Lịch sử các kỳ EURO (Kỳ 3)

<P class=NoSpacing style="MARGIN: 0in 0in 0pt">(Dân trí) - Sau thành công tại Euro 1976, UEFA quyết định tiếp tục cải tổ để nâng cao hơn nữa tính hấp dẫn của giải. Và suốt trong thập niên 80, đây tiếp tục trở thành giải đấu chất lượng và danh giá bậc nhất thế giới với những màn đăng quang đầy kịch tính...</P>

Năm 1980, UEFA quyết định đổi mới thể thức của các kỳ Euro. Theo đó sẽ có 8 đội (tăng gấp đôi so với năm 1976) được tham dự VCK. Những đội này được chia làm hai bảng, đấu vòng tròn chọn 2 đội có thành tích tốt nhất của mỗi bảng. Hai đội đầu bảng sẽ gặp nhau trong trận CK còn 2 đội xếp nhì sẽ dự trận tranh giải ba.

 

Riêng đội chủ nhà Italia sẽ không phải đấu vòng sơ loại mà được vào thẳng VCK. Azzurri được xếp vào bảng 2 với Bỉ, TBN và Anh. Trong khi đó bảng 1 gồm nhiều tên tuổi lớn như Tây Đức, Tiệp Khắc (cũ), Hà Lan và Bỉ.

 

Dù đang ở giai đoạn chuyển giao thế hệ nhưng ở giải này, ĐT Đức tiếp tục chứng tỏ bản lĩnh vô cùng mạnh mẽ. Họ hạ ĐKVĐ Tiệp Khắc (cũ) 1-0, vượt qua “cơn lốc màu da cam” Hà Lan 3-2, trước khi thủ hòa Hy Lạp 0-0 để giành quyền vào CK. Đứng nhì ở bảng này là Tiệp Khắc (cũ). Ở bảng còn lại, Bỉ đã bất ngờ giành ngôi đầu nhờ hơn hiệu số so với chủ nhà Italia.

 

Lịch sử các kỳ EURO (Kỳ 3) - 1

Người Đức khép lại thập niên 70 huy hoàng với chức VĐ Euro 1980

 

Trong trận tranh giải 3, Tiệp khắc (cũ) đã vượt qua đội bóng của Baresi ở loạt luân lưu sau khi hai đội hòa 1-1 trong 90 phút thi đấu chính thức. Ở trận CK, tốc độ cùng sự sáng tạo của “thiên thần tóc vàng” Bernd Schuster đã giúp “cỗ xe tăng” nhanh chóng chiếm ưu thế. Ngay phút thứ 10, Hrubesch có bàn mở tỷ số.

 

Sau hiệp 1 bị ép sân, Bỉ cũng tạo được một số cơ hội thuận lợi trong hiệp hai. Nhưng phải đến phút 75, khi trọng tài cho họ hưởng một quả penalty gây tranh cãi tỷ số mới được cân bằng 1-1. Tưởng như trận đấu sẽ phải phân định trên chấm 11m thì đúng 2 phút trước khi hết giờ, Hrubesch đã trở thành người hùng của nước Đức khi ghi bàn ấn định tỷ số 2-1. Và lần thứ hai trong 3 kỳ Euro liên tiếp, Mannschafts lại đăng quang!

 

Euro 1984 - Platini đưa Pháp lên ngôi VĐ

 

Vòng loại Euro 1984 có số đội tham dự kỷ lục khi thu hút 32 ĐTQG. Các đội được chia làm 7 bảng, đấu chọn 8 đội xuất sắc nhất vào VCK tại Pháp. Tại đây các đội được chia làm hai bảng đấu vòng tròn, chọn mỗi bảng 2 đội vào đấu chéo tại Bán kết.

 

Và cũng chính tại giải này, người ta đã được chứng kiến sự thăng hoa rực rỡ của ĐT Pháp với “bộ tứ ma thuật” Michel Platini, Alain Giresse, Jean Tigana và Luis Fernandez. Hai mùa liên tiếp là vua phá lưới Serie A trong màu áo Juve, Platini chính là niềm hy vọng của nước Pháp. Và quả thực ông đã không khiến mọi người thất vọng.

 

Lịch sử các kỳ EURO (Kỳ 3) - 2

Đội trưởng Platini giương cao chiếc cúp vô địch Euro 84

 

Sau khi ghi bàn duy nhất giúp đội nhà hạ Đan Mạch 1-0 ở trận mở màn, Platini khiến cả thế giới “phát sốt” khi lập liền 2 hat-trick để giúp Les Bleus hạ Bỉ 5-0 và Nam Tư (cũ) 3-2. Pháp vào bán kết với vị trí nhất bảng 1, theo sau họ là Đan Mạch. Ở bảng còn lại TBN vượt qua ĐKVĐ Đức, BĐN và Romania để giành ngôi nhất bảng. Vị trí thứ hai thuộc về BĐN.

 

Trong loạt trận BK, nếu như việc TBN vượt qua Đan Mạch sau loạt luân lưu không mấy gây chú ý thì ở trận còn lại Pháp và BĐN đã khiến tất cả các CĐV phải nín thở. Đến tận bây giờ người ta vẫn nhắc tới trận đấu đó như một trong những trận BK kịch tính nhất lịch sử Euro.

 

Với ưu thế sân nhà cùng lực lượng trội hơn, Pháp sớm mở tỷ số ở phút 24. Một pha dứt điểm chính xác của Domergue sau đường chuyền của Platini. Suốt trong thời gian còn lại của hiệp một và cả nửa đầu hiệp hai, họ tiếp tục chơi lấn lướt với hàng tá cơ hội. Tuy nhiên tất cả đều trôi qua trước mũi giày của Platini, Luis Fernandez và Alain Giresse. Bỏ lỡ nhiều cơ hội, đội chủ nhà đã phải trả giá với bàn thua ở phút 74 sau pha đánh đầu chính xác của Rui Jordão.

 

Kết quả hòa trong 90 phút chính thức buộc hai đội bước vào hiệp phụ. Thật kịch tính, ngay phút thứ 8 hiệp phụ, lại là Rui Jordão có bàn nâng tỷ số lên 2-1. Người Pháp nín thở! Bàn thua buộc “gà trống Gaulois” phải dồn toàn bộ đội hình sang phần sân đối phương. Sau rất nhiều nỗ lực, phút 24, họ cũng có bàn gỡ. Người ghi bàn vẫn là Domergue.

  

Với thời gian còn lại chỉ 5 phút, CĐV cả 2 đội đều chuẩn bị tinh thần cho loạt đấu súng. Thế nhưng vào đúng phút cuối cùng, Platini đã tỏa sáng với pha dứt điểm chính xác sau quả tạt bên cánh phải của Jean Tigana. Cả nước Pháp vỡ òa trong niềm vui chiến thắng.

 

Ngày 27/6/1984, SVĐ Công viên các hoàng tử ngập tràn cờ hoa đón chờ trận CK. Ngay sau hồi còi khai cuộc, đội chủ nhà nhanh chóng giành quyền kiểm soát trận đấu. Và đến phút 57 họ vượt lên dẫn trước với pha đá phạt của Platini. Cũng phải nói thêm rằng thủ thành Arconada của TBN đã “góp công” lớn vào bàn mở tỷ số khi để bóng lọt qua người.

 

Những phút còn lại của hiệp 2, các cầu thủ áo lam tiếp tục ép sân và tạo được rất nhiều cơ hội. Nhưng duy nhất chỉ có Bruno Bellone tận dụng thành công. Bàn ấn định tỷ số ở phút 90 chính thức đưa nước Pháp vào ngày hội. Cùng ngôi VĐ, Platini đi vào lịch sử Euro khi đoạt cả danh hiệu vua phá lưới (9 bàn) lẫn cầu thủ xuất sắc nhất giải.

 

Euro 1988 - Cơn lốc màu da cam càn quét châu Âu

 

Có thể nói trong lịch sử bóng đá thế giới, ít có đội bóng nào có nhiều cầu thủ xuất sắc nhưng lại chịu nhiều cay đắng như Hà Lan. Trong thập niên 70, đã hai lần liên tiếp họ bị gạ gục trong trận CK World Cup. Còn tại đấu trường châu Âu, đội bóng của “thánh” Johan Cruyff cũng chưa có được thành công nào mãi cho đến Euro 1988.

 

Lịch sử các kỳ EURO (Kỳ 3) - 3

Van Basten – vua phá lưới Euro 1988...

 

Năm đó, giải được tổ chức trên đất Đức. Và với một đội hình gồm những Matthäus,  Klinsmann, Kohler và Voller lại được dẫn dắt bởi Beckenbauer, đội chủ nhà chính là ƯCV sáng giá nhất cho ngôi VĐ. Đội bóng duy nhất được đánh giá đủ sức cản bước “cỗ xe tăng” là Italia với những tài năng trẻ sáng giá như: Paolo Maldini, Gianluca Vialli và Roberto Mancini.

 

Tuy nhiên, khi giải bắt đầu, người Hà Lan đã chứng tỏ 1988 là năm của “cơn lốc màu da cam”. Sở hữu bộ ba “người Hà Lan bay” Gullit, Rijkaard và van Basten, đội bóng áo cam trình diễn một lối chơi tấn công vô cùng quyến rũ.

 

Dù thất bại trong trận đầu trước Liên Xô nhưng ngay sau đó đội bóng xứ hoa tulip đã hạ Anh 3-1 trước khi vượt qua Ai-len 1-0 để vào BK. Tại đây, một lần nữa họ tái ngộ đối thủ nhiều duyên nợ Tây Đức, đội đã từng đánh bại Hà Lan tại trận CK World Cup 1974, cũng chính trên đất Đức.

 

Trong suốt hiệp một, cả hai bên đều sử dụng lối chơi chặt chẽ khiến số cơ hội được tạo ra không nhiều. Phải đến phút 55, thế cân bằng mới được phá vỡ với pha sút penalty thành công của Matthäus. Khi người Đức dẫn trước, thật khó có thể đảo ngược thế cờ. Vậy nhưng Hà Lan chứng tỏ điều đó hoàn toàn có thể.

 

Lịch sử các kỳ EURO (Kỳ 3) - 4

...v à Hà Lan có danh hiệu đầu tiên tại châu Âu

 

Phút 74, đến lượt Hà Lan được hưởng penalty. Lậptức Koeman đưa hai đội trở lại vạch xuất phát. Và thật kịch tính, chỉ 2 phút trước khi hết giờ, Van Basten hoàn tất “cuộc báo thù” cho cơn lốc màu da cam với một pha dứt điểm chính xác vào góc xa.

 

Trong trận CK với Liên Xô, bộ ba “người Hà Lan bay” tiếp tục khuynh đảo hàng thủ đối phương. Phút 32, trong một tình huống phá bẫy việt vị, Ruud Gullit đã đánh đầu nối chính xác đường chuyền của đồng đội Van Basten để mở tỷ số.

 

Và chỉ 9 phút sau khi hiệp hai bắt đầu số phận trận đấu được ấn định với pha bay người bắt vô lê từ một góc không tưởng của Van Basten, một trong những pha làm bàn đẹp nhất trong lịch sử Euro. Bàn thắng thứ 5 giúp “siêu sao” của AC Milan trở thành vua phá lưới của giải. Ngay sau trận đấu, hơn 60% dân Hà Lan đổ ra đường ăn mừng chiến thắng lịch sử. Cuối cùng cơn khát danh hiệu của cơ lốc màu da cam cũng được giải tỏa.

>> Còn tiếp

Kỳ 1 , Kỳ 2

 

Thanh Tùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm