DIỄN ĐÀN: Tìm đường vượt "Ao làng"
Bạn đọc viết: Lời giải nào cho bài toán bóng đá trẻ?
(Dân trí) - Việc không hoàn thành được mục tiêu lọt vào chung kết AFF Cup cho thấy bóng đá Việt Nam chúng ta còn khá nhiều việc phải làm mới có thể theo kịp khu vực cũng như châu lục. Và một trong "những việc cần làm ngay", đó là phải đề ra được những hướng đi đúng đắn cho bóng đá trẻ.
1. Phải thừa nhận rằng, hiện nay chúng ta đang thiếu một chiến lược cụ thể để đào tạo cầu thủ trẻ - một chiến lược thật sự có giá trị thực tiễn. Bóng đá thiếu niên nhi đồng của chúng ta thuộc diện phong trào mà phong trào là nền móng của bóng đá đỉnh cao.
Thế nhưng hết năm này sang năm khác, ngoại trừ Nghệ An và phần nào là Nam Định, Đồng Tháp, Đà Nẵng hầu như chưa có địa phương hay ngành nào thực sự đứng ra làm cầu nối cho các em để tiến vào bóng đá đỉnh cao cả.
Tất cả chỉ làm theo kiểu ngắn hạn "bóc ngắn cắn dài". Còn những trung tâm bóng đá một thời như Thể Công lại đang rơi vào tình trạng khủng hoảng lực lượng trẻ. Trong khi đó, những tật xấu của người lớn như gian lận tuổi… lại đang được tiêm nhiễm rất nhanh vào các cầu thủ trẻ.
LỜI TOÀ SOẠN:
Với mong muốn tạo một diễn đàn cho bạn đọc thể hiện quan điểm, suy nghĩ, cảm xúc của mình và đóng góp những ý tưởng mới mẻ cho sự phát triển của bóng đá nước nhà, từ hôm nay (30/1) Dân trí phát động phong trào Bạn đọc viết về những vấn đề của bóng đá Việt Nam.
Với tên gọi: Tìm đường vượt “Ao làng”, Dân trí mong muốn quý độc giả thể hiện những góc nhìn mới mẻ, những quan điểm đúng đắn của mình để góp thành tiếng nói chung gửi đến những nhà quản lý bóng đá.
Bài vở của quý vị xin vui lòng gửi vào hòm thư: banthethao.dantri@gmail.com. Những bài viết có chất lượng chúng tôi sẽ sử dụng và có chế độ nhuận bút tương xứng.
Trân trọng. |
2. LĐBĐ VN từng có dự định trong vòng 3-4 năm nữa sẽ đuổi kịp và vượt Thái Lan - đội bóng hàng đầu khu vực hiện nay. Muốn vậy, cần phải có 1 phong trào rộng lớn, có tổ chức tốt, có quy chế nghiêm ngặt, rõ ràng và giành nhiều sự ưu tiên cho các em, để những tài năng bóng đá trẻ có thể đâm chồi nảy lộc từ mảnh đất phì nhiêu ấy.
Kinh nghiệm của các nước có nền bóng đá phát triển cho thấy để có được một nền bóng đá mạnh, phải chăm sóc từ lứa tuổi bắt đầu tập chơi bóng. Xin đừng bao giờ để phải nghe lại lời than phiền của 1 HLV đội U13 trước đây rằng: “Về địa phương hầu như các cháu nghỉ suốt thời gian dài, đến lúc đá giải các cháu mới tập trung trở lại.
Chúng tôi cũng muốn duy trì thường xuyên nhưng kinh phí đâu để làm. Sở TDTT thì chỉ muốn có thành tích ở VCK còn sau đó thì không thấy ai nhắc đến việc làm thế nào để duy trì đội bóng”.
Từ xưa đến nay các giải trẻ trong nước vẫn thường sử dụng tiền tài trợ của các đơn vị, tổ chức và gắn với tên giải như: Giải U21 báo Thanh niên, Giải bóng đá Thiếu niên- Nhi đồng cúp Mikka... Nhưng ngay cả những giải như vậy vẫn còn quá ít đối với các cầu thủ trẻ.
Được biết hàng năm FIFA và LĐBĐVN vẫn dành một khoản tiền không nhỏ để tài trợ cho bóng đá trẻ. Câu hỏi được đặt ra là liệu chúng ta đã sử dụng những số tiền này một cách hợp lí và có hiệu quả chưa?
3. Việc sử dụng các cầu thủ trẻ ở giải hạng Nhất và chuyên nghiệp thế nào cho có hiệu quả nhất cũng là một vấn đề. Bởi nếu không đưa các em ra sân thi đấu một cách thường xuyên thì thử hỏi làm sao các em có thể hòa nhập và bắt nhịp được với bóng đá đỉnh cao.
Đến ngay các "siêu sao thế giới" nếu không được ra sân thường xuyên thi đấu cũng còn bị mất phong độ nữa là các cầu thủ trẻ của Việt Nam- đất nước nằm trong “vùng trũng” của bóng đá thế giới. Nhiều HLV của các đội bóng nói rằng lí do họ không đưa cầu thủ trẻ ra sân vì giữa những cầu thủ này và những cầu thủ trụ cột còn có khoảng cách khá xa.
Song, họ không nghĩ rằng nếu cứ để tình trạng như vậy tiếp diễn thì khoảng cách này sẽ chỉ ngày càng gia tăng mà thôi. Nhìn ra thế giới, nhiều cầu thủ trẻ đã được thi đấu quốc tế khi mới 18,19 tuổi và đã nhanh chóng phát huy được khả năng của mình.
Trong khi đó, ở nước ta việc tìm được một cầu thủ "đá được" ở độ tuổi 22, 23 đã được coi là một "phát hiện" của cả mùa bóng. Bởi vậy, nên chăng cần có những quy định cụ thể hơn đối với việc sử dụng cầu thủ trẻ trong các giải đấu nằm trong hệ thống thi đấu của LĐBĐVN
Để có thể có được một nền bóng đá phát triển trong tương lai cần phải có sự hợp sức của mọi người, mọi địa phương, mọi tổ chức xã hội trong việc phát triển bóng đá trẻ của ngày hôm nay. Để kết thúc, người viết bài này chỉ xin nhắc lại một câu nói cũ nhưng vẫn còn nguyên giá trị, đó là: “Ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay”.
Đức Hùng (Hà Nội)
ndhong2003@yahoo.com