10 nhân vật quyền lực nhất trong lịch sử Premier League (Phần 1)
(Dân trí) - Tờ Daily Mail vừa công bố danh sách những nhân vật gây ảnh hưởng nhiều nhất trong lịch sử Premier League, giải vô địch quốc gia hấp dẫn nhất hành tinh. Danh sách này bao gồm nhà quản lý bóng đá tài ba, chiến lược gia hay cầu thủ vĩ đại...
10. David Dein (và bộ ngũ quyền lực)
Cựu phó chủ tịch Arsenal xứng đáng có tên trong danh sách những nhân vật quyền lực nhất kỷ nguyên Premier League bởi những đóng góp của ông đã tạo dựng đội bóng thành công bậc nhất. Dấu ấn lớn nhất David Dein để lại chính là quyết định bổ nhiệm Arsene Wenger. Ông là thành viên của “bộ ngũ quyền lực” kiến thiết sự thành công rực rỡ cho giải đấu hạng cao nhất của bóng đá xứ sở sương mù. Những cái tên còn lại là Martin Edwards của M.U, Noel White của Liverpool, Philip Carter của Everton và Irving Scholar của Spurs.
9. Jose Mourinho
Tuy mới 52 tuổi, nhưng vị chiến lược gia tự xưng “người đặc biệt” này chắc chắn nằm trong danh sách những huấn luyện viên vĩ đại nhất lịch sử bóng đá. Nhận định khách quan, ông xứng đáng có vị trí trong top 10. Từ Porto, Chelsea, Inter Milan cho đến Real Madrid, Jose Mourinho đã chinh phục vô vàn danh hiệu lớn.
Từ năm 2003 đến 2012, năm nào đội bóng do “người đặc biệt” dẫn dắt đều giành được ít nhất 1 danh hiệu lớn. Duy chỉ có mùa 2007/08 là ông phải chịu cảnh trắng tay. Cụ thể, Mourinho làm nên 2 cú ăn ba, 3 cú đúp, giành được 8 danh hiệu VĐQG và 3 chức vô địch các cúp châu Âu trong đó có 2 lần vô địch Champions League. Ngoài ra, ông từng thiết lập kỷ lục vô tiền khoác hậu với 9 năm bất bại trên sân nhà các đội bóng từng dẫn dắt (2002-2011).
Bên cạnh những chiến tích vĩ đại, Mourinho được người hâm mộ lẫn truyền thông đặc biệt chú ý bởi cá tính mạnh mẽ. Chiến lược gia người Bồ Đào Nha tạo ra sức hút ghê gớm bởi sự ngạo mạn, hiếu thắng và rất lắm chiêu trò.
8. Roman Abramovich
Đêm thứ Ba, ngày 1/7/2003, mọi sự chú ý của làng túc cầu đổ dồn vào thông tin Ken Bates bán Chelsea cho một doanh nhân người Nga tên là Roman Abramovich. Đến chiều hôm sau, hàng ngàn bài báo trên khắp địa cầu được đăng tải để giới thiệu về tỉ phú, nhà tài phiệt, ông trùm dầu khí này.
Chỉ trong vòng 1 tháng, nhà tài phiệt 36 tuổi này thay máu Chelsea bằng cách ném vào thị trường chuyển nhượng 111 triệu bảng. Thời bấy giờ, số tiền ấy ngay cả những đội bóng giàu có nhất cũng chẳng dám mơ tưởng sẽ dùng để mua sắm. Vụ chơi ngông ấy giúp Abramovich và thay đổi hoàn toàn hướng phát triển của Premier League lẫn bóng đá châu Âu.
Sau Abramovich, trào lưu tỉ phú làm bóng đá xuất hiện tại Anh với Randy Lerner (Aston Villa), Thaksin Shinawatra, Sheikh Mansour (Man City) rồi mở rộng ra khắp châu Âu. Nhiều nhà tài phiệt, thậm chí giàu có và chịu chơi gấp bội ông chủ của Chelsea đã nhập cuộc, nhưng suốt 12 năm qua, chưa ai thành công như nhà tài phiệt người Nga.
7. David Beckham (và Posh Spice)
Beckham lập tài khoản Instagram vào tháng trước, và bây giờ đã có hơn 7 triệu người theo dõi. Trang Facebook của anh thì có hơn 51 triệu người theo dõi. Cô vợ Victoria cũng có hơn 8.5 triệu người theo dõi trên trang Twitter. Doanh thu của Beckham từ Footwork Productions đạt 14.8 triệu bảng trong năm tài khóa gần nhất. Victoria cũn kiếm khoảng chừng ấy tiền từ thời trang và âm nhạc. Tạp chí Sunday Times Rich ước tính khối tài sản của cặp vợ chồng này vào khoảng 240 triệu bảng. Cả hai bổ trợ cho nhau, một cựu danh thủ và một cựu thành viên ban nhạc đình đám. Họ nổi tiếng khắp thế giới.
6. Jean-Marc Bosman
Bosman chưa chơi bóng một phút nào tại Anh chứ đừng nói đến sân chơi đẳng cấp Premier League. Tuy vậy, vụ kiện của tiền vệ người Bỉ này nhắm vào đội bóng chủ quản Standard Liege (Bỉ), LĐBĐ Bỉ và UEFA, và vụ kiện ấy thay đổi hoàn toàn thế giới bóng đá. Sau khi đáo hạn hợp đồng với Standard Liege, Bosman muốn đầu quân cho Dunkerque của Pháp. Tuy nhiên, theo luật lệ thời ấy, Dunkerque phải chi ra tiền lót tay cho đội bóng cũ của Bosman.
Điều đáng nói, đội bóng nước Pháp không thể đáp ứng được số tiền Standard Liege đòi hỏi. Kết quả là Bosman mắc kẹt ở giữa, rồi chấp nhận giảm lương để được tiếp tục khoác áo Standard Liege. Anh quyết định đâm đơn kiện và giành được tự do cho mình cũng như mọi cầu thủ chuyên nghiệp. Sau khi đáo hạn hợp đồng, họ có thể đàm phán và ký hợp đồng với bất cứ đội bóng nào.
Luật Bosman lại ra đời đúng thời điểm truyền thông bùng nổ. Premier League giàu lên trông thấy nhờ khoản thu khổng lồ từ bản quyền truyền hình. Từ khoản tiền kếch xù kiếm được, các đội bóng Anh săn tìm tài năng không chỉ trong nước mà trên khắp thế giới. Qua đó, nâng cao chất lượng giải đấu. Thống kê cho thấy đầu thập niên 1990, chỉ có khoảng vài chục cầu thủ Nam Mỹ chơi bóng tại Premier League. Bây giờ con số ấy khoảng hơn 1000.
Duy Khánh