10 sự kiện tiêu biểu thể thao thế giới 2006
(Dân trí) - Một năm đầy sôi động và không ít thăng trầm, buồn vui của thể thao thế giới đã khép lại nhưng những dấu ấn, những khoảnh khắc đầy xúc động hay cả những phút giây hụt hẫng sẽ còn khó phai trong lòng người hâm mộ thể thao khắp hành tinh. Hãy cùng Dân Trí điểm lại 10 sự kiện nổi bật nhất của thể thao thế giới trong năm 2006 đáng nhớ này.
1. World Cup 2006
Ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh rõ ràng là sự kiện thể thao quan trọng và được chờ đón nhất trong năm. Nước chủ nhà Đức đã thực sự làm nên một kỳ World Cup cực kỳ thành công nhờ công tác tổ chức hoàn hảo, những SVĐ hiện đại luôn đầy ắp khán giả và lòng mến khách của người dân được đánh giá là “trên cả tuyệt vời”.
64 trận cầu với 32 đội bóng hàng đầu đến từ tất cả các châu lục trên thế giới đã mang đến cho hàng tỷ người khắp hành tinh những giờ phút đam mê, hạnh phúc trong một tháng “ăn bóng đá, ngủ bóng đá”. World Cup 2006 cũng được đánh giá là VCK thành công nhất về giá trị thương mại.
2. Năm đại thành công của Barcelona
Bảo vệ thành công chức vô địch La Liga một cách đầy thuyết phục và nhất là lần đầu tiên sau quãng thời gian 14 năm “đằng đẵng” vươn tới đỉnh vinh quang ở châu lục với chiếc cúp Champions League danh giá, thày trò Frank Rijkaard đã có một mùa giải không thể nào quên.
Không ai có thể phủ nhận vị trí độc tôn của Barcelona tại La Liga mùa giải vừa qua khi họ “một mình một ngựa” về đích sớm 3 vòng đấu bằng một phong độ quá đỗi ấn tượng và kết thúc giải với… 12 điểm cách biệt so với đội xếp thứ 2 Real Madrid.
Barca trong thời khắc trở thành ông Vua mới của bóng đá châu Âu cấp CLB. |
Trong khi đó, ở đấu trường châu lục, đội bóng xứ Catalan đã có hành trình đăng quang đầy thuyết phục khi lần lượt vượt qua đối thủ đầy duyên nợ Chelsea ở vòng 2, tiếp đến ở tứ kết là Benfica, đội gây bất ngờ khi loại nhà ĐKVĐ Liverpool, giành chiến thắng trước đại diện hùng mạnh từ Serie A, AC Milan tại bán kết trước khi lội ngược dòng đánh bại “dòng máu trẻ trung” Arsenal ở trận chung kết.
3. Thế vận hội mùa Đông Turin 2006
Thế vận hội mùa Đông lần thứ 20 diễn ra trong vòng 16 ngày (từ 10 đến 26/2) đã kết thúc thành công với ngôi vị thứ nhất toàn đoàn thuộc về nước Đức với 11 HCV, xếp lần lượt sau là các đoàn Mỹ, Áo, Nga...
Nước chủ nhà Italia đã nỗ lực hết sức để có được một kỳ Thế vận hội thực sự ấn tượng dù trong hoàn cảnh thời tiết không được thuận lợi cho lắm. Ngoài lễ khai mạc và bế mạc diễn ra hoành tráng và đầy cảm xúc, hàng triệu người hâm mộ còn được chứng kiến những giây phút đáng nhớ như hai đoàn Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đã lần đầu tiên cùng diễu hành dưới một lá cờ tại một Thế vận hội mùa đông hay Nhật Bản lần đầu tiên vượt qua các cường quốc Nga, Mỹ để giành HCV tại môn trượt băng nghệ thuật…
Quang cảnh huyền ảo của đêm bế mạc TVH mùa Đông, Turin 2006. |
4. Italia bất ngờ đoạt chức VĐTG
Năm 2006 quả là một năm đầy thăng trầm của bóng đá Italia, thăng đến “cực đỉnh” với chức VĐTG và trầm cũng tới giới hạn sau vụ scandal bóng đá tồi tệ nhất trong lịch sử, Calciopoli khiến đời sống bóng đá và hệ thống thi đấu cấp CLB của đất nước hình chiếc ủng bị khuynh đảo nặng nề.
Không hề được đánh giá cao trước khi vào giải nhưng thầy trò HLV Marcello Lippi đã làm nên một kỳ tích mà chỉ những người Italia ưa mơ mộng và lãng mạn mới nghĩ ra nổi. Lịch sử thật lạ khi tái hiện “y chang” kỳ tích của 24 năm về trước, tại Espana 82, nơi đội bóng áo Thiên thanh của HLV Enzo Bearzot cũng đăng quang với đội hình chẳng được mấy ai đặt niềm tin trước giờ khai cuộc.
Tại Đức năm nay, Italia không có ngôi sao nào quá nổi bật mà Azzurri đi tới thành công nhờ phát huy sức mạnh tập thể dựa trên lối đá chắc chắn, đầy thực dụng và hiệu quả. Dù có chút may mắn khi vượt qua Australia tại vòng 2 nhờ pha ngã đầy mưu mẹo của Grosso nhưng những chiến thắng thuyết phục trước Ukraina và nhất là chủ nhà Đức đầy tham vọng cũng như cuộc chiến cân não trên chấm 11m trong trận chung kết với Pháp thì khó mà phủ nhận bản lĩnh của những chàng trai đến từ xứ sở Mỳ ống.
5. Fabio Cannavaro thâu tóm các danh hiệu cá nhân
Giành Quả bóng vàng châu Âu của France Football, được độc giả tạp chí thể thao nổi tiếng World Soccer tôn vinh trước khi “cuỗm” luôn danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới trong năm của FIFA, rõ ràng “Superman” chính là cầu thủ “tham lam” nhất trong năm 2006 này.
Một năm đại thành công của Cannavaro khi anh giành chức vô địch thế giới cùng ĐT Italia và chiến thắng trong mọi cuộc bầu chọn cá nhân. |
Vững chắc như một “hòn đá tảng”, lối chơi thông minh và nhãn quan chiến thuật sắc bén giúp cựu trung vệ của Juventus trở thành một tấm lá chắn cực kỳ đáng tin cậy trước khung thành của Buffon tại World Cup 2006, đến nỗi giới báo chí phải đặt cho anh biệt danh là “Bức tường Berlin”. Trung vệ đội trưởng này đóng góp to lớn vào thành tích chỉ để lọt lưới 2 bàn trong suốt giải đấu của Azzurri (mà một đến từ bàn đá phản lưới nhà của Zaccardo và một đến từ cú sút phạt penalty của Zidane tại trận chung kết).
Việc Cannavaro thống trị ở các cuộc bầu chọn cá nhân cùng với chức vô địch thế giới của Italia đánh dấu một năm thắng thế của lối chơi phòng ngự và hiệu quả, mà chức vô địch Premiership lần thứ 2 liên tiếp của Chelsea hay ngôi á quân World Cup của ĐT Pháp là những minh chứng sống động khác.
6. Scandal- Mảng tối của thể thao thế giới 2006
Thật buồn là trong một năm mà thể thao thế giới có nhiều sự kiện lớn và đầy sôi động thì “bóng ma” scandal lại hiện hữu và trở thành nỗi ám ảnh lớn nhất, làm “vấy bẩn” những giá trị tốt đẹp của thể thao chân chính.
Người hâm mộ đã đau lòng khi chứng kiến cú húc đầu lịch sử của Zidane vào ngực Materazzi trong trận chung kết WC 2006, khiến một tên tuổi lớn của bóng đá thế giới phải chia tay sự nghiệp trong cay đắng.
Chỉ 3 tháng sau giây phút còn tự hào đứng bên tấm bảng ghi lại kỷ lục 9 giây 76, cuộc sống của Gatlin đã trở thành địa ngục khi anh bị phát hiện dùng doping và bị cấm thi đấu tới 8 năm.
|
Vấn nạn doping tiếp tục là nỗi nhức nhối của làng thể thao khi mà vì nó, biết bao VĐV đã phải “thân tàn danh liệt”, vì nó, bao tên tuổi lẫy lừng chưa kịp hưởng trọn niềm vinh quang đã bị đẩy sâu xuống hố đen của cuộc đời. Lần lượt những Floyd Landis, vô địch Tour de France, Jaston Gatlin, kỷ lục gia thế giới 100m… bị trừng phạt khi cố gắng theo đuổi những đỉnh cao ảo mộng.
Năm 2006 cũng là năm mà môn thể thao Vua bị chấn động bởi bóng ma tiêu cực nơi hậu trường, là Calciopoli như cơn địa chấn rung chuyển Serie A với những phi vụ dàn xếp, móc ngoặc tỷ số của một loạt các quan chức bóng đá, trọng tài, giới điều hành các CLB được xếp vào hàng “đại gia” , là Panorama với hàng loạt vụ chuyển nhượng cầu thủ ở Anh bị tố cáo “bẩn” trong đó có sự dính dáng của không ít tên tuổi nổi tiếng…
7. Phút giây chia tay của những huyền thoại
Zidane nói lời giã biệt bóng đá, đường đua công thức 1 vĩnh viễn không còn bóng dáng “Người khổng lồ đỏ” Michael Schumacher, sân banh nỉ chẳng còn được chứng kiến những pha trả bóng quái chiêu của Andre Agassi và những sải tay khuấy nước đầy tốc độ trên “đường đua xanh” của Ian Thorpe sẽ mãi chỉ còn là những hoài niệm,… có thể nói, thể thao thế giới đã phải chịu những mất mát quá lớn trong năm qua.
Agassi vẫy tay chào khán giả lần cuối, khép lại sự nghiệp 20 năm cầm vợt đầy vinh quang của mình. |
Với Zizou, việc kết thúc sự nghiệp đầy vinh quang của mình bằng một cú húc đầu lịch sử và tấm thẻ đỏ cay đắng, dù có buồn nhưng cũng không thể phủ nhận một điều rằng: anh chính là tài năng kiệt xuất nhất trong thế hệ của mình, thời hậu Maradona, và sẽ còn rất lâu nữa, bóng đá thế giới mới lại sản sinh được một “số 10” xuất chúng đến thế.
Michael Schumacher ra đi, F1 giờ đây chính thức bước sang một trang sử mới, thời hậu Michael. Với 7 lần VĐTG cùng hàng tá kỷ lục mà còn rất, rất lâu nữa mới có thể bị xô đổ, Schumi chính là tay đua vĩ đại nhất trong lịch sử môn thể thao tốc độ hấp dẫn nhất hành tinh. Những cú tăng tốc đầy mạo hiểm, những pha xử lý thông minh hay thậm chí, những tình huống “chơi bẩn” đầy “láu cá”,… tất cả đã làm nên một Schumacher huyền thoại hay là một phần không thể thiếu của lịch sử F1.
Có thể chưa có được tầm ảnh hưởng và mức độ nổi tiếng như Zizou hay Schumi nhưng sự ra đi của Agassi và Ian Thorpe cũng không khỏi khiến người hâm mộ thấy hẫng hụt. Nếu như việc tay vợt người Mỹ chia tay là nằm trong kế hoạch do tuổi tác thì việc kình ngư 24 tuổi từng 5 lần giành HCV Olympic người Australia nói lời từ biệt thực sự là cú sốc với các CĐV.
8. Roger Federer một mình thống trị quần vợt nam thế giới
Không “ông Vua” nào khẳng định vững chắc vị thế cũng như sự thống trị tại “lãnh địa” của mình như Federer có được ở môn quần vợt trong năm 2006 này. Lọt vào chung kết của 16 trong số 17 giải đấu góp mặt, giành 3 trong số 4 Grand Slam trong năm, thâu tóm 12 danh hiệu, và đạt ngưỡng kỷ lục 8 triệu USD tiền thưởng trong một mùa giải,… “tàu tốc hành” đang biến sân chơi tennis thành cuộc chơi giữa anh và… phần còn lại của thế giới.
Một hình ảnh quá đỗi quen thuộc trong năm 2006. |
Liên tiếp xô đổ các kỷ lục cũng như thiết lập những đỉnh cao mới, Roger Federer đang từng bước vững chắc đi vào “ngôi nhà dành cho những huyền thoại”. Hình ảnh một Roger tay nâng cao chiếc cúp vô địch sau mỗi giải đấu giờ đây đã trở thành quá quen thuộc đến nỗi, người ta không còn “tha thiết” với câu hỏi: Ai sẽ vượt qua được Roger Federer? nữa mà là: Bao giờ anh sẽ chinh phục hết các kỷ lục và trở thành Tay vợt vĩ đại nhất của mọi thời đại?
9. Thành công của Á vận hội 15 (Doha, Qatar)
Bên cạnh World Cup 2006 và Thế vận hội mùa Đông Turin, rõ ràng Á vận hội Doha là một trong 3 sự kiện thể thao lớn nhất và quy mô nhất trong năm nay. Với việc các cường quốc thể thao châu Á ngày càng lớn mạnh, đặc biệt là Trung Quốc, và đang dần thách thức các siêu cường thể thao trên thế giới, Á vận hội ngày càng thu hút sự quan tâm không chỉ của người hâm mộ thể thao châu lục mà còn trên toàn thế giới.
Đây được coi là kỳ Á vận hội thành công nhất trong lịch sử với công tác tổ chức tuyệt vời của nước chủ nhà Qatar. Với cơ sở hạ tầng, các khu thi đấu hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, các cuộc tranh tài tại Doha đã diễn ra khá công bằng và ít có những lời phàn nàn từ các đoàn tham dự. Trung Quốc tiếp tục thống trị thể thao châu lục khi giành tới 165 HCV, nhiều hơn đoàn xếp ngay sau Hàn Quốc… 107 HCV!
10. Cuộc lật đổ vĩ đại của các tay đấm hạng nặng Đông Âu
Có thể nói, chưa bao giờ quyền anh hạng nặng Mỹ lại thảm bại như vậy trước làn sóng mới đầy thách thức tới từ Đông Âu. Cán cân quyền lực trong làng quyền anh thế giới chuyển từ Tây sang Đông theo cách mà chính người Mỹ cũng phải cúi đầu thừa nhận thất bại.
Tiếp sau chiến thắng lịch sử của “quái vật phương Đông” Nikolay Valuev trước nhà ĐKVĐ John Ruiz của WBA (Hiệp hội quyền anh thế giới) vào cuối tháng 12 năm 2005, lần lượt các đai vô địch của 3 tổ chức quyền anh uy tín khác trên thế giới đều thuộc về những tay đấm hạng nặng xuất thân từ Đông Âu trong năm 2006 này.
Maskaev đại diện cho làn sóng Đông Âu mạnh mẽ trong làng quyền anh hạng nặng năm qua. |
Sau khi chức vô địch của IBF (Liên đoàn quyền anh quốc tế) và WBO (Tổ chức quyền anh thế giới) nhanh chóng rơi vào tay Vladimir Klitschko (Ukraina) và Sergei Lyakhovich (Belarus) hồi đầu năm, “thành lũy cuối cùng” của nước Mỹ, Hasim Rahman, nhà vô địch WBC (Hội đồng quyền anh thế giới) cũng buộc phải dâng chiếc đai danh giá cho võ sỹ gốc Kazakhstan Oleg Maskaev khi bị hạ bằng knock-out kỹ thuật trong trận đấu diễn ra ngày 13/8/2006.
Chính Hasim Rahman cũng phải thừa nhận rằng thất bại của quyền anh hạng nặng Mỹ chính là hậu quả của việc chạy theo cơn sốt tiền bạc chứ không nỗ lực phấn đấu để giành các giải thưởng lớn. Đã đến lúc làng đấm bốc số một thế giới này cần phải nhìn lại chính mình một cách nghiêm túc, nếu không muốn những vinh quang xưa mãi chỉ là chuyện của quá khứ.
Ban Thể thao
Báo Dân trí Điện tử