Ông Dương Đức Thuỷ:

“Duy Bằng nên biết mình đang ở đâu”

<P>(Dân trí) - Indoor Games 2 kết thúc với nhiều sự việc không mấy vui vẻ cho bộ môn điền kinh: Duy Bằng vì không được thi đấu đã lên tiếng đòi nghỉ ĐTQG, những niềm hy vọng vàng đều trở thành thất vọng khi đánh mất mình trên sân đấu. Dân trí đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với ông Dương Đức Thuỷ, trưởng bộ môn điền kinh - Vụ thể thao thành tích cao.</P>

>> Báo động đỏ

>> "Duy Bằng: "Tôi sẽ bỏ ĐTQG sau SEA Games 24"

 

“Tôi có quyền yêu, ghét nhưng không phân biệt đối xử”

 

PV: Một cách khách quan, ông có thể đánh giá về phong độ và triển vọng của Bằng ở SEA Games lần này?

 

Ông Dương Đức Thuỷ: Về phong độ, Bằng đang có dấu hiệu chững lại, mức ổn định thời gian vừa qua của Bằng chỉ ở mức 2m14 đến 2m18, so với mức cao nhất mà Bằng từng nhảy qua là 2m25 thì còn kém nhiều. Vừa qua ở giải VĐQG, Bằng chỉ qua mức 2m13 thôi. Hơn nữa, năm nay một VĐV Malaysia vừa nhảy qua mức 2m24 ở giải VĐ châu Á, giành luôn HCV nên đó sẽ là một áp lực rất lớn đối với Bằng ở SEA Games này.

 

Vậy tại sao ở Indoor Games, giải đấu quan trọng nhất trước SEA Games, Bằng lại không được tham dự mà lại là Nguyễn Thanh Phong - người chỉ đoạt HCB quốc gia với thành tích 2m11?

 

Đúng là Phong chưa đạt đến mức xà của Bằng. Nhưng đây là chủ trương của ngành thể thao: giữ gìn các VĐV trọng điểm có khả năng tranh chấp HCV trước SEA Games 24. Bùi Thị Nhung sở dĩ vẫn được đi là vì còn phải phấn đấu đạt chuẩn Olympic, chứ với phong độ hiện nay, Bằng làm sao có hy vọng đạt chuẩn.

 

Ở giải Grand Prix đầu năm nay, có phải là chủ trương của ngành không mà Bằng vẫn phải “ở nhà”, thưa ông?

 

Trước Prand Prix, Bằng lên mặt báo đòi nghỉ thi đấu cho ĐTQG nhưng không hề có thủ tục xin phép theo nguyên tắc gì cả. Tôi đã chủ động liên hệ với Sở TDTT Bến Tre, đề nghị Sở thuyết phục Bằng thi đấu trở lại. Nhưng Bằng vẫn kiên quyết giữ quan điểm nghỉ, trong khi đó thời hạn đăng ký danh sách dự Grand Prix đến, buộc tôi phải chọn Phong.

 

Mặt khác, Phong là một VĐV có ý chí, nghị lực tốt. Trước đây Phong từng nghỉ thi đấu, nhưng khi Bằng đòi nghỉ, tôi phải gọi Phong và ở ĐH TDTT toàn quốc, Phong đã nhảy qua mức 2m07. Một VĐV tự tập mà nhảy được như thế là rất đáng tự hào. Ở giải VĐQG mới đây, Phong cũng vượt mức xà 2m11, tiếp cận mức xà của Bằng rồi.

 

Trao đổi với chúng tôi, Bằng một lần nữa đòi nghỉ ĐTQG sau SEA Games 24. Là trưởng bộ môn, ông bình luận gì về việc này?

 

Ai muốn nghỉ thì nghỉ, không ai cản được. Nhưng theo tôi, Bằng không nên đặt ra một lộ trình cụ thể như thế. Làm thế, liệu cậu ấy còn đủ nghị lực để thi đấu SEA Games không, hay lại vào thi đấu rồi bị ý nghĩ “đằng nào mình cũng nghỉ, thôi đấu cho xong” làm hỏng mất ý chí?

 

Bằng có nói đại ý rằng có sự bất công bằng trong đội và việc không được thi đấu cũng khiến cậu ta chán nản?Theo ông có sự bất công ấy không?

 

Tôi khẳng định không hề có việc phân biệt đối xử giữa các VĐV trong đội. Là người, tôi có quyền yêu, ghét nhưng đã làm chuyên môn là phải công bằng. Tôi không ác ý gì với Bằng cả. Có gì là không công bằng nào, quyền lợi các VĐV như nhau, đãi ngộ như nhau.

 

Bản thân Bằng cũng nên hiểu mình đang ở vị trí nào. Ban đầu, lúc đề xuất các VĐV trọng điểm để tăng tiền ăn thêm 30.000 đồng/ngày, tôi đề xuất 8 VĐV nhưng sau thiếu kinh phí nên chỉ được duyệt 5, trong đó không hề có Bằng. Như thế, Bằng nên nhìn lại mình chứ.

 

Ngày xưa, thời tôi thi đấu mọi người đều khó khăn, nghèo đói lắm mà có ai kêu ca hay đòi bỏ ĐTQG đâu. Đã thi đấu thì phải nghĩ đến màu cờ sắc áo, danh dự quốc gia và danh dự cá nhân.

 

Nhưng thưa ông, mức sống của xã hội trong mỗi thời điểm một khác, và bây giờ cũng không còn thời cào bằng mức thu nhập. Các VĐV nếu muốn tìm con đường khác để đi thì cũng nên mở đường cho họ lựa chọn?

 

Điều này tôi nhất trí. Có một ông thầy tôi từng buồn rầu nói: “Tôi đã sống vì nghề và đã chết vì nghề, chính vì vậy cậu hãy đắn đo cho kỹ để lựa chọn”. Ngày nay, nếu các VĐV muốn nghỉ để chuyển nghề hoặc tìm kế mưu sinh mới chúng tôi không ngăn cản. Nhưng còn thi đấu, họ còn phải cống hiến hết mình.

 

“5 - 6 HCV SEA Games là khả quan”

 

Là một chuyên gia đã theo dõi thành tích, việc luyện tập Nhung nhiều năm nay, theo ông kết quả 1m84 ở Indoor Games là sự sa sảy tức thời hay dấu hiệu của sự xuống phong độ?

 

Tôi không nghĩ đó là dấu hiệu sa sút. Theo dõi Nhung 2 năm nay tôi thấy Nhung nhảy khá ổn định ở mức 1m88 - 1m90. Riêng giảin ày, Nhung cũng có sự không may nhất định. Ở các mức xà dưới Nhung nhảy rất ngon lành nhưng lên tới mức xà 1m88 thì lần đầu thân đã qua lại chạm bàn chân, các lần sau thì dường như có một sự “rụt tâm lý” nào đó, khiến Nhung nhảy không thành công. Ngược lại, VĐV Thái Lan mấy mức xà dưới nhảy chật vật, nhưng lên mức xà cao lại đạt được sự hưng phấn cần thiết, và nhảy qua mức xuất thần 1m91 dù là ở lần nhảy thứ 3. Mục tiêu của Nhung ở SEA Games tới là phải đạt chuẩn 1m91, chứ có đạt HCV mà không được mức này thì chưa “sướng”.

 

Vậy thì cũng cần nhắc đến điểm yếu tâm lý?

 

Đúng. Khi dự những giải đấu không chịu nhiều áp lực như giải VĐQG, giải Prand Prix châu Á, v.v… Nhung thường nhảy rất tốt. Nhưng khi vào nhảy ở các giải có tính đặc thù hơn, áp lực thành tích hơn thì kết quả thường không mỹ mãn. Đó không chỉ là vấn đề của Nhung, mà cũng là vấn đề cần khắc phục của HLV Vũ Mỹ Hạnh.

 

Ngoài ra, cần điều chỉnh lại từ những yếu tố nhỏ nhất ví dụ chu kỳ giữa 2 lần nhảy. Ở ĐTQG, chỉ có 4-5 VĐV nhảy cao luyện tập, nên chu kỳ này chỉ khoảng 3 phút. Nhưng khi thi đấu, có tới 20 VĐV và mỗi người có tối đa 2 phút, như vậy chu kỳ này kéo dài tới 30, 40 phút và các VĐV nhảy lại lần 2 cần phải tĩnh tâm, khởi động lại đúng thời điểm.

 

Có thể gọi đó là sự thiếu chuyên nghiệp, dẫn đến sự lệch pha giữa luyện tập và thi đấu?

 

Đúng vậy. Có những điều rất nhỏ, tưởng như là sự may mắn đơn thuần nhưng không phải: ví dụ, bị bong giày trước giờ thi đấu xuất phát từ lỗi không chuẩn bị, xem xét kỹ trang phục thi đấu. Hay chuyện một VĐV Việt Nam kêu bị tráo giày khi thi đấu, đấy cũng là một lỗi của chính người bị tráo do đã không chú ý tới tư trang. Vì có thể khi luỵân tập, các VĐV là đồng đội, nhưng khi thi đấu tất cả là đối thủ, và họ sẽ tìm cách gây khó khăn cho nhau. Ai không phòng bị, không sẵn sàng thì sẽ bị thiệt.

 

Tất cả những yếu tố đó, những người huấn luyện cần trang bị cho VĐV, thưa ông?

 

Chủ yếu là ở tính tự giác, chúng tôi có truyền đạt nhưng tiếp thu được bao nhiêu và có tích cực tìm tòi, học hỏi hay không là ở VĐV chứ!

 

Quay lại câu chuyện của Nhung ở Indoor Games, có ý kiến cho rằng quá nhiều người cùng tham gia chỉ đạo khiến Nhung rối trí không nhảy được?

 

Thực ra lúc đó ông nguyên giám đốc sở TDTT Hà Nội cũng có đóng góp ý kiến điều chỉnh. Nhưng trong phòng hình bán nguyệt, ông ấy ngồi rất xa còn tôi đứng gần Nhung hơn nên những lần đầu, ý kiến chỉ đạo của ông có lẽ Nhung không nghe thấy. Tôi thì chỉ đạo điều chỉnh lại điểm dậm nhảy là sao cho điểm cao nhất của quỹ đạo nhảy trùng với xà.

 

Sau kết quả không ấn tượng tại Asian Indoor Games, theo ông mục tiêu 5 - 6 HCV ở SEA Games 24 có còn khả thi?

 

Thực ra ban đầu chúng tôi đã khoanh vùng tới 8 VĐV trọng điểm có khả năng tranh chấp HCV. Bằng kinh nghiệm và nghiệp vụ, tôi đã xác định mục tiêu 5 - 6 HCV là khả quan vì ở môn điền kinh, chúng ta có chừng đó nội dung nhỉnh hơn mặt bằng khu vực. Trong thi đấu điền kinh, tính may rủi là rất cao. Do đó có thể những môn dự tính trước lại không có huy chuơng, nhưng những VĐV không nằm trong nhóm trọng điểm cũng có thể tạo bất ngờ.

 

Sau Indoor Games, việc các VĐV nhảy cao và chạy 60m của Thái Lan đạt thành tích tốt (2 VĐV Thái Lan cùng phá kỷ lục Indoor Games lần trước với thành tích 7 giây 28 - PV) ít nhiều cũng tạo áp lực tâm lý cho VĐV Việt Nam. Những áp lực đó đòi hỏi cả VĐV lẫn các HLV đều phải nỗ lực khắc phục.

 

Hồng Kỹ
Thực hiện