Sức khỏe của các VĐV dự SEA Games:
3 tỷ đồng tiền thuốc
''Giờ đã có thể yên tâm với công tác chăm sóc sức khoẻ cho đoàn thể thao Việt Nam'', GS.TS Lê Quý Phượng, Viện phó Viện KHTDTT đồng thời là Trưởng tiểu ban y học và chăm sóc sức khoẻ VĐV của Đại hội thể thao Đông Nam Á 2005, khẳng định sau khi được Nhà nước duyệt chi 3 tỷ đồng tiền chăm sóc sức khỏe cho các VĐV dự SEA Games.
Với tư cách là người chịu trách nhiệm cao nhất về công tác chăm sóc sức khoẻ của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 23, xin ông cho biết thông tin về tình hình chuẩn bị của Tiểu ban cho tới thời điểm này.
Sau khi được Chính phủ duyệt cấp khoản kinh phí bổ sung 3 tỷ ngày 19/10 vừa qua, chúng ta đã có tiền để phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ VĐV. Tuy nhiên, không phải chờ tới khi nhận được 3 tỷ của Chính phủ thì chúng tôi mới làm việc này, bởi trong thời gian chờ duyệt cấp, Tiểu ban y học và chăm sóc sức khoẻ phối hợp cùng các Trung tâm huấn luyện QG đã phải mua thuốc cho từng đội, theo nhu cầu đặc thù của từng đội và đã chi hết 1 tỷ.
Vậy số tiền 2 tỷ còn lại được sử dụng như thế nào, thưa ông?
Vừa qua, với sự giúp đỡ của UB TDTT, chúng tôi đã ký hợp đồng với đối tác nước ngoài mua 1 tỷ đồng tiền Cao tụ đường. Đây là loại thuốc có thể cung cấp ngay năng lượng cho VĐV trong quá trình luyện tập, làm giảm nhẹ vấn đề ăn uống, nên có vai trò rất cần thiết. Trong khoảng thời gian từ 1 tuần tới 10 ngày nữa, chúng ta sẽ có thuốc nhập về cho các VĐV.
Và 1 tỷ đồng còn lại sẽ dùng để mua số thuốc theo yêu cầu của từng đội tuyển. Ví dụ những thuốc cung cấp bổ sung chất đạm, vitamin và muối khoáng, các chất làm tăng hoạt động của cơ, các thuốc tăng quá trình hồi phục của thần kinh tâm lý như Creatin, Creapure, Arcalion, hải sâm, Saraton, sâm củ Triều Tiên. Tuỳ từng môn thể thao mà có thể dùng liều lượng hoặc kết hợp một cách khác nhau.
Trong 1 tỷ đồng còn lại bao gồm cả thuốc điều trị chấn thương, thuốc phục vụ cho đoàn thể thao thi đấu ở giải Asian Indoor Games tại Thái Lan và SEA Games.
Đến giờ này, Tiểu ban của ông còn gặp khó khăn gì không?
Với khoản kinh phí 3 tỷ đồng do Chính phủ vừa duyệt cấp, giờ đây chúng ta đã có thể yên tâm cho công tác chăm sóc sức khoẻ của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 23. Lúc này, tôi chỉ còn lo lắng làm sao để phòng tránh chấn thương cho các VĐV, vì đây vẫn là giai đoạn tích lũy thể lực. Chính vì thế, các bác sỹ và HLV phải làm sao để VĐV vừa có thể lực tốt, vừa tránh xảy ra chấn thương, vì nếu bây giờ mà bị thì không thể hồi phục và sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình thi đấu.
Rất may là các giải thi đấu quốc gia để tuyển chọn đã kết thúc, nên nguy cơ xảy ra chấn thương đã giảm xuống rất nhiều. Bây giờ chỉ phần lớn các đội tuyển đều dành sức tập huấn để chuẩn bị xuất trận.
Theo kinh nghiệm của tôi thì giai đoạn dễ xảy ra chấn thương nhất đã qua. Còn nhớ, trong giai đoạn 4, 5 tháng trước SEA Games 22, chúng ta đã mất 3 VĐV (Trần Thanh Ngời, Đỗ Xuân Tâm, Lê Thị Huệ) vì bị chấn thương nặng. Lúc ấy do nhồi khối lượng rất lớn nên VĐV đã bị chấn thương. Bởi vậy, ngay cả lúc này chúng ta vẫn không thể chủ quan, luôn phải cảnh giác phòng tránh chấn thương trước khi thi đấu.
Ở SEA Games 22, chúng ta đã có tới 4 VĐV bị phát hiện sử dụng doping. Vậy Tiểu ban y học và chăm sóc sức khoẻ làm thế nào để tránh lặp lại sự cố này ở SEA Games 23?
Qua điều tra, chúng tôi được biết 4 VĐV Việt Nam dính doping ở SEA Games 22 là do thiếu hiểu biết, tự sử dụng thuốc bổ không có sự hướng dẫn của BS. Sau sự việc này, chúng tôi đã rút kinh nghiệm rất nghiêm khắc và đề nghị BS, HLV phải đặc biệt lưu tâm, không thể để tái diễn tình trạng VĐV dùng thuốc mà BS, HLV lại không biết.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã tiến hành cập nhật thông tin cho các BS của đoàn thể thao Việt Nam danh mục những chất bị cấm mới nhất của năm 2005. Trong bản danh mục này có quy định từng tên, nhóm cụ thể, nên nếu không dùng thì VĐV sẽ không bao giờ dính. Vả lại, đã là VĐV chuyên nghiệp từng thi đấu quốc tế thì không thể chấp nhận việc dính doping do thiếu hiểu biết.
Vì thế, để tránh dính doping, chúng tôi đã yêu cầu BS, HLV và VĐV không được phép dùng những dược phẩm bị cấm. Thứ hai, BS có toàn quyền và chịu trách nhiệm về vấn đề chỉ định thuốc, và giám sát không để VĐV sử dụng thuốc ngoài danh mục cho phép.
Theo T.A
Vietnamnet