“Ban chấp hành VFF khóa mới phải là những con người nói được, làm được”
(Dân trí) - Đó chính là phát biểu của Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ, người chính thức rời ghế sau hơn 2 tháng nữa. Theo ông Hỷ, BCH VFF khóa mới buộc phải là những con người nói được, làm được, tránh tình trạng “đánh trống ghi tên”, không làm được gì cho bóng đá Việt Nam.
Ban chấp hành mới của VFF được kỳ vọng khá nhiều
Chỉ trước khi nghỉ hưu, lần đầu tiên nhiều người thấy ông Hỷ có những chia sẻ thẳng thắn như vậy. Thực tế, dù ông Hỷ không nói ra, nhưng tất cả những ai quan tâm tới bóng đá Việt Nam nhiều năm qua, đều quá hiểu vì sao bóng đá Việt Nam lại trì trệ như vậy.
Trả lời báo chí mới đây, nguyên Phó Chủ tịch VFF Lê Thế Thọ cho rằng, nguyên nhân hàng đầu khiến bóng đá Việt Nam không thể phất lên được, chính là yếu tố con người. Trong yếu tố này, thì những vị trí chủ chốt, chính là những người tác động trực tiếp tới thành công, thất bại của mỗi nền bóng đá.
Nhìn lại 2 nhiệm kỳ mà ông Hỷ đã làm, mới chỉ có duy nhất một chức vô địch của tuyển Việt Nam (ĐTVN) tại AFF Cup 2008. Bóng đá Việt Nam từng tự hào có giải V.League hấp dẫn nhất khu vực, nhưng hiện tại đang rơi vào cảnh khủng hoảng, các đội bóng có nguy cơ bỏ giải bất cứ lúc nào.
Cũng không thể trách ông Hỷ, bởi đây là lỗi hệ thống. Bộ máy nhân sự cồng kềnh, nhưng hoạt động kém hiệu quả. Điều này bắt buộc VFF khóa mới sẽ phải có những thay đổi để phát triển.
Sự thay đổi mang tính đột phá ở khóa VII, chính là mô hình tổ chức của VFF chỉ có một cấp, thay vì hai cấp (quản lý và điều hành) như trước đây. Cụ thể, Chủ tịch VFF sẽ phải trực tiếp điều hành chứ không đảm nhận vai trò chỉ đạo chung chung. Trong đó, Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn phải hoạt động chuyên trách.
Đây là những thay đổi theo khuyến cáo của FIFA, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Sự thay đổi về mô hình này cũng chắc chắn sẽ phù hợp với bóng đá Việt Nam.
Nếu như vị trí chủ tịch VFF khó có cuộc đua hấp dẫn bởi danh sách ứng viên đang ngày càng được rút gọn, thì vị trí Phó Chủ tịch lại hứa hẹn sẽ rất “nóng”.
Vị trí phó chủ tịch chuyên môn có năm ứng viên gồm: Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT kiêm Phó Chủ tịch VFF Phạm Văn Tuấn; Phó Chủ tịch VFF kiêm TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn; Vụ trưởng Tổng cục TDTT Trần Quốc Tuấn; TTK LĐBĐ Hà Nội Phan Anh Tú; Phó TTK VFF Dương Nghiệp Khôi.
Vị trí phó chủ tịch phụ trách Tài chính-tài trợ có hai ứng viên là Phó Chủ tịch VFF khóa VI Lê Hùng Dũng và Chủ tịch HĐQT Công ty Động Lực Lê Văn Thành. Hai ứng viên vào vị trí phó chủ tịch phụ trách Truyền thông-Đối ngoại là Phó Chủ tịch VFF khoá VI Nguyễn Lân Trung và Phó Chủ tịch Hiệp hội Thể thao dưới nước Nguyễn Xuân Gụ.
Ngoài vị trí Chủ tịch và Phó Chủ tịch, một vị trí khác có tầm quan trọng không kém là TTK cũng sẽ có những thay đổi. Ở hai nhiệm kỳ V và VI, Tổng thư ký VFF không phải là thành viên Ban chấp hành do vướng quy định của mô hình hai cấp. Tuy nhiên ở nhiệm kỳ này, khi VFF áp dụng mô hình 1 cấp, thì TTK có thể là thành viên của Ban chấp hành. Điều này sẽ giúp Đại hội tìm ra được nhiều TTK hơn. Dù vậy theo dự đoán của giới chuyên môn, ở chiếc ghế TTK lần này gần như chắc chắn sẽ là 1 trong 3 cái tên: Trần Quốc Tuấn, Dương Nghiệp Khôi, Phạm Ngọc Viễn. Trong số này, ông Tuấn cửa sáng nhất. Thậm chí ông Tuấn còn có cơ hội trúng cử vào chức danh Phó Chủ tịch VFF.
Ban chấp hành VFF nhiệm kỳ VII sẽ có 23 thành viên. Các thành viên của Ban chấp hành sẽ được phân công phụ trách các ban chức năng của VFF. Trưởng các ban chức năng sẽ là thành viên của Ban chấp hành.
Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng là người ủng hộ quan điểm mô hình tổ chức 1 cấp. Theo ông Dũng, mô hình cơ cấu tổ chức theo 2 cấp chỉ đạo và điều hành như cũ khiến những chỉ đạo của cấp lãnh đạo cao nhất của VFF là thường trực không được thực hiện rốt ráo, quyết liệt. Tránh tình trạng mỗi năm đến hẹn lại lên họp 1 vài lần rồi ra về. Điều này vừa bất hợp lý, gây lãng phí.
Với những thay đổi lớn này, các thành viên BCH sắp tới cũng phải là những người có năng lực, uy tín.
Hiểu Minh