B. Bình Dương “mục” từ gốc?
(Dân trí) - Thoạt nhìn, đội bóng đất Thủ Dầu cực kỳ hào nhoáng. Thế nhưng, đằng sau vẻ hào nhoáng ấy, B. Bình Dương giống như một đoàn tàu hoa lệ đang tan rã…
Cả nước đánh giá cao B. Bình Dương dựa vào giàn sao nổi tiếng họ đang có trong tay. Quá nửa trong số những ngôi sao này là các tuyển thủ quốc gia, hay cựu tuyển thủ như Quang Thanh, Vũ Phong, Anh Đức, Chí Công, Hữu Thắng, Thế Anh, Công Minh… Đấy là chưa kể đến 3 cầu thủ tấn công ngoại giỏi nhất V-League gồm Leandro, Lee Nguyễn, Philani.
Giữa Lee Nguyễn và Leandro vốn không thể tìm được tiếng nói chung trong lối chơi, do phong cách của cả hai quá giống nhau. Giờ lại có thể chuyện những cầu thủ nội cũng ít chịu chuyền bóng, hoặc chạy chỗ nhận bóng từ Lee Nguyễn đã khiến cho cầu thủ người Mỹ gốc Việt hoàn toàn lạc lỏng.
Vả lại, mẫu ngôi sao B.Bình Dương đang có như Leandro, Lee Nguyễn hay Quang Thanh, Anh Đức đều là những ngôi sao dễ sinh chuyện, nếu cảm thấy bị phật ý.
2 vòng gần đây, hết Quang Thanh rồi đến Leandro phải nhận thẻ đỏ vì những lỗi không đáng chính là minh chứng rõ nét nhất cho điều này. Các sao ở B.Bình Dương thích thể hiện cái “tôi” của mình hơn là chiến đấu vì tập thể.
Nguyên nhân của hiện tượng này xuất phát từ sự nuông chiều quá mức mà lãnh đạo đội bóng đất Thủ Dầu dành cho các cầu thủ. Năm ngoái, từng có thời điểm HLV Mai Đức Chung muốn trị Quang Thanh, liên tục gạt anh này ra khỏi danh sách tham dự các trận đấu với lý do Quang Thanh bị rối loạn tiền đình (?).
Thế nhưng, lẽ ra phải ủng hộ HLV Mai Đức Chung trong việc “dẹp loạn”, đội bóng đất Thủ lại cho ông này nghỉ việc. Dù từ sau khi ông Chung không sử dụng Quang Thanh, thành tích của B.Bình Dương còn tốt hơn lúc anh thi đấu.
Tiếp sau đó, người kế nhiệm Đặng Trần Chỉnh cũng có thời điểm cũng muốn “trị” những ngôi sao khó bảo, mà điển hình là Anh Đức. Rốt cuộc ông Chỉnh bị thay, dù B.Bình Dương dưới thời Đặng Trần Chỉnh đã từng ngấp nghé “lật đổ” Hà Nội T&T.
Chính vì thực tế đó mà cầu thủ ở Bình Dương không ngán thầy, với họ HLV ở đất Thủ Dầu chẳng phải là dạng người có thể đưa ra những quyết định cuối cùng, kể cả những quyết định về mặt chuyên môn.
Lấy ví dụ, lúc B.Bình Dương đem Leandro về với sân Gò Đậu, HLV Ricardo thậm chí còn chưa được ký hợp đồng. Đến khi B.Bình Dương gạt trung vệ Osita ra khỏi danh sách dự V-League để nhường chỗ cho Lee Nguyễn, cả làng cầu Việt Nam đều biết đấy chẳng phải là chủ ý của HLV Ricardo.
Còn có một thực tế khác ở Bình Dương là khi đội bóng xảy ra biến cố, thay vì việc báo cáo và hoặc ra chỉ thị phải tuân thủ theo quy tắc hàng dọc, hiểu nôm na là có trên có dưới, cầu thủ của B.Bình Dương thường gặp thẳng lãnh đạo CLB để nói chuyện. Một hình thức báo cáo đã tồn tại từ năm này qua năm khác.
Thành ra, các cầu thủ B.Bình Dương, nhất là dạng ngôi sao khi được lãnh đạo đội bóng cưng chiều càng không coi HLV trưởng ra gì. Cũng từ thực tế đó, số phận người làm “tướng” ở đất Thủ Dầu chẳng khác nào “trên đe, dưới búa”. Dưới lo quân quậy, trên ngại cái nhìn thiếu thiện cảm của sếp.
Trận thua trước Navibank SG đã đẩy B.Bình Dương xuống nhóm cuối BXH, nếu muốn thoát ra khỏi cơn khủng hoảng, cách tốt nhất là nỗ lực thay đổi những phương thức vừa nêu ra. Một việc không khó, nhưng dường như với lãnh đạo đội bóng đất Thủ, đấy lại là khái niệm xa xỉ?!
Kim Điền