Ai đố kị đội U19 Việt Nam?

Trong cuộc trò chuyện với báo chí trước trận đấu với U19 Trung Quốc, bầu Đức nói ông biết có chuyện đố kị đối với đội tuyển U19 Việt Nam. Ông Đức có phần không vui vì việc này.

1. Cần khẳng định một điều chắc chắn rằng, không ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, người hâm mộ và người dân nói chung lại đố kị với thành tựu của ĐTQG. Điều tương tự có thể thấy ở Việt Nam, khi bất chấp các thất bại liên tiếp qua nhiều giải đấu, các đội tuyển quốc gia, từ đội 1 đến các lứa U23, U22… vẫn luôn nhận được sự ủng hộ từ phía các CĐV.

Chỉ có một lý do để giải thích cho việc U19 Việt Nam hiện nay không nhận được sự ủng hộ từ một bộ phận (không nhiều) CĐV, là sự áp đảo của quân số từ Học viện bóng đá HA.GL của bầu Đức.

Các cầu thủ U19 Việt Nam

Các cầu thủ U19 Việt Nam

Tranh cãi về vấn đề này đã diễn ra trong một thời gian dài và bùng phát trong chuyến tập huấn của thầy trò HLV Guillaume Graechen. Những người phản đối cho rằng tuyển U19 Việt Nam thực chất là đội HA.GL mở rộng, với sự tham gia của ít ỏi các gương mặt từ vài địa phương khác. “Quân” HA.GL cũng được thi đấu thường xuyên trong đội hình chính hơn.

2. Từ đâu xảy ra hiện tượng đáng tiếc như bầu Đức đề cập, là “có người đố kị với đội U19”? Ở đây tôi cho rằng có hai nguyên nhân dễ thấy nhất, và cần thiết phải làm rõ.

Đầu tiên phải là LĐBĐVN (VFF), tổ chức chịu trách nhiệm đối với sự phát triển của cả nền bóng đá. Những phát ngôn cùng các động thái quan tâm tập trung vào U19 trong một thời gian dài của VFF gây nên cảm giác liên đoàn “quên” mất 2 đội tuyển khác, như Olympic hay thậm chí cả ĐTQG.

U19 được ví như đứa “con ngoan”, được đầu tư chăm sóc nhiều hơn, trong khi ĐTQG hay U23 như những “đứa con hư”, phải chịu cảnh thua thiệt.

Sự chậm trễ và nhập nhằng trong phản ứng trước dư luận về việc triệu tập cầu thủ vào U19 Việt Nam cũng khiến nảy sinh nghi ngờ về sự phân biệt “quân anh, quân tôi” giữa Học viện HA.GL với các địa phương khác. VFF quên bẵng là nhiều CLB, nhiều cầu thủ cũng rất muốn góp tên vào đội tuyển U19.

Chuyện rất tế nhị, khi bầu Đức vừa là Chủ tịch HA.GL, lại vừa là Phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF. Người ta nhiều lúc không thể phân biệt được, lúc nào bầu Đức phát ngôn về U19 với tư cách “người nhà”, và khi nào trên cương vị lãnh đạo liên đoàn.

Các cầu thủ U19 Việt Nam
Các cầu thủ U19 xứng đáng nhận được sự hâm mộ của CĐV Việt Nam song cách ứng xử chưa phù hợp của VFF và một bộ phận giới truyền thông đã gây phản ứng ngược, tạo áp lực cho các cầu thủ ảnh: VSI

3. Trách nhiệm thứ 2, là một bộ phận truyền thông. Những lời tung hô quá mức, xem U19 như những ngôi sao, ví von các cầu thủ với những danh thủ thế giới… đã đẩy cơn cuồng nhiệt của người hâm mộ đối với thầy trò HLV Guillaume Graechen lên đến đỉnh điểm.

Đến mức bất kỳ những góp ý nào về chuyên môn đối với U19, nếu không phải ca ngợi, đều vấp phải sự chỉ trích. HLV Lê Thụy Hải là một “nạn nhân” điển hình, khi bị gán cho “tội” đố kị với U19.

Tôi thực sự không thể tìm ra lý do ông Hải phải đố kị với thành công của U19 Việt Nam. Bầu Đức trong cuộc trò chuyện với các phóng viên tại Yangon vừa qua cũng đã phải “xin” giới truyền thông ngừng “thổi” các cầu thủ U19. “Đừng ví tụi nhỏ với Messi, Maradona nữa. Cần thì phải “đập” một trận cho chúng nó tỉnh ra”- ông Đức tha thiết nói.

4. Không thể phủ nhận những đóng góp của bầu Đức đối với bóng đá Việt Nam, và cũng không thể phủ nhận Học viện HA.GL đã đào tạo ra một lứa cầu thủ có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên như chính phát biểu của bầu Đức, để lứa U19 hiện nay đạt tới thành công, con đường rèn luyện vẫn còn dài.

Việc đưa một số cầu thủ U19 hiện nay lên đội 1 HA.GL tham dự V.League 2015 là bước cụ thể nhằm giúp các cầu thủ tích lũy kinh nghiệm.

Bầu Đức vẫn cho rằng V.League là môi trường cọ xát tốt cho các cầu thủ của mình trưởng thành, trước khi nghĩ đến các mục tiêu xa hơn. Quan tâm đúng cách là yêu cầu cần thiết đối với lứa U19 hiện nay trong quá trình phát triển trên. Như vậy cũng mới là yêu thương thực lòng.

Theo Nguyên Phong
Tiền phong