Nhìn từ thương vụ David Villa
Barcelona và thói quen mua đắt bán...như cho không
(Dân trí) - Với việc Barcelona chấp nhận bán Villa cho Atletico Madrid với cái giá như cho không lại một lần nữa cho thấy khả năng chuyển nhượng thực sự yếu kém và thiếu tầm nhìn của ban lãnh đạo đội chủ sân Nou Camp.
Với 48 bàn thắng trong 119 trận đấu chính thức, không thể phủ nhận những dấu ấn chuyên môn tích cực mà David Villa đã để lại trong màu áo Los Blaugrana suốt 3 mùa giải qua. Tuy nhiên về mặt kinh tế, với việc Barcelona chấp nhận bán Villa cho Atletico Madrid với cái giá như cho không lại một lần nữa cho thấy khả năng chuyển nhượng thực sự yếu kém và thiếu tầm nhìn của ban lãnh đạo đội chủ sân Nou Camp.
Barcelona từng chi ra tới 40 triệu euro để có được Villa từ Valencia để rồi sau 3 mùa giải bán lại cho Atletico với cái giá 5 triệu euro. Như vậy, Los Blaugrana đã chịu lỗ tới 35 triệu euro trong thương vụ Villa nếu chỉ so sánh trên chênh lệch số tiền chuyển nhượng mua và bán, biến chân sút ghi nhiều bàn thắng nhất lịch sử La Furia Roja trở thành bản hợp đồng thua lỗ nhiều thứ hai của Barcelona trong những năm gần đây.
Thương vụ gây tốn kém ngân quỹ nhất của Barcelona chính là bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử đội bóng Ibrahimovic. Mùa hè 2009, Ibrahimovic chuyển tới Barcelona với tổng chi phí lên tới 87 triệu euro với việc Samuel Eto’o chuyển tới Inter Milan như là một phần trong bản hợp đồng. Tuy nhiên chỉ sau 1 mùa giải, vì những mâu thuẫn với Pep Guardiola, Barcelona chấp nhận “bán tống bán tháo” Ibrahimovic cho AC Milan với giá 24 triệu euro, chịu lỗ 63 triệu euro.
Không tốn kém như những siêu sao như Ibrahimovic hay Villa, nhưng những năm gần đây Barcelona còn thực hiện không ít thương vụ như…làm từ thiện cho các đội bóng khác. Điển hình như Barcelona bỏ ra 15 triệu euro cho Arsenal để có được Alexander Hleb nhưng rồi tiền vệ Belarus này lưu lạc khắp nơi trước khi chia tay sân Nou Camp theo dạng chuyển nhượng tự do.
Tương tự thương vụ Hleb, Barcelona bỏ ra 16.5 triệu euro để chiêu mộ Henrique nhưng trung vệ người Brazil cũng lưu lạc hết đội bóng này đến đội bóng khác theo dạng cho mượn trước khi cũng ra đi theo dạng chuyển nhượng tự do tới Racing Santander. Ở thương vụ Chigrinsky, Barcelona phải chi ra 25 triệu euro cho Shakhtar Donetsk nhưng chỉ sau 1 mùa giải thảm họa, Barcelona đã phải tống tiễn hậu vệ người Ukraine này trở lại Shakhtar với cái giá 15 triệu euro, chịu lỗ 10 triệu euro.
Tương tự như thương vụ Chigrinsky, Barcelona cũng chịu lỗ tới 13.5 triệu euro cho thương vụ chiêu mộ trung vệ người Uruguay Martin Caceres hay 4 triệu euro cho thương vụ Maxi Lopez. Tuy nhiên có lẽ thương vụ tồi tệ nhất mà Barcelona thực hiện trong những năm gần đây phải là thương vụ Keirrison khi Barcelona chi ra tới 14 triệu euro cho tài năng trẻ sáng giá của bóng đá Brazil này.
Tuy nhiên Keirrison lại không có lấy một lần được khoác áo “gã khổng lồ xứ Catalonia” cho tới khi hợp đồng đáo hạn. Chỉ vì sự yếu kém trong chuyển nhượng ở 8 thương vụ này mà Barcelona đã chịu tổn thất tới 170.4 triệu euro chưa kể tới số tiền bỏ ra để trả lương hay “thiệt hại” về mặt chuyên môn. Một so sánh hơi khập khiễng nhưng số tiền ném qua cửa sổ đó gần gấp 3 lần số tiền Barcelona đã bỏ ra để có được Neymar.
Những thương vụ chuyển nhượng tồi tệ nhất về mặt kinh tế của Barcelona (trong ngoặc là chênh lệch giữa số tiền mua và bán)
1. Ibrahimovic (-63 triệu euro)
2. Villa (-34,9 triệu euro)
3. Henrique (-16,5 triệu euro)
4. Hleb (-15 triệu euro)
5. Keirrison (-14 triệu euro)
6. Cáceres (-13 triệu euro)
7. Chigrinsky (-10 triệu euro)
8. Maxi López (-4 triệu euro)
Ngọc Trung