1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Arsene Wenger: “Giáo sư” cũng là người khốn khổ

(Dân trí) - Không phải bàn nhiều về mức độ nổi tiếng và phổ cập của tiểu thuyết “Những người khốn khổ” do đại văn hào Victor Hugo viết nên. Buồn thay, không chỉ ở nước Pháp ngày xưa mà ngay tại London ngày nay, cũng có một người Pháp khốn khổ khác, ông là Arsene Wenger.

1. Les Miserables (Những người khốn khổ) vẫn được xem là một tác phẩm kinh điển bậc nhất của thế giới suốt 151 năm kể từ ngày nó được xuất bản (năm 1862). Người ta lại có dịp nhớ đến cuốn tiểu thuyết của Victor Hugo nhiều hơn khi một bộ phim cùng tên của đạo diễn Tom Hooper được công chiếu trong những ngày cuối năm 2012.

Đó tất nhiên không phải là lần đầu tiên “Những người khốn khổ” bước lên màn ảnh nhưng cái độc đáo của bộ phim năm 2012 là nó được thực hiện theo kiểu phim ca nhạc. Dưới bàn tay và khối óc tài tình của Tom Hooper, chúng ta có dịp được thấy tác phẩm của Victor Hugo dưới một góc nhìn mới, nơi ca từ được thăng hoa bất chấp sự nghiệt ngã của những số phận mà chúng đại diện.

Chân dung người Pháp “khốn khổ” ở London: Arsene Wenger

Chân dung người Pháp “khốn khổ” ở London: Arsene Wenger

Bởi vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi Les Miserables của Tom Hooper liên tục công phá các phòng vé, giành 3 giải ở “Quả cầu vàng” và là một ứng cử viên sáng giá cho các giải thưởng ở Oscar năm nay.

2. Tom Hooper là một đạo diễn người Anh nhưng lại thực hiện rất thành công một bộ phim về những người Pháp khốn khổ mà tên của họ đã trở nên rất quen thuộc với chúng ta: Jean Valjean, Fantine…Nhưng không chỉ ở nước Pháp ngày xưa, mà ngay trên mảnh đất mà Hooper được sinh ra (London), cũng có một người Pháp khốn khổ như thế.

Người Pháp đang được nhắc đến chính là Arsene Wenger, dù rằng cái “khốn khổ” của vị HLV gạo cội này khác hẳn so với cái “khốn khổ” của những nhân vật trong câu chuyện của Victor Hugo. Wenger đang là nạn nhân của những chỉ trích không hồi kết sau khi Arsenal thi đấu trầy trật năm nay và tiến gần hơn bao giờ hết đến chuỗi 8 năm trắng tay liên tiếp.

Dù vậy, sẽ thật không công bằng nếu nói về “giáo sư” như thể tất cả những thất bại đó của Arsenal đều là vì ông. Ở một góc nhìn khác, một chiến lược gia liên tục phải chia tay với những đứa con cưng của mình bao năm nay nhưng vẫn có thể chèo lái “pháo thủ” vào Top 4 Premier League cũng như tiến đến vòng knock-out Champions League thường xuyên đáng nhận được nhiều sự tôn trọng hơn.

Bán Henry, cây săn bàn số một trong lịch sử CLB, Wenger nhanh chóng “khai quật” được tài năng của Adebayor để rồi sau đó, khi để chân sút người Togo sang Man City và đổi lấy 25 triệu bảng năm 2009, ông buộc phải hài lòng với Marouane Chamakh, một cầu thủ đến Emirates miễn phí. Mất Fabregas, Nasri và Clichy hè năm ngoái, “giáo sư” chỉ có thể thay thế bằng những cầu thủ ở đẳng cấp thấp hơn như Mikel Arteta, Gervinho hay Andre Santos.

Chân dung người Pháp “khốn khổ” ở London: Arsene Wenger

Lên ngôi ở Premier League hay Champions League với những cầu thủ cỡ Gervinho? Xin lỗi, hôm nay không phải là ngày “Cá tháng Tư”

Mùa hè vừa qua, Arsenal bán Van Persie cho MU với giá 24 triệu bảng nhưng tân binh họ đón về nhằm lấp chỗ trống mà “vua phá lưới” Premier League bỏ lại chỉ là Olivier Giroud (13 triệu bảng). Rõ ràng, bao năm qua, Arsene Wenger vẫn luôn phải chấp nhận sự thiệt thòi như thế, thậm chí khi đặt cạnh những CLB hạng trung như Sunderland hay Newcastle, chưa chắc ông đã tiêu nhiều được như những HLV của “mèo đen” hay "chích chòe".

3. Bây giờ, giả sử đặt trường hợp điều mà nhiều CĐV Arsenal đang đòi hỏi là sa thải Wenger trở thành sự thật, liệu khi đó mọi chuyện có trở nên sáng sủa hơn với The Gunners? “Trảm” một HLV đã tại vị được 17 năm sẽ là một quyết định mang tính lịch sử với đội bóng thành London.

Tuy nhiên, vấn đề nan giải là khi Wenger rời khỏi Emirates, làm thế nào để Arsenal tìm ra được một chiến lược gia khác hiểu CLB hơn “giáo sư” được. Và cứ cho là họ may mắn vớ được một người đủ tầm thay thế Wenger thì yếu tố gì sẽ đảm bảo thành công cho vị tân HLV đó nếu ban lãnh đạo đội bóng vẫn duy trì chính sách “bán máu” kết hợp “thắt lưng buộc bụng” như lâu nay vẫn thế.

Chân dung người Pháp “khốn khổ” ở London: Arsene Wenger

Chuỗi trắng tay của Arsenal không chỉ là lỗi của Wenger mà phần lỗi lớn hơn xuất phát từ chính sách của BLĐ CLB này

Không một ông thầy nào muốn mất đi những cầu thủ tốt nhất của mình, Wenger cũng vậy. Cũng không có HLV nào lại chẳng mong được đón những bản hợp đồng bom tấn, điều mà Wenger dù đã tại vị ngót nghét 2 thập kỉ ở Arsenal vẫn chưa từng được tận hưởng. Bởi vậy mới có chuyện mặc cho Arsenal đang thi đấu tệ hại mùa này thì ban lãnh đạo CLB vẫn tính tới phương án gia hạn hợp đồng với “giáo sư” thêm 2 năm.

Xét cho cùng, sa thải Wenger là điều rất khó, cả về tình lẫn về lí. Thay vào đó, chính bản thân Arsenal cần thực hiện một chính sách mới nhằm thay đổi chất lượng của đội hình: chấm dứt cảnh “chảy máu” bằng việc giữ chân những người tài (như Theo Walcott vừa qua) và mua về những ngôi sao đích thực. Song chừng nào cái viễn cảnh tươi sáng đó chưa thành hiện thực, một Arsenal đã suy yếu đi quá nhiều so với chính họ cách đây 1 thập kỉ, thời điểm “pháo thủ” vô địch Premier League bằng một mùa giải bất bại huyền thoại, Wenger sẽ còn bị đem ra làm “bia đỡ đạn” cho những công kích không hồi kết.

Ở London, cũng có một người Pháp khốn khổ, kể cả khi ông ta đang lĩnh mức lương 7 triệu bảng mỗi năm!

Nguyễn Huy