ làm bóng đá, rằng khi bất mãn với tình trạng “một ông chủ - nhiều đội bóng”, họ không đầu tư nữa, thì người hâm mộ cũng phản ứng theo cách của người hâm mộ, đó là giảm tới sân, càng về cuối giải càng ít theo dõi các cuộc đua ở 2 đầu bảng xếp hạng!
Kim Điền