Ai quản lý "chợ cầu thủ"?
Vụ Issawa "xỏ mũi" CLB cũ bằng hình thức thanh lý sớm hợp đồng, dư luận chỉ đề cập đến khía cạnh của hai đối tác (Issawa và CLB Bình Định) mà không tìm hiểu nguyên nhân vì sao Issawa đi.
Issawa đã vi phạm "luật cấm" trong quy chế chuyển nhượng, đó là tự tiện tiếp xúc với CLB khác (đúng hơn là thông qua một nhà môi giới không phép, nhưng rất có uy tín trong các phi vụ móc cầu thủ Thái đá cho V-League).
Từ đấy, Issawa đã lên hẳn một kế hoạch phá CLB cũ (gây gổ các đồng đội cũ trong sinh hoạt, tập luyện...) để được thuận tình "ly dị". Cú "đá hậu" của Issawa khiến CLB Bình Định đau, nhưng phải cắn răng chịu đựng để cơm lành, canh ngọt.
Vụ "vượt trạm" này có vẻ ổn khi hai bên đều "thông cảm" nhau, nhưng đấy sẽ là một tiền lệ cực kỳ tệ hại cho các vụ "đình công" của cầu thủ qua tác động của "cò bóng đá" hoạt động phi pháp.
Đồng Nai không thể móc riêng với Issawa qua thương vụ bỏ Quy Nhơn về Biên Hoà, nếu không có sự can thiệp của "cò" đi đêm.
Về nguyên tắc, "chợ cầu thủ" phải qua đại lý (có chứng nhận của FIFA và có giấy phép hành nghề), nhưng tất cả dạng "cò" cầu thủ ở Việt Nam đều là dạng "con buôn" kiếm lời qua việc ăn hoa hồng của cả cầu thủ lẫn CLB.
Vụ này có vẻ như VFF không liên quan, nhưng nếu không để mắt tới thì thị trường cầu thủ tại Việt Nam sẽ loạn.
Nhìn vào Issawa và Bình Định thôi thì VFF có thể cho qua, nhưng rõ ràng VFF không thể làm ngơ vụ nhân vật thứ ba đang thò những bàn tay "cò" làm loạn sự bình yên trong quy chế chuyển nhượng mà luật của VFF đi rất sát với luật FIFA.
Theo Nguyễn Nguyên
Lao động