1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Ai sẽ "thắt dải ruy băng vàng trên cây sồi già"?

Mai này, ai trong số những cô gái ngày xưa từng tôn thờ Quyến và Vượng sẽ đón họ trở về? Và ai trong số những CĐV sẽ "thắt dải ruy băng vàng trên cây sồi già" cho bóng đá nước nhà sau khi cơn bão tiêu cực đi qua, chỉ còn hoang tàn và đổ nát ở lại? Ai và ai…?

Trong khi mọi người hưởng một đêm Noel yên bình và sum họp giữa người thân, gia đình và bạn bè, thì ở một phòng giam của Trại tạm giam T16 Bộ Công an, Văn Quyến và Quốc Vượng, những "người hùng một thời" của bóng đá Việt Nam, lại đơn côi đối diện với lương tâm để suy ngẫm, để sám hối về những gì mà mình đã làm.

 

Cũng ở một nơi nào đó trên mảnh đất xứ Nghệ "sỏi đá tình người", có những người mẹ, người cha đang đắng lòng những lo cùng nhớ đứa con lầm đường mà mình sinh thành.

 

Đã từng yêu và tin lắm tới mức tôn thờ những Văn Quyến, Quốc Vượng. Những vũ điệu sân cỏ, những bàn thắng đẹp như mơ của họ đã từng làm thổn thức hàng triệu trái tim Việt trong men say chiến thắng, trong những đêm trắng xuống đường ăn mừng.

 

Có biết bao nhiêu thời khắc những cái tên Quyến, tên Vượng trở thành biểu trưng cho chiến thắng, cho niềm tự hào sức mạnh của thể thao Việt Nam trong ánh mắt em thơ, trong nụ cười người già, trong tâm hồn thiếu nữ. 

 

Chuyện kể rằng:

 

Ở một thị trấn vô danh trên đất Mỹ vào năm 1972, có một chàng trai phạm tội và bị kết án 3 năm tù. Trước khi vào trại giam, anh viết thư nhắn gửi người vợ sắp cưới:  Nếu còn yêu và còn sự tha thứ dành cho anh thì hãy buộc một dải ruy băng vàng lên cây sồi già duy nhất ở quảng trường của thị trấn vào ngày anh mãn hạn tù.

 

Nếu không nhìn thấy dải ruy băng ấy, anh sẽ ra đi mãi mãi, không bao giờ quấy rầy cô nữa. Thế rồi trong suốt 3 năm ngồi tù, anh bặt tin người vợ chưa cưới. Niềm tin về sự tha thứ qua hình ảnh dải ruy băng vàng trên cây sồi già cũng vì thế mà nhạt nhòa theo thời gian.

 

Ra tù, anh định bắt xe đi thẳng ra thành phố chứ không ngang qua quảng trường thị trấn như lời ước hẹn. Nhưng rồi một chuyến, hai chuyến xe qua, chàng trai vẫn ở lại. Lý trí bảo anh hãy chạy trốn khỏi miền đất ký ức, nhưng tiếng nói con tim bắt anh phải tới quảng trường. Và tình yêu đã chiến thắng.

 

Trên quảng trường thị trấn hôm ấy, người ta đã chứng kiến một chàng trai đứng khóc dưới tán cây sồi vàng rực bởi hàng trăm dải ruy băng…

Nhưng rồi một ngày kia khi chiếc mặt nạ thiên thần rơi xuống, lộ ra một diện mạo đen đúa, hàng triệu trái tim CĐV đã từng gửi trọn vào Quyến, vào Vượng, thắt lại trong cùng một nỗi đau mà sự bội phản mang đến.

 

Yêu và buồn. Thử hỏi cái gì có thể đo đếm được sự giận dữ của "kẻ bị phụ tình" trong những ngày qua? Văn Quyến và Quốc Vượng (và còn thêm những người khác) đã, đang và sẽ phải gánh chịu những sai lầm mà mình gây ra.

 

Nhưng khi nỗi đau đi qua, khi cơn giận dữ lắng xuống thì lòng lại thấy dâng lên một sự xót xa. Quyến và Vượng còn trẻ quá, đời người còn dài quá mà cánh cửa tương lai gần như đã khép lại.

 

Họ đáng để thương, để xót lắm chứ khi ngã lòng trước cái bất phương trình của cuộc đời để một tích tắc phần "con" lấn át phần "người". Sống ở đời, xấu dễ làm, tốt khó theo. Vẫn biết là người ai cũng cố bỏ cái dễ mà tìm cái khó để theo trên bước đường hoàn thiện nhân cách của mình. Nói thì thuận miệng như vậy, nhưng sự thực thì cuộc đấu tranh đó khốc liệt vô ngần và thất bại cũng là điều có thể xảy ra.

 

Thế nên trên thế giới có muôn ngàn tôn giáo, nhưng như trăm sông đổ vào bể lớn, tất cả đều khuyên con người ta làm điều thiện, tránh xa điều ác và nhất là tôn thờ sự vị tha.

 

Bước đi trong đêm Thánh vô cùng, nơi tình yêu, niềm tin và sự thứ tha hội tụ trong dáng hình của Chúa, tôi như nghe văng vẳng đâu đây lời hát của Tony Orlando trong bài "Hãy buộc dải ruy băng vàng lên cây sồi già" (Tie a yellow ribbon round the old oak tree):

 

"Tôi là một kẻ tội nhân và chỉ có tình yêu của em mới đem đến thứ tha/ Và em sẽ tha thứ nếu buộc lên cây sồi già một dải ruy băng".

 

Mai này, ai trong số những cô gái ngày xưa từng tôn thờ Quyến và Vượng sẽ "thắt dải ruy băng vàng trên cây sồi già" đón họ trở về sau những ngày chuộc lỗi?

 

Và mai này, ai trong số hàng triệu CĐV Việt Nam sẽ "thắt dải ruy băng vàng trên cây sồi già" cho bóng đá nước nhà sau khi cơn bão tiêu cực đi qua, chỉ còn hoang tàn và đổ nát ở lại?

 

Ai và ai…?

 

Nên lắm thay và cũng cần lắm thay một con đường cho sự hoàn lương, một mảnh đất cho mầm thiện trở lại đâm chồi. Và con đường đó, mảnh đất đó chẳng ở đâu xa mà nằm ngay trong tấm lòng vị tha của mỗi người chúng ta

 

Theo Bảo Hân

Công An Nhân Dân