Lịch sử các kỳ Euro (Kỳ 4)

<P class=MsoNormal style="MARGIN: 0in 0in 0pt">(Dân trí) - Bóng đá châu Âu những năm 90 chứng kiến sự trở lại mạnh mẽ của “cỗ xe tăng” Đức. Tuy nhiên, có lẽ cho đến tận ngày nay, ấn tượng đậm nét nhất với người hâm mộ trên toàn thế giới về giai đoạn này đó là câu chuyện cổ tích có thật của “những chú lính chì” Đan Mạch.</P>

 

 

 

Euro 1992 - Chuyện cổ tích của người Đan Mạch

 

Một ngày cuối tháng 5 năm 1992, khi HLV Richard Møller-Nielsen đang chuẩn bị sửa chiếc chậu rửa trong căn bếp nhỏ nhà mình thì nhận được một thông báo mà có lẽ ngay cả trong mơ ông cũng không thấy. ĐT Đan Mạch được mời tham dự Euro 1992 thay cho ĐT Nam Tư.

 

Với chỉ vỏn vẹn 2 tuần để chuẩn bị, không ai tin rằng họ sẽ làm nên chuyện ở một bảng đấu gồm Pháp, Anh và chủ nhà Thụy Điển. Quyết định không tham dự của tiền vệ tổ chức tài năng Michael Laudrup càng khiến cơ hội của Đan Mạch trở nên mờ mịt.

 

Sau khi hòa Anh 0-0 trong trận mở màn và thua 0-1 trước Thụy Điển ở trận thứ hai, không ít người nhanh chóng cho rằng đội bóng của Peter Smeichel sẽ sớm phải về nước. Quả thực cơ hội của họ khi đó là vô cùng nhỏ.

 

Với vỏn vẹn 1 điểm sau 2 trận, Đan Mạch xếp bét bảng. Cùng có 2 điểm, Anh và Pháp chia nhau hai vị trí tiếp theo trong khi Thụy Điển vững ngôi đầu với 4 điểm. Điều này có nghĩa là Đan Mạch chỉ còn cách duy nhất là hạ “gà trống gaulois” trong trận cuối, đồng thời “cầu trời” đội chủ nhà không thất thủ trước “sư tử” Anh.

 

Lịch sử các kỳ Euro (Kỳ 4) - 1

Niềm vui chiến thắng của các cầu thủ Đan Mạch

 

Bước vào loạt trận cuối cùng, sự phấp phỏng lo âu nhanh chóng được chuyển thành niềm vui khôn tả khi ngay ở phút thứ 8 Henrik Larsen đã sút tung lưới Pháp. Trong trận này, lối chơi chặt chẽ của “những chú lính chì” khiến đối phương gặp rất nhiều khó khăn. Hiệp một kết thúc với tỷ số 1-0 nghiêng về Đan Mạch

 

Kết quả này buộc đội bóng của Eric Cantona phải vùng lên tấn công trong hiệp hai. Và sau rất nhiều nỗ lực, phút 60, Jean-Pierre Papin đã có bàn gỡ hòa cho đội nhà sau pha giật gót kiến tạo của Durand. Các CĐV Đan Mạch bắt đầu lo lắng. Ở trận đấu cùng giờ, Anh cũng đang hòa chủ nhà Thụy Điển 1-1.

 

Ngay sau bàn thua, HLV Møller-Nielsen lập tức tăng cường lực lượng ở giữa sân với hai sự thay đổi người vào các phút 61 và 66. Có lẽ đây chính là quyết định sáng suốt nhất trận đấu của Nielsen. Bởi chỉ 12 phút sau khi vào sân, Lars Elstrup đã khiến các CĐV nhà phát điên khi dứt điểm chính xác quả tạt của Povlsen ấn định tỷ số 2-1.

 

Niềm vui của người Đan Mạch lên đến tột độ khi thông tin báo về từ sân Råsunda – Solna cho hay, Thụy Điển cũng đã nâng tỷ số lên 2-1, chỉ 4 phút sau pha ghi bàn của Elstrup. Như vậy “những chú lính chì” quả cảm đã đoạt vé vào BK.

 

Việc lọt vào BK đã là một bất ngờ quá sức với người Đan Mạch, nhưng thành công ấy còn đi xa hơn khi họ vượt qua luôn cả “cơn lốc” Hà Lan trong trận BK. Sau 90 phút thi đấu chính thức hai đội hòa nhau 2-2. Trong loạt sút luân lưu nghiệt ngã, Van Basten đã không thể thắng được thủ thành Peter Schmeichel. Hà Lan xách vali về nước, nhường vé vào CK cho đội được coi là “kẻ lót đường”.

 

Lịch sử các kỳ Euro (Kỳ 4) - 2

Brian Laudrup – nhân tố quan trọng giúp “những chú lính chì” thành công

 

Đối thủ của Đan Mạch trong trận đấu cuối cùng là một ĐT Đức hùng mạnh, vừa đăng quang tại World Cup 1990. Trong trận BK trước đó, “cỗ xe tăng” đã đè bẹp chủ nhà Thụy Điển 3-2.

 

Bước vào trận CK, trước một đối thủ lớn, tấn công vô cùng mạnh mẽ và sẵn sàng chơi thô bạo, những “chú lính chì” vẫn thể hiện được lối chơi đoàn kết và chặt chẽ vốn có. Sau 15 phút chống đòn phủ đầu của đối phương, phút 18, Đan Mạch vượt lên dẫn trước. Một cú sút quyết đoán từ trước vạch 16m50 của John Jensen là quá khó với thủ thành Bodo Illgner.

 

Bế tắc trong việc tìm đường vào khung thành đối phương, sau giờ nghỉ giải lao HLV Berti Vogts đã có một loạt sự thay đổi người. Nhưng sự xuất hiện của Thomas Doll và Andreas Thom cũng không thể cứu giúp họ. Phút 78, Kim Vilfort hoàn tất câu chuyện cổ tích của người Đan Mạch với một pha dứt điểm cận thành. Cả châu Âu ngỡ ngàng nhưng thực sự kính phục “nhà vua” mới, Đan Mạch!

 

Euro 1996 - Người Đức phục thù

 

Sau thất bại đau đớn tại Euro 1992 và không thể bảo vệ thành công ngôi VĐ tại World Cup 1994, Đức bước vào Euro 1996 với quyết tâm nung nấu. Được tổ chức tại Anh, giải lần này được mở rộng với 16 đội tham dự VCK. Trong đó Italia và Hà Lan được đánh giá là những ƯCV sáng giá khi sở hữu trong đội hình một loạt cầu thủ tài năng đang độ sung mãn.

 

Tuy nhiên cả hai “đại gia” trên đều nhanh chóng gây thất vọng. Trong khi người Ý phải khăn gói về nước ngay sau vòng bảng thì Hà Lan cũng dừng bước tại TK trước ĐT Pháp. Cùng chung số phận với Azzurri, ĐKVĐ Đan Mạch cũng để mất ngôi vương ngay sau vòng bảng. Trong khi đó tân binh CH Séc lại gây bất ngờ khi âm thầm đi thẳng đến trận CK sau khi hạ Pháp trên chấm 11m ở BK.  

 

Ở trận BK còn lại, chủ nhà Anh dù sở hữu chân sút cự phách Alan Shearer cùng tiền vệ tài năng Gascoigne nhưng cũng không thể trả nợ thành công trước tuyển Đức vắng nhiều trụ cột như Klinsmann, Kohler và Basler. Sau khi hòa 1-1 trong 90 phút chính thức, Đức đã vượt qua Anh trên chấm luân lưu 11m.

 

Lịch sử các kỳ Euro (Kỳ 4) - 3

Người Đức lần thứ ba nâng cao chiếc cúp VĐ

 

Thế nhưng cũng chính trong hoàn cảnh ấy người ta mới thấy hết “chất thép” của người Đức. Sau hiệp đầu tiên khá buồn tẻ, phút 60, Séc bất ngờ vượt lên dẫn trước khi Patrik Berger sút thành công quả penalty sau khi Poborsky bị đốn ngã trong vòng cấm. Nhiều người bất đầu mơ mộng rằng Séc sẽ lặp lại kỳ tích mà Tiệp Khắc từng có tại CK Euro 1976.

 

Tuy nhiên, phút 73 của trận đấu, cầu thủ vào thay người Oliver Bierhoff đã đưa mọi thứ về đúng trật tự của nó với một cú đánh đầu sở trường. Sau 90 phút kết quả hòa 1-1 buộc hai đội bước vào hiệp phụ với luật bàn thắng vàng lần đầu tiên được áp dụng.

 

Và chỉ 4 phút sau khi hiệp phụ bắt đầu, Bierhoff đã đi vào lịch sử Euro với tư cách người ghi bàn thắng vàng đầu tiên. 2-1, một lần nữa người Đức lại thống trị châu Âu.

 

>> Còn tiếp

 

Thanh Tùng