VĐV bỏ trốn, trách nhiệm thuộc về ai?

<P class=MsoNormal style="MARGIN: 0in 0in 0pt">(Dân trí) - Trong bản tường trình gửi Vụ I, BHL đã thuật lại chi tiết cuộc hành trình đào tẩu của các VĐV. Đồng thời, BHL đội vật xin nhận mọi hình thức kỷ luật vì để xảy ra sự cố tại sân bay Incheon. </P>

Ý định bỏ trốn đã được sắp đặt trước?

 

Tham dự cuộc họp tại TTHLTTQG I (Nhổn) vào chiều 27/3 có đầy đủ các thành viên BHL đội vật: Trưởng đoàn Lê Ngọc Minh, HLV Nguyễn Xuân Thái và HLV Nguyễn Quang Long cùng với đại diện Vụ TTTTC I và phòng Huấn luyện của TTHLTTQG I.

 

Như Dân trí đã đưa tin, mỗi thành viên BHL đều phải viết tường trình chi tiết toàn bộ sự việc để lãnh đạo Vụ I xem xét, báo cáo lên Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch và tìm hướng xử lý.

 

Trong bản tường trình này, các HLV đều khẳng định trong 9 ngày thi đấu giải VĐ châu Á tại Hàn Quốc, BHL đã quản lý VĐV nghiêm túc. Do đã có tiền lệ VĐV bỏ trốn để lưu trú trái phép lại nước ngoài, BHL đã thu toàn bộ hộ chiếu và chỉ trả lại cho VĐV khi làm thủ tục xuất cảnh để trở về Việt Nam.

 

Tuy nhiên, ngày cuối cùng trước khi về nước, Nguyễn Bá Phong và Nguyễn Đình Nam có biểu hiện bất thường và tỏ ý muốn ở lại. Chính vì thế, BHL đã không rời mắt khỏi 2 VĐV này. Nhưng lợi dụng sơ suất lúc toàn đội đang làm thủ tục xuất cảnh, Nam đã bỏ trốn. Sau đó, BHL đã theo dõi nhất cử nhất động của 4 VĐV còn lại, nhưng lấy cớ đi vệ sinh, Nguyễn Doãn Dũng cũng bỏ trốn luôn.

 

Để có được phút lơi lỏng của BHL, Dũng thậm chí đã “ngọt nhạt” với HLV Nguyễn Quang Long rằng “nếu em muốn trốn thì em đã theo 2 đồng đội rồi, em theo thầy đã lâu, không muốn làm thầy buồn”!. Bản thân ông Long cũng đã lường trước khả năng này và toàn bộ BHL đều theo sát nhóm VĐV trên đường ra sân bay, tuy nhiên sự cố xảy ra quá nhanh khiến tất cả không ngờ tới.

 

Ông Long than thở: “Tôi đã theo dõi nhất cử nhất động của nhóm VĐV, nhất là sau khi Phong và Nam bất ngờ bỏ trốn. Chỉ còn thiếu nước tôi lấy còng số 8 mà còng tay VĐV vào tay mình thôi”. Theo tường trình, sau khi 2 VĐV bỏ trốn, họ đã tản ra đi tìm nhưng chỉ biết, những người làm ở khu sân bay thấy 2 người có đặc điểm nhận dạng giống 2 VĐV này bỏ chạy ra khỏi sân bay và không biết đi về hướng nào.

 

Ông Lê Ngọc Minh khẳng định, đây không phải là sự việc bột phát, mà là một chủ ý được sắp đặt từ trước.

 

BHL nhận trách nhiệm, nhưng…

 

Trong buổi họp, BHL đội vật đã chủ động nhận trách nhiệm và chấp nhận mọi hình thức kỷ luật từ cấp trên. Trước mắt, Vụ TTTTC I mới chỉ phê bình BHL vì đã không quản lý tốt VĐV. Sau khi sự việc được báo cáo lên Bộ VH-TT&DL, hình thức kỷ luật mới được đưa ra.

 

Ngoài ra, VỤ I và BHL đội vật sẽ tham mưu cho Bộ VH-TT&DL, thông báo về sở chủ quản (Sở TDTT Hà Nội) và gia đình để nắm rõ nhân thân, kết hợp với Công an Hàn Quốc và Interpol nước này tìm tung tích 3 VĐV bỏ trốn đưa về Việt Nam “quy án”.

 

Theo tìm hiểu của Dân trí, tổng thu nhập của các VĐV này hiện khoảng 8 triệu đồng nhưng trong đó tiền ăn đã chiếm gần một nửa (120.000 đồng x 30 ngày = 3.600.000 đồng). Khoản phụ cấp khi tập trung đội tuyển là 75.000 đồng/ngày cộng với lương do Sở TDTT chủ quản chi trả chỉ khoảng 4-5 triệu đồng và nếu không tập trung đội tuyển, thu nhập còn giảm xuống quá nửa.

 

Mặc dù BHL đội vật nhận định, việc các VĐV bỏ trốn xuất phát từ nhận thức hạn chế và việc giáo dục đạo đức chưa thấu đáo của Sở chủ quản từ khi họ còn là VĐV trẻ, ông Lê Ngọc Minh cho giả thiết: “Có thể họ đã bị bạn bè rủ rê ở lại Hàn Quốc tìm việc làm, vì hiện nay nếu muốn đi Hàn Quốc theo dạng xuất khẩu lao động thì mỗi người cũng mất một khoản tiền rất lớn”.

 

Đây không phải là lần đầu tiên các VĐV bỏ trốn để lưu trú lại nước ngoài. Trong 12 năm trở lại đây, có tới 11 VĐV Việt Nam bỏ trốn trong những lần đi thi đấu, tập huấn nước ngoài, 8 trong số họ là những VĐV xe đạp và 7 người thuộc sự quản lý của Sở TDTT Hà Nội.

 

Trong thời gian tập luyện tại Nhổn, đội vật là đội có kỷ luật tốt nhất, BHL đội vật cũng từng được nhận bằng khen của Trung tâm HHTTQG I vì quản lý tốt VĐV và chấp hành nội quy Trung tâm.

 

Việc quy trách nhiệm cho cá nhân, tập thể lúc này là không sai, việc gắn căn nguyên sự việc với những bài học đạo đức cũng có khía cạnh đúng. VĐV có hành động vi phạm pháp luật, họ sẽ chịu sự trừng phạt của pháp luật. Nhưng có lẽ những nhà thể thao cần cân nhắc lại chế độ đãi ngộ. Bởi các VĐV, cũng như mọi công dân trong xã hội, không thể tận tâm công hiến nếu cái bụng không no.

 

Hồng Kỹ