DIỄN ĐÀN: Tìm đường vượt “Ao làng”
Bạn đọc viết: Có tảo ở dưới ao!
(Dân trí) - Người ta cứ mãi trăn trở với câu hỏi bao giờ bóng đã Việt Nam thoát khỏi cái “ao làng” Đông Nam Á. Bao giờ? Biết là bao giờ đây khi trong tư tưởng của những người - làm - bóng - đá vẫn là “một vũng cô liêu cũ vạn đời”.
Từ văn hoá ậm ừ…
Cứ sau mỗi lần Đại hội Liên đoàn bóng đá Việt Nam, người hâm mộ lại một lần sôi sục, khát khao, mong ngóng một cuộc đột biến, một cuộc thay máu, một cuộc đại phẫu, thậm chí còn hão huyền mơ tới một cuộc cách mạng cho nền bóng đá ảm đạm nước nhà.
Và cứ sau mỗi lần thay đổi Ban chấp hành, người ta lại mong chờ, hy vọng một hướng đạo sinh đủ sức dẫn bóng đá Việt Nam thoát khỏi cảnh sương mù giăng mắc mà những tưởng chỉ có vào sáng sớm thành Luân Đôn.
LỜI TOÀ SOẠN:
Với mong muốn tạo một diễn đàn cho bạn đọc thể hiện quan điểm, suy nghĩ, cảm xúc của mình và đóng góp những ý tưởng mới mẻ cho sự phát triển của bóng đá nước nhà, từ hôm nay (30/1) Dân trí phát động phong trào Bạn đọc viết về những vấn đề của bóng đá Việt Nam.
Với tên gọi: Tìm đường vượt “Ao làng”, Dân trí mong muốn quý độc giả thể hiện những góc nhìn mới mẻ, những quan điểm đúng đắn của mình để góp thành tiếng nói chung gửi đến những nhà quản lý bóng đá.
Bài vở của quý vị xin vui lòng gửi vào hòm thư: banthethao.dantri@gmail.com. Những bài viết có chất lượng chúng tôi sẽ sử dụng và có chế độ nhuận bút tương xứng.
Trân trọng. |
Ông Nguyễn Trọng Hỷ bước lên cái ghế Chủ tịch VFF khoá V với những tuyên bố nhiệt huyết, thống thiết, với những lời hứa “chắc như đinh đóng cột” về một tương lại xán lạn của bóng đá nước nhà.
Ông Trần Quốc Tuấn chễm chệ ngồi vào ghế Tổng thư ký ở cái tuổi 35 - một điều hiếm thấy ở cái xứ mà người ta vẫn trọng, hay chính xác hơn là vẫn chuộng tuổi tác này.
Ông cũng làm không it người rợn ngợp bởi cái mác tiến - sĩ - bóng - đá. Người hâm mộ tin ở sự đổi mới, ở sức trẻ, ở tri thức, ở tâm huyết mà những người có chức sắc ấy đã giãi bày. Và sau hai năm ngồi ở cái ghế ấy, họ đã làm được những gì?
Người hâm mộ cần một câu trả lời về sự tụt dốc không phanh của đội tuyển Việt Nam? Họ ậm ừ.
Người hâm mộ cần một câu trả lời về sự xuống cấp đạo đức của một vài “ranh thủ”. Họ ậm ừ.
Người hâm mộ cần một câu trả lời về tương lai người thuyền trưởng của bóng đá Việt Nam. Họ ậm ừ.
Và có câu trả lời nào cho trách nhiệm của Liên đoàn bóng đá Việt Nam về tất cả những điều trên? Không, chỉ có sự im lặng.
Vì sao vẫn những con người ấy mà mới ngày hôm qua thôi, họ còn hùng hồn, nhiệt tâm đến thế tới hôm nay đã thu mình trong cái vỏ ốc, ấm ớ những câu vô thưởng vô phạt.
Phải chăng họ cứ nói trước rồi bước tới đâu thì bước. Hay khi sống trong một môi trường mà không khí xung quanh cứ đều đều tẻ nhạt với những con người ra ậm vào ừ thì họ cũng tự ru mình vào “cái ao đời phẳng lặng”.
Khi đã yên vị trong chiếc ghế salông quyền lực, họ điềm nhiên biến mình thành những củ khoai tây. Một thái độ lạnh lùng, bàng quan, vô cảm đến rợn người.
Còn gì đau đớn hơn khi người ta tự thả tảo ở dưới chân mình. Không quẫy đạp, không vẫy vùng, họ buông xuôi để mặc cho tảo cuốn trôi. Và vô hình chung, họ kéo theo cả nền bóng đá Việt Nam vào cái “vũng lầy tư tưởng” ấy.
…đến chuyện “đẽo cày giữa đường”
Sau khi thấm nhuần thứ “văn hoá ậm ừ”, họ vo tròn mình nhằm trốn tránh mũi nhọn báo chí, búa rìu dư luận và còn có cách trốn tránh nào hay hơn việc đi - theo - dư - luận. Mà dư luận thì 5 người 7 ý, Liên đoàn bóng đá bỗng chốc biến thành anh chàng “đẽo cày giữa đường”.
Vội vã lựa chọn một gương mặt tiêu biểu cho 50 năm bóng đá Việt Nam rồi hấp tấp tiến hành bỏ phiếu bầu lại và kết quả là “vũ như cẩn”.
Sung sướng như bắt được vàng khi mời được Tavares, sau bao năm “phiêu bạt”, lại trở về Việt Nam nhưng chỉ sau không đầy một năm thì ngã ngửa vì vớ phải thứ “kim bạc kim” (vàng mạ kim loại).
Quảng cáo rầm rộ về những vị khách mời “tai to mặt lớn” ở BV Cup, Agribank Cup để rồi nhận được cái ngoảnh mặt dửng dưng và lại cuống cuồng tìm kẻ lấp chỗ trống hòng xoa dịu dư luận.
Hấp tấp ấn ông Lê Thuỵ Hải vào cái ghế huấn luyện phó đội tuyển rồi lại nhanh chóng mời ông ra khỏi cái ghế mà ông dẫu mới ngồi cũng đã kịp để lại những "dấu ấn" khó phai.
Dư luận giục giã về việc đưa Công Minh lên nắm chức trợ lý huấn luyện viên để bây giờ, sau một thời gian giữ chân “bếp núc” cho đội tuyển, Công Minh lại được người ta đẩy đi một chỗ khác.
Dư luận xôn xao về việc mời bầu Đức vào cái chức trưởng đoàn bóng đá Việt Nam. Nhưng khi nhiệt huyết của ông Đức đã giảm và quan trọng hơn là sự ngao ngán sau một lần bị "mời rơi", Liên đoàn chỉ nhận được cái lắc đầu lạnh lùng. Dường như VFF luôn đứng ở thế bị động.
Trong tất cả những chuyện này, ai là người có lỗi? Chắc chẳng phải VFF vì họ có làm gì đâu. Họ chiều theo dư luận đấy chứ. Họ chỉ có nhiệm vụ tập hợp ý kiến và ngả theo số đông.
Kể cũng "vất vả" vì đặc tính của số đông là đỏng đảnh và hay thay đổi. Thế mới biết Liên đoàn đã phải chuyển mình nhanh như thế nào.
Nhưng hỡi ôi, nếu nhiệm vụ của Liên đoàn chỉ là như thế thì có cần gì đến những ông tiến sĩ, những ông cử nhân kia hay không?
VFF xưa nay dường như không phải là chốn ra vào của phụ nữ, có chăng là một bóng hồng dũng cảm nhưng cuối cùng cũng phải “nhảy tàu” vì thấy “không phù hợp”.
Chẳng biết có phải vì đàn ông vẫn cao ngạo bóng đá là môn thể thao vua hay vì phụ nữ không có được cái quyết đoán, mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm như đàn ông hay không? Nhưng cho đến giờ thì người ta vẫn mòn mỏi chờ những người đàn ông này thể hiện bản - lĩnh - đàn - ông.
Khi cuộc sống không có những khúc quanh, những ngã rẽ, những hỉ - nộ - ái - ố, khi người ta biến mình thành "con rối cho cuộc đời giật dây" thì họ còn có thể làm được gì hơn thế?
Chợt nhớ đến câu thơ cách đây đã gần một thế kỷ của Đinh Hùng: "Ôi trán phẳng còn đâu là kiêu ngạo?".
Và rồi người hâm mộ lại tiếp tục chờ một nhiệm kỳ mới...
Công Cẩn
congcan_69@yahoo.com