Nhìn lại vòng bảng AFF Cup:
Ao hoá… vũng lầy!
(Dân trí) - 12 trận đấu vòng bảng AFF Cup đã lột trần diện mạo của bóng đá ĐNÁ. Nền bóng mà lâu nay thường được ví von “ao làng” hay “vùng trũng” qua cuộc đấu năm nay đã biến thành… vũng lầy.
Những kẻ “đánh trống, ghi danh”
AFF Cup năm nay có thêm vòng sơ loại để knock-out bớt 3 “kho điểm” Đông Timor, Campuchia và Brunei. Nhưng không vì thế mà VCK vắng bóng những “giỏ đựng bóng”.
Lào - đội bóng được mệnh danh là “ngựa ô” vì từng đôi lần khiến các đội chiếu trên dở khóc dở mếu - tưởng đã gây bất ngờ khi sút tung lưới Indonesia ngay trong trận đầu.
Nhưng 23 bàn thua trong 3 trận đấu (thua Indonesia 1-3, thua Singapore 0-11, thua VN 0-9) chính là câu trả lời thuyết phục cho sức mạnh của bóng đá Lào.
Sau nhiều năm có “máu mặt” tại các giải U khu vực, HLV Saythong Syphasay mang đến AFF Cup đội bóng U21, trong đó có đến nửa đội hình mới 17, 18 tuổi. Nhưng con số giật gân về tuổi tác chẳng có ý nghĩa gì khi một đội bóng chỉ làm được 2 điều: cố thủ và đếm bàn thua.
Đội Lào của năm 2007 đã thụt lùi quá xa so với đội Lào từng khiến VN chết hụt tại Tiger Cup 96, làm Minh Hiếu và đồng đội mướt mồ hôi mới kiếm được 3 điểm tại SEA Games 19 và sau đó hạ ngọt Malaysia giúp VN lọt vào Bán kết.
Bóng đá Lào đã trình làng nhiều lứa trẻ đầy hy vọng và… yểu mệnh. Lần đập đi xây lại này thành bại chưa rõ, nhưng với hai tấn bi kịch vừa qua ở Singapore, thật khó hình dung một tiền đồ sáng sủa trong tương lai gần.
Tương tự, dù có 1 điểm lận lưng nhờ phong độ thất thường của Myanmar, Philippines vẫn chưa cho thấy bước tiến nào dù có trong đội hình cầu thủ chơi cho đội hình Reserves của Chelsea.
Lối đá thiếu thực tế và khoáng đạt… đoảng của đội bóng này luôn khiến cửa vào cầu môn luôn rộng mở. 8 bàn thua và hàng tá cơ hội mà các chân sút đối phương phung phí đã chỉ ra rằng Philippines ở một đẳng cấp thấp hơn nhiều so với top trên khu vực.
Lời tuyên bố: “Thi đấu để lọt vào Bán kết” hoá ra cũng chỉ là một giấc mơ hão, hoặc một lời bông lơn cho gió cuốn đi.
6 trận cầu “đinh”, 5 lần chia điểm
Trận đấu được đánh giá cao nhất về chuyên môn lại là trận hoà 0-0 giữa Myanmar và Malaysia. Những trận hoà trong thế níu chân nhau cũng là kịch bản quen thuộc trong các cuộc đối đầu giữa 6 đội “đồng sàng, đồng mộng”.
Hai trận hoà trắng lưới (Việt Nam - Singapore, Myanmar - Malaysia), hai trận hoà 1-1 (Việt Nam - Indonesia, Thái Lan - Myanmar) cùng hai khúc biến điệu (Thái Lan - Malaysia 1-0, Indonesia - Singapore 2-2) nói lên sự thật: ở ĐNÁ, Thái Lan vẫn đứng trên đầu phần còn lại với một khoảng cách nhỏ nhoi, còn tất cả đều níu chân nhau để kéo nhau tụt lại.
Những cuộc so kè khan hiếm bàn thắng không phải là hệ quả của lối chơi quá kín kẽ, mà ngược lại là hậu quả của những chân sút tồi.
Thái Lan bỏ lỡ hàng chục quả bóng ngon ăn trước khi Suchao ghi bàn cứu rỗi, Malaysia và Myanmar cống hiến một trận cầu xem được với hàng loạt pha đổ đòn về phía nhau rồi chia điểm 0-0, các chân sút Việt Nam, Indonesia và Singapore đều quá vô duyên trước những cơ hội nên đành phân định cuộc chơi bằng cuộc chạy đua ghi bàn vào lưới Lào.
Cái bình mới AFF Cup kỳ thực là một cái bình cạn rượu, vì nhà tài trợ rút lui còn khán giả quay lưng. Thật kỳ lạ là VN thi đấu với Singapore trên sân National, nhưng CĐV áo đỏ lại chiếm quá nửa.
Một vòng bảng thiếu quá nhiều điều cơ bản: những trận cầu hay, những bàn thắng đẹp, sự cuồng nhiệt trên khán đài, sự công minh của các ông vua áo đen…
Vùng trũng mà dư luận vẫn ví von đang cùng nhau thụt lùi, với quyền lực Thái Lan đang sa sút và những kẻ cạnh tranh chưa thể thoát xác để trở thành đối trọng.
“Ao làng” đang bị biến thành vũng lầy, nơi những hy vọng mới bị nhấn chìm, còn những thế lực cũ níu kéo nhau trong nỗ lực vẫy vùng để giữ ghế, giữ ngôi.
Vùng trũng vẫn đi chênh vênh bên bờ vực của sự giằng xé: một cực hay đa cực. Nhưng khoảng cách giữa họ và thế giới, vốn đã xa, lại càng bị nới thêm.
Tiêu Minh Huấn