DIỄN ĐÀN: Tìm đường vượt "Ao làng"
Bạn đọc viết: Quá tải - vấn đề đối với cầu thủ Việt Nam
(Dân trí) - ...Tính sơ sơ, những Công Vinh, Thanh Bình, Vũ Phong, Văn Biển.. đều đã phải cày ải khoảng 40-50 trận ở mùa giải vừa qua (gần gấp đôi số trận mà các cầu thủ Việt Nam bình thường khác thi đấu trong một mùa giải).
1. Thực tế
Kể từ thời điểm đội tuyển bắt đầu chính thức tập trung (cuối tháng 9) đến khi kết thúc các trận bán kết AFF Cup 2007, thầy trò ông Riedl đã trải qua 15 tuần tập trung dài hạn.Trong 15 tuần lễ này, đội tuyển của chúng ta đã phải thi đấu tổng cộng 28 trận (5 trận giao hữu với các CLB trong nước, 2 trận tập huấn tại Nhật Bản, 2 trận tại Cúp Thủ đô, 3 tại Agribank Cup, 3 ở Cúp Bách Việt, 3 ở ASIAD 15, 5 ở King’s Cup và 5 ở AFF Cup) nghĩa là trung bình gần 2 trận/tuần.
Mặc dù mang danh nào là đội tuyển Olympic rồi đội U23+3 và sau là ĐTQG nhưng thực chất quanh đi quẩn lại vẫn là những con người đó, tham dự gần như đầy đủ tất cả các trận đấu.
Chưa hết, ngay sau khi từ AFF Cup trở về, những cầu thủ sinh năm 1985, 1986 của ĐTQG như Công Vinh, Thanh Bình, Vũ Phong, Minh Chuyên, Văn Biển lại tiếp tục phải “gồng mình” để tập trung cho đội tuyển Olympic chuẩn bị cho trận đấu gặp Olympic Afghanistan trong khuôn khổ vòng sơ loại Olympic Bắc Kinh 2008 vào ngày 7/2 sắp tới trên sân vận động Thiên Trường (Nam Định). Rất may là sau đó trận đấu này đã bị hoãn lại do phía Afghanistan bỏ cuộc.
Tuy nhiên, tính sơ sơ, những Công Vinh, Thanh Bình, Vũ Phong, Văn Biển.. đều đã phải cày ải khoảng 40-50 trận ở mùa giải vừa qua (gần gấp đôi số trận mà các cầu thủ Việt Nam bình thường khác thi đấu trong một mùa giải).
2. Những ảnh hưởng
Việc bắt một số cầu thủ vắt kiệt sức lực tham gia hết đội tuyển này đến đội tuyển khác trong một thời gian dài rõ ràng là vừa có ảnh hưởng không tốt đến tâm lý, tinh thần của các cầu thủ này, vừa khiến họ gặp phải vấn đề quá tải do cường độ làm việc quá cao và liên tục.
Đấy là chưa kể đến việc khi gần bước vào các giải đấu chính thức, HLV Riedl còn tiếp tục nâng khối lượng tập luyện lên để có thể có được đúng “điểm rơi” khiến cho hàng loạt các cầu thủ như Công Vinh. Thanh Bình, Đức Dương, Bảo Khanh, Anh Đức, Huy Hoàng, Minh Đức…nối tiếp nhau dính phải các chấn thương nặng, nhẹ khác nhau trong thời gian vừa qua.
Hệ quả là các cầu thủ của chúng ta đã không thể kịp phục hồi thể lực cũng như phong độ ở các giải đấu vừa qua, khi mà khoảng thời gian nghỉ giữa 2 trận đấu thường chỉ vẻn vẹn có 2 ngày. Chính sự quá tải đó đã khiến cho sai số trong những đường chuyền của các cầu thủ Việt Nam lớn hơn, những cú vào bóng thường mắc nhiều lỗi hơn và những cú sút cũng thiếu đi uy lực và độ chính xác.
Nhìn các cầu thủ Việt Nam đá ở AFF Cup vừa qua thấy thương cho các cầu thủ. Họ vất vả và xuống sức nhiều quá thành ra không thể chiếm thế chủ động trước những đối thủ mà chúng ta vừa mới thắng ở King’s Cup và Agribank Cup trước đó (Indonesia và Singapore). Để rồi đến khi gặp Thái Lan, chúng ta không thể nào chống trọi lại được họ cho dù đội bạn cũng chẳng xuất sắc hơn chúng ta là bao.
3. Nhìn sang người Thái
Chỉ trong vòng gần 1 tháng (cuối tháng 11 và đầu tháng 12), những người hâm mộ bóng đá Việt Nam đã được chứng kiến 3 đội bóng Thái Lan với những thành phần hoàn toàn khác nhau đến Việt Nam thi đấu giao hữu (đội U23+3 tham dự Agribank Cup, đội U21 tham dự Cúp Thủ đô, đội U20 thi đấu với đội tuyển U21 báo Thanh niên) với chất lượng gần như tương đương so với các đội bóng chủ nhà.
Có thể nói, các đội tuyển của Thái Lan hiện nay được trải ra khá đều các cầu thủ chứ không dồn quân theo kiểu “3 trong 1” như chúng ta. Mỗi đội bóng lại có những mục tiêu, kế hoạch, chiến lược rất rõ ràng. Bởi vậy, nhìn người Thái hoạch định chiến lược và chuẩn bị một cách bài bản cho các đội tuyển mà thêm lo cho kế hoạch “đuổi kịp và vượt người Thái trong một vài năm tới” của bóng đá Việt Nam.
4. Phải mạnh dạn thay đổi
Được biết, Ban chấp hành VFF khóa V đang tiến hành soạn thảo một bản dự thảo chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam từ nay cho đến năm 2020. Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm nhất hiện nay là kế hoạch cụ thể của VFF để có thể xây dựng, phát triển và nâng tầm các ĐTQG trong tương lai.
Để có thể làm được những việc này, nên chăng, thay vì tập trung dài hạn đội tuyển hàng tháng trời theo kiểu “đối phó” như hiện nay (theo lịch thi đấu mùa giải 2007 đã được ban hành thì mùa giải mới sẽ bắt đầu từ 4/3/2007 và kết thúc vào ngày 23/9/2007. Xen giữa nó là một quãng nghỉ dài đến 45 ngày từ 17/6 đến 5/8 để dành chỗ cho ĐTQG tập trung và thi đấu tại ASIAN Cup 2007), chúng ta nên tập trung ĐTQG theo từng giai đoạn ngắn (khoảng 1-2 tuần) xen kẽ với những quãng nghỉ V-League để dành thời gian cho các đội tuyển quốc gia này làm nhiệm vụ, giống như cái cách mà các nền bóng đá mạnh ở châu Âu và Nam Mỹ vẫn đang làm.
Chỉ có như vậy mới có thể hạn chế được những quãng nghỉ dài không cần thiết cũng như sự phụ thuộc thái quá vào lịch thi đấu của các giải quốc tế mà ĐTVN tham dự.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng nên tiến hành tập trung các ĐTQG, U23, U20 một cách riêng biệt (do các HLV khác nhau cầm quân, thành phần đội tuyển hoàn toàn riêng biệt) chứ không nên thành lập 1 đội tuyển chồng chéo theo kiểu “3 trong 1” và giao phó tất cả mọi việc cho một mình ông Riedl và Ban huấn luyện như hiện nay - giống như những gì mà người Thái đang làm.
Mỗi đội tuyển như vậy sẽ được đặt ra những mục tiêu cụ thể riêng khi tham dự các giải đấu khu vực, châu lục. Nếu làm được như vậy, chúng ta có thể tránh được hiện tượng quá tải cho các cầu thủ như hiện nay.
Thành Quang (Hà Nội)