Góc nhìn Premiership
10 năm của “Giáo sư” và cái miệng của “thần đồng”
(Dân trí) - Hôm nay, “giáo sư” A.Wenger kỷ niệm 10 năm dẫn dắt Arsenal. Hôm nay cũng là lúc hàng loạt tờ báo “khoét sâu” tới vụ chửi thề của “thần đồng” Rooney trong trận đấu MU - Reading tuần trước. Hai con người - hai sự kiện - hai cảm xúc liệu có liên quan gì với nhau?
1. Ngồi ở bất cứ một xó xỉnh nào của thế giới, chỉ cần vài cái click chuột là bạn có thể đọc được hàng loạt những tít báo kiểu này: “10 năm tuyệt diệu của Wenger”, “Trái tim nhân hậu của Wenger”, “sự vĩ đại của Wenger”....
Trong cái ngày 28/9 đầy ý nghĩa này, cái ngày mà Wenger - Arsenal kỷ niệm 10 năm chung “chăn gối” thì đúng là cần phải khen và phải nói về giá trị của nhà cầm quân người Pháp.
Kể ra thì ông cũng tài lắm chứ: biến một Arsenal khù khờ (khi ông mới đến) trở thành một Arsenal thiện chiến (chỉ sau 1, 2 năm), biến hàng loạt những cầu thủ vô danh (Anelka, Henry, Fabregas...) thành những cái tên nổi đình nổi đám.
Tên ông - Wenger đáng kính, từ lâu đã trở thành một phần của đời sống bóng đá Anh. Con người ông - Wenger nhân hậu, từ lâu đã ăn sâu trong lòng của đông đảo fan hâm mộ.
Một Wenger khác với vẻ đạo mạo thường thấy. |
Thế nhưng sẽ là chưa đầy đủ nếu chỉ dừng lại ở đấy. Bởi vì Wenger vĩ đại thật đấy nhưng cũng có lúc tầm thường thật đấy.
Ví dụ nhé, sau trận kịch chiến nảy lửa giữa MU và Arsenal mùa bóng 2003, khi mà các cầu thủ hai bên lao vào nhau đòi ăn thua đủ thì Wenger liền xuất hiện trước truyền thông, nói toàn những cái “chẳng giống ai”.
Một mặt ông lên án Van Nistelrooy, tiền đạo của MU, là kẻ bẩn thỉu, một mặt ra sức bảo vệ cho những hành động bạo lực của các họ trò.
Người ta tính rằng số lượng thẻ vàng, thẻ đỏ mà các pháo thủ thành London phải nhận tăng đột biến kể từ ngày Wenger xuất hiện. Và người ta cũng bảo rằng với tính cách cứng rắn của mình Wenger đã khiến cho những trận đấu của Arsenal nhiều khi “nóng” trên mức cần thiết.
Và đó chính là mặt thứ hai trong con người rất vĩ đại của Wenger!
Bao giờ Rooney mới có được sự kiềm chế trong lời ăn tiếng nói? |
2. Bây giờ hãy nói đến chuyện của “thần đồng” Rooney. Chắc hẳn là trong những môn đệ của túc cầu giáo trên thế giới có không ít người coi Rooney là thần tượng. Cũng phải thôi, bởi anh chàng với những pha bắt tốc độ, những quả sút sấm sét đã khiến cho người xem rất thích thú.
Nhưng lại cũng là Rooney, và cũng là trên bình diện sân cỏ (chứ không phải trong đời sống) đã gắn với rất nhiều hành vi xấu: hay triệt hạ đối phương, hay cãi cọ, và đặc biệt là hay chửi thề...Anh đã chửi và lại mới chửi như thế trong trận đấu MU - Reading. Nghe đâu FA đã vào cuộc và nguy cơ Rooney “ăn đạn” là không nhỏ.
Và vấn đề nằm ở chỗ ấy, trong một Rooney đáng yêu lại luôn hiện hữu một Rooney... đáng ghét.
3. Theo bạn thì cái sự “đáng ghét” đây đó của Rooney cũng như của Wenger có làm giảm đi cái sự “đáng yêu” bấy lâu ở họ hay không?
“Có”, hẳn không ít người trả lời như thế. Nhưng với không ít người họ sẽ cho là “không”.
Vì sao ư? Vì ở trên đời này chẳng có cái gì là trong trẻo, là thánh thiện một cách tuyệt bích cả. Chẳng phải nhà điêu khắc Rodin ngày xưa vẫn cố tình tạo ra một vẻ ngoài xù xì trong những pho tuyệt tác được cả thế giới mến mộ đó sao? Chẳng phải Rodin, qua đó, muốn gửi tới chúng ta một thông điệp: cái đẹp luôn đi với những cái tầm thường đó sao?
Bởi vậy nói tới những mặt trái của giáo sư Wenger và thần đồng Rooney không phải là để bôi xấu họ.
Đơn giản chỉ là: nói những điều đó để dễ đồng cảm với họ hơn, dễ yêu họ hơn và dễ mến họ hơn...
Phan Đăng