Bạo lực “leo thang” cùng khung thưởng V-League

(Dân trí) - Ngày V-League 2011 hạ màn đã cận kề, đó là lý do đẩy cuộc đua tranh chức vô địch và trụ hạng diễn biến phức tạp và khó lường. Song hành cùng thành tích chẳng thể thiếu các khoản thưởng “phá giá”, một trong số nguyên nhân khiến bạo lực xuất hiện tràn lan.

Giải đấu cao nhất trong hệ thống thi đấu bóng đá Việt Nam đã lên chuyên nghiệp, sau chu kỳ thử nghiệm và tích lũy kéo dài 10 năm (2000 - 2010). Mô hình vận hành giải V-League và vốn điều lệ thay đổi, nhưng tư duy làm bóng đá chẳng phải lúc nào cũng biến chuyển theo tốc độ phát triển .

 

Trong hoàn cảnh tài chính vẫn là “kim chỉ nam”, là nhân tố luôn gắn liền với thành tích trên sân cỏ. Việc treo thưởng “khủng” vẫn là sự lựa chọn đầu tiên, được một bộ phận các ông bầu xem như là mốt thời thượng để khẳng định tính “chịu chơi”.
 
Bạo lực “leo thang” cùng khung thưởng V-League - 1
 Bạo lực trên V-League gia tăng nhanh vào cuối mùa giải - Ảnh: Gia Hưng
 

Càng về cuối mùa giải, thông tin đội bóng này, CLB kia treo thưởng 1 tỷ/trận thắng, 1,5 tỷ/trận thắng, rồi đến 2 tỷ/trận thắng chẳng còn là chuyện hiếm ở V-League. Đi kèm khung thưởng trận, bao giờ cũng có lời hứa thưởng 3-5 tỷ cho từng nấc thành tích cụ thể cứ xuất hiện nhan nhản khiến người hâm mộ giật mình thon thót.

 

Được treo thưởng, đương nhiên tinh thần các cầu thủ lên cao rõ rệt. Từ nhóm đội cạnh tranh ngôi “vương”, cho đến nhóm vật lộn trụ hạng đều vào trận với tinh thần quyết đấu cao độ. Để giành được những phần thưởng nghe mà choáng từ ông bầu, các cầu thủ đôi khi chấp nhận tất cả mọi rủi ro, sẵn sàng triệt hạ đồng nghiệp miễn là chiến thắng.

 

Mùa nào cũng vậy, khi V-League trôi về nửa cuối hành trình mức thưởng lại gia tăng chóng mặt. Đó cũng là thời điểm những pha vào bóng thô bạo xuất hiện theo cấp số nhân, hoặc cầu thủ các đội sẵn sàng lao vào ăn thua đủ với trọng tài khi cảm thấy quyết định đưa ra không mang lại lợi cho đội nhà…

 

Lý giải về nạn bạo lực gia tăng với tốc độ chóng mặt 2-3 vòng đấu gần đây, nhiều quan chức VFF cho rằng “áp lực thành tích là nguyên nhân dẫn đến những pha va chạm cứng rắn không đáng có, hoặc gây áp lực lên trọng tài”. Đó là cách biện giải không sai, bởi đã làm bóng đá ai chẳng ham muốn giành thành tích để dễ ăn dễ nói với các cổ đông.
 
Bạo lực “leo thang” cùng khung thưởng V-League - 2
 Nhiều pha vào bóng thô bạo xuất hiện tràn lan - Ảnh: Quang Thắng
 

Tuy nhiên, cách giải thích này chỉ nêu ra được một trong hàng loạt lý do phức tạp đẩy tình trạng bạo lực không ngừng phát triển. Trong số những nguyên nhân khiến bóng các pha vào bóng ác ý xuất hiện tràn lan vài tuần gần đây, việc nhiều CLB treo thưởng cao chóng mặt cũng là điều chúng ta không được phép bỏ qua.

 

Cứ nhìn vào tỷ lệ gần 4 thẻ đỏ/vòng đấu (gồm 7 trận), cùng hàng chục chiếc thẻ vàng kể từ vòng 21 đến 23. Ngay khán giả bình thường cũng cảm thấy ngán ngẩm và giật mình về mức độ gia tăng của thứ bóng đá xấu xí. Tổng hợp lại, trận đấu có mức treo thưởng càng cao lại càng nhiều thẻ phạt.

 

Ở vòng đấu vừa qua, người hâm mộ tận mắt chứng kiến nhiều pha vào bóng ghê rơn, cùng vô số những phản ứng dữ dội liên quan đến công tác trọng tài, đó đều nằm ở các trận đấu mà các đội thi đấu trên sân được treo cả tỷ tiền thưởng. Trận HA Gia Lai - K. Khánh Hòa, để có 3 điểm đội bóng Phố núi mất Evaldo chấn thương dài hạn, Tăng Tuấn đổ máu, còn Thái Học gãy xương ống khuyển, sau những pha vào bóng của cầu thủ K. Khánh Hòa.
 
Bạo lực “leo thang” cùng khung thưởng V-League - 3
 Khung thưởng ở V-League đang thay đổi chóng mặt - Ảnh: Mạnh Hoàng
 

Trên sân Lạch Tray, trọng tài Trần Công Trọng phải dùng đến 2 thẻ đỏ cùng gần 10 thẻ vàng khiến trận đấu bị vỡ vụn và còn dư âm phức tạp tới tận thời điểm này.  Ở trận “chung kết ngược” thi đấu tại Hàng Đẫy, trọng tài Võ Minh Trí cũng phải một lần rút thẻ đỏ.

 

Với khoảng cách điểm số sít sao của cuối BXH như hiện nay, mức độ khốc liệt sẽ còn được đẩy lên cao hơn nửa trong 3 chặng đua còn lại. Đi kèm, những khoản thưởng lớn vẫn được rất nhiều đội bóng nỗ lực tận thu tối đa công năng.

 

Lời khuyến cáo các cầu thủ “phát huy tinh thần thi đấu trung thực, cao thượng, tích cực và nhiệt tình” mà lãnh đạo VFF mới tuyên bố xem ra khó trở thành hiện thực. Nếu Ban kỷ luật, cùng các ông “vua sân cỏ” không mạnh dạn xử lý kiên quyết khi bạo lực manh nha.

 

Công bằng nhìn nhận, các khoản tiền được đầu tư trong bóng đá không có lỗi, tiềm lực tài chính là nhân tố quyết định để mang lại thành công. Ở các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia, Singapore chẳng hiếm CLB nổi lên như một thế lực nhờ có tiềm lực kinh tế tốt. Điểm khác biệt chính nằm ở phương thức đầu tư, cùng cách sử dụng đồng tiền sao cho không phản tác dụng.

 

Trong con mắt đánh giá của VFF, giải V-League hiện đang là giải đấu hấp dẫn nhất Đông Nam Á. Nhưng với thực tế đã và đang diễn ra trước mắt, đây có lẽ chẳng phải là nhận đúng đúng đắn!

 

Quang Vinh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm