DMagazine

Vì sao Nga đổi chiến thuật tập kích tên lửa tại Ukraine?

(Dân trí) - Việc Nga giãn số lần không kích nhưng sử dụng nhiều loại tên lửa cùng lúc, bao gồm dòng Kinzhal "bất khả chiến bại", trong đợt tấn công quy mô lớn vào Ukraine hé lộ chiến thuật thay đổi của Moscow.

VÌ SAO NGA ĐỔI CHIẾN THUẬT TẬP KÍCH TÊN LỬA TẠI UKRAINE?

Việc Nga giãn số lần không kích nhưng sử dụng nhiều loại tên lửa cùng lúc, bao gồm dòng Kinzhal "bất khả chiến bại", trong đợt tấn công quy mô lớn vào Ukraine dường như hé lộ chiến thuật thay đổi của Moscow.

Đêm 9/3, giữa lúc chiến sự miền Đông Ukraine "căng như dây đàn", Nga tiến hành một trong những cuộc không kích lớn nhất trong nhiều tháng qua tại nước láng giềng.

Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết Nga đã phóng tổng cộng 95 tên lửa các loại cũng như một số máy bay không người lái (UAV) Shahed nghi do Iran sản xuất. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, vụ tập kích diện rộng này nhằm đáp trả việc Ukraine bị nghi đứng sau các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào vùng biên giới Bryansk của Nga hôm 2/3.

Trong đợt tập kích tên lửa quy mô lớn lần này, Nga sử dụng cả tên lửa hành trình phóng từ tàu chiến và máy bay. Theo Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Ukraine Valerii Zaluzhnyi, Nga cũng sử dụng 6 tên lửa siêu vượt âm Kinzhal trong cuộc không kích.

Khi Nga lần đầu sử dụng tên lửa Kinzhal ở Ukraine vào tháng 3 năm ngoái, chuyên gia quân sự Vasily Kashin, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Quốc tế và châu Âu tại Đại học Kinh tế Moscow, nói rằng: "Đây là trường hợp đầu tiên trên thế giới sử dụng vũ khí siêu vượt âm trong thực chiến". 

Một số nguồn tin cho rằng, việc sử dụng Kinzhal là cách Nga phát đi thông điệp cảnh báo với Ukraine và phương Tây về năng lực quân sự của nước này. Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi Kinzhal là vũ khí "bất khả chiến bại", vì có khả năng thâm nhập và đánh bại tất cả hệ thống phòng không hiện có và trong tương lai.

Theo giới phân tích, so với các tên lửa hành trình thông thường, các vũ khí siêu vượt âm được đánh giá là hiệu quả hơn trong việc phá hủy các kho vũ khí dưới lòng đất. Kinzhal là một trong số các vũ khí siêu vượt âm được Nga triển khai từ cuối những năm 2010 trong nỗ lực duy trì sự ổn định chiến lược toàn cầu giữa bối cảnh Mỹ nỗ lực xây dựng lá chắn phòng thủ tên lửa.

Sự nguy hiểm của tên lửa Kinzhal nằm ở sự chính xác, tầm bắn và tốc độ siêu vượt âm của vũ khí này. Kinzhal có tầm bắn hơn 2.000km, vận tốc siêu vượt âm đạt tới Mach 10 (gấp 10 lần tốc độ âm thanh) khi phóng đi từ máy bay chiến đấu MiG-31 ở độ cao 10km. Tên lửa này sở hữu hệ thống dẫn đường đặc biệt, cho phép thay đổi quỹ đạo để né phòng không của đối phương ở mọi giai đoạn khi bay và khiến việc bắn hạ tên lửa rất khó khăn.

Kinzhal có thể mang cả đầu đạn thông thường và hạt nhân, có thể được phóng từ máy bay ném bom Tu-22M3 hoặc tiêm kích đánh chặn MiG-31K. Kinzhal được thiết kế có khả năng vô hiệu hóa các tàu chiến của đối phương cũng như các hệ thống tên lửa chiến lược, phá hủy các hệ thống phòng thủ tên lửa và các mục tiêu trên đất liền gần biên giới Nga. Kinzhal được cho là có thể vượt qua mọi hệ thống phòng không hoặc tên lửa phòng không đã được biết hoặc đã được lên kế hoạch của Mỹ, bao gồm MIM-104 Patriot, THAAD.

 Chiến thuật mới của Nga?

Vì sao Nga đổi chiến thuật tập kích tên lửa tại Ukraine? - 1

Máy bay chiến đấu MiG-31 mang theo tên lửa Kinzhal bay qua Quảng trường Đỏ trong lễ duyệt binh ở Moscow (Ảnh: Tass).

Giới quan sát nhận định, việc sử dụng nhiều loại tên lửa khác nhau dường như trở thành chiến thuật mới của Nga trong các đợt không kích nhằm vào các mục tiêu tại Ukraine.

"Trong khoảng 6 tháng trở lại đây, Nga có xu hướng giảm tần suất của các cuộc tấn công bằng tên lửa, nhưng sử dụng nhiều loại cùng một lúc trong mỗi đợt không kích, khiến lực lượng phòng không Ukraine khó đánh chặn toàn bộ số tên lửa này", Justin Bronk, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Hoàng gia Anh (RUSI), nhận định.

Theo các chuyên gia, sự thay đổi chiến thuật của Nga diễn ra nhằm đối phó với hệ thống phòng không của Ukraine được trang bị tốt hơn và tiên tiến hơn, đồng thời đây cũng là cách để Nga tối đa hóa hiệu quả của mỗi đợt tấn công.

"Moscow dường như đã điều chỉnh các cuộc tấn công tên lửa để làm tăng thêm thách thức đối với các hệ thống phòng không của đối phương, bằng cách kết hợp cả tên lửa hành trình cận âm, tên lửa siêu vượt âm Kinzhal với tốc độ cao hơn nhiều và có thể cả mồi nhử và các biện pháp đối phó khác", Douglas Barrie, thành viên cao cấp về hàng không vũ trụ quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cho biết.

Việc Nga sử dụng tên lửa siêu vượt âm diễn ra sau nỗ lực kéo dài nhiều năm của Điện Kremlin nhằm trang bị cho quân đội Nga loại vũ khí hiện đại này. Đây được xem là thách thức với Mỹ và các nước phương Tây do họ phải đánh đổi nhiều thứ nếu muốn theo đuổi vũ khí siêu vượt âm.

Nga lần đầu tiên công bố sự tồn tại của tên lửa Kinzhal trong thông điệp liên bang của Tổng thống Vladimir Putin vào năm 2018. Nga được cho là đang dẫn đầu thế giới về cuộc đua phát triển vũ khí siêu vượt âm, theo sau là Mỹ và Trung Quốc, một số nước khác cũng đang nghiên cứu công nghệ này.

"Đây là loại tên lửa khó đánh chặn hơn và khiến đối phương không có thời gian cảnh báo. Loại vũ khí này cũng rất đắt đỏ và thường chỉ có thể sản xuất với số lượng hạn chế", chuyên gia Bronk cho biết.

Theo một số chuyên gia, việc Nga phải sử dụng tên lửa hiện đại như Kinzhal để tập kích các mục tiêu tại Ukraine là một trong những dấu hiệu cho thấy kho tên lửa của Moscow đang dần cạn kiệt.

Người phát ngôn của lực lượng không quân Ukraine Yuriy Ihnat ước tính, Nga có không quá 50 tên lửa Kinzhal trước cuộc tập kích ngày 9/3. Điều này đồng nghĩa với việc Nga đã sử dụng khoảng 1/10 số kho vũ khí này chỉ cho một lần tấn công. Đây được xem là một tỷ lệ rất lớn.

Cơ quan tình báo Bộ Quốc phòng Anh cũng nhận định, khoảng cách giữa các đợt tập kích tên lửa của Nga đang dần giãn ra. Điều này có thể giải thích là do Nga cần thời gian để bù đắp kho tên lửa từ ngành công nghiệp quốc phòng của nước này. 

Ruslan Pukhov, người đứng đầu Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ ở Moscow, cho biết Nga buộc phải sử dụng tên lửa Kinzhal để tiết kiệm kho tên lửa hành trình đang cạn kiệt. "Nga phải mở rộng việc sử dụng tên lửa Kinzhal vì khả năng phòng không của Ukraine đã được cải thiện và sẽ cải thiện hơn nữa khi họ nhận được nhiều hệ thống phòng không của phương Tây hơn. Trong bối cảnh giao tranh căng thẳng hơn vào mùa xuân này, việc sử dụng tên lửa Kinzhal lúc này và tiết kiệm nhiều tên lửa hành trình hơn cho tương lai là hợp lý", chuyên gia Pukhov giải thích.

Cựu Tư lệnh các lực lượng NATO ở châu Âu James Stavridis cho rằng: "Nga muốn thể hiện năng lực siêu vượt âm của họ. Họ đang trong một cuộc chiến, đây là cơ hội để làm điều đó". Ông Stavridis đã đưa ra 3 lý do có thể giải thích cho việc Nga sử dụng tên lửa Kinzhal tại Ukraine.

"Việc Nga bắn 6 tên lửa trong một đêm có nghĩa là: Thứ nhất, họ đang thực sự cạn kiệt (đạn dược); Thứ hai, họ đang tìm cách chứng tỏ khả năng của mình; Thứ ba, họ thực sự muốn tấn công lưới điện, đặc biệt trong những tháng mùa đông, vì họ cho rằng điều đó cuối cùng sẽ dẫn tới việc bẻ gãy ý chí của người dân Ukraine", cựu chỉ huy NATO cho biết.

Các chuyên gia khác cho rằng, việc Nga sử dụng tên lửa Kinzhal trên khắp Ukraine có thể "thay đổi cơ bản" động lực của cuộc chiến và khiến xung đột leo thang.

"Việc sử dụng tên lửa siêu vượt âm rõ ràng là một động thái leo thang của Nga. Kinzhal về cơ bản thay đổi cục diện cuộc chiến. Ukraine không có khả năng chống lại tên lửa này. Hơn nữa, đây còn là một thách thức đối với Mỹ. Tháng 5/2022, Tổng thống (Mỹ Joe) Biden từng nói rằng tên lửa này gần như không thể bị đánh chặn", Jeff Fischer, cựu Đại tá Không quân kiêm chuyên gia quốc phòng, nhận định.

Tên lửa thách thức lưới phòng không Ukraine

Vì sao Nga đổi chiến thuật tập kích tên lửa tại Ukraine? - 2

3 tên lửa do Nga khai hỏa vào sáng sớm 9/3 khi quan sát từ vùng Kharkov, Ukraine (Ảnh: AP).

Giới chức Ukraine cho rằng việc Nga sử dụng tên lửa siêu vượt âm nhằm kiểm tra xem hệ thống phòng không của Kiev có đối phó được không. Kiev cho đến nay vẫn tìm cách đối phó với các chiến thuật tập kích tên lửa diện rộng của Nga với việc nâng cao khả năng bắn hạ tên lửa hành trình bằng tên lửa đất đối không.

Ukraine tuyên bố, các hệ thống phòng không của nước này đã bắn hạ 34 tên lửa của Nga trong đợt tập kích quy mô lớn hôm 9/3, nhưng không thể đánh chặn tên lửa Kinzhal. "Các hệ thống phòng không của chúng tôi không thể bắn hạ các tên lửa hành trình. Thật không may, chúng tôi đang phải đối phó với các tên lửa Kinzhal cũng như Kh-22 và chúng tôi không thể chiến đấu với những tên lửa này bởi chúng di chuyển theo đường bay đạn đạo trong khi chúng tôi không có khả năng ngăn chặn", người phát ngôn Bộ Tư lệnh Không quân Ukraine Yuri Ihnat cho biết.

Alexander Rodnyansky, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, thừa nhận các hệ thống phòng không của Ukraine hiện chưa đủ mạnh để đối phó với các tên lửa Kinzhal có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Nga.

"Họ đang sử dụng tên lửa siêu vượt âm. Họ đang sử dụng các loại vũ khí mới để xem hệ thống phòng không của chúng tôi có thể ứng phó như thế nào", Rodnyansky nói trong một cuộc phỏng vấn, đồng thời thừa nhận các hệ thống phòng không của Ukraine hiện "không đủ tốt".

Ukraine đã tìm cách thích nghi với các cuộc không kích mới của Nga trong vài tháng qua, cải thiện khả năng bắn hạ tên lửa hành trình bằng các hệ thống phòng không và ghi nhận mức độ thành công nhất định khi bắn hạ máy bay không người lái của Nga.

"Ukraine đã nhận ra nhiều phương thức tấn công cũng như cách Nga lên kế hoạch cho các vụ phóng tên lửa của họ, vì vậy Ukraine đã bố trí các thế trận phòng không tốt hơn", chuyên gia Bronk nói. Ông cho biết thêm rằng, khả năng chỉ huy và kiểm soát của Ukraine cũng như khả năng theo dõi các cuộc tấn công sắp diễn ra, với sự trợ giúp của người Ukraine thông qua một ứng dụng, cũng có bước tiến triển.

Tuy nhiên, tên lửa Kinzhal đã đặt ra một thách thức lớn cho Ukraine. Tên lửa này "miễn dịch" với các hệ thống phòng không của Ukraine.

"Nga có thể đã phát triển loại tên lửa độc nhất vô nhị này để dễ dàng nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng quan trọng của châu Âu. Tốc độ cao, kết hợp với quỹ đạo bay thất thường và khả năng cơ động cao của tên lửa, có thể gây khó khăn cho nỗ lực đánh chặn", Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Mỹ nhận định.

Douglas Barrie, chuyên gia cấp cao về hàng không vũ trụ quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho rằng "rất khó để đánh chặn tên lửa Kinzhal vì được phóng ở tầm xa, tốc độ nhanh và bay ở độ cao mà hệ thống phòng không trên mặt đất có xu hướng bỏ qua".

Vũ khí có thể làm thay đổi chiến sự?

Vì sao Nga đổi chiến thuật tập kích tên lửa tại Ukraine? - 3

Lính cứu hỏa dập lửa trên các phương tiện sau trận tập kích tên lửa của Nga ở Kiev hôm 9/3 (Ảnh: Reuters).

Một số chuyên gia phương Tây cho rằng, mặc dù Nga đã triển khai một số tên lửa mà Ukraine hiện không đủ khả năng đánh chặn, nhưng các cuộc tấn công như vậy sẽ không thể diễn ra thường xuyên hoặc mang tính quyết định cuộc xung đột vì theo hầu hết các đánh giá của phương Tây, Nga đang cạn kiệt nguồn cung tên lửa.

"Các lực lượng Nga đã sử dụng một loạt tên lửa, đặc biệt là những tên lửa mà Ukraine không thể đánh chặn như Kinzhal, để đảm bảo rằng họ đạt được một số thành công về mặt truyền thông nhờ chiến dịch tên lửa này, bất kể nguồn cung cấp tên lửa có độ chính xác cao đang cạn kiệt", Kateryna Stepanenko, nhà phân tích nghiên cứu về Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một cơ quan cố vấn của Washington theo dõi chặt chẽ cuộc xung đột, cho biết.

Theo chuyên gia Bronk, "Nga đang cạn kiệt tên lửa nhưng họ vẫn tiếp tục phóng", đồng thời cho biết Moscow có thể sản xuất khoảng 40 tên lửa hành trình mỗi tháng.

Việc Nga tiếp tục các cuộc tập kích tên lửa quy mô lớn nhằm vào Ukraine làm dấy lên lo ngại về khả năng Kiev có thể đứng vững trước các đòn tấn công.

"Nga đang gửi một tín hiệu rất mạnh tới Ukraine, và có lẽ với một số người tị nạn của Ukraine bên ngoài lãnh thổ rằng, cuộc sống còn rất lâu mới trở lại bình thường mặc dù thực tế cho thấy tình hình trong những tuần gần đây đã yên tĩnh hơn", Alexander Rodnyansky, cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine, nói.

Theo Lubomyr Luciuk, chuyên gia về chính trị Đông Âu và là giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quân sự Hoàng gia Canada, việc Nga sử dụng tên lửa Kinzhal là "đáng lo ngại" vì hệ thống phòng thủ Patriot của Mỹ vẫn chưa được triển khai. Mỹ phê chuẩn viện trợ các tổ hợp Patriot cho Ukraine từ tháng 12 năm ngoái.

Trợ lý Bộ trưởng Lục quân Mỹ phụ trách mua sắm và hậu cần Douglas Bush hôm 8/3 nói với Defense News rằng, ông dự đoán Patriot sẽ sớm được bàn giao cho Kiev và sẵn sàng trực chiến. Ông cho biết thêm, Mỹ đang hỗ trợ huấn luyện vận hành Patriot cho binh sĩ Ukraine. Trả lời câu hỏi liệu mất bao lâu để hoàn tất chương trình huấn luyện, ông chỉ khẳng định sẽ rất nhanh chóng, và chỉ cần đáp ứng 60% điều kiện đã có thể chấp nhận được. Theo giới chức quốc phòng Mỹ, quá trình này kéo dài khoảng vài tháng.

Trung tâm Liên lạc chiến lược (StratCom) thuộc Văn phòng Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine khẳng định, hệ thống phòng không Patriot có thể đánh chặn các tên lửa. "Đó là lý do chúng tôi cần các hệ thống này chuyển đến Ukraine trong thời gian sớm nhất", StratCom nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia và chính phủ Mỹ cho rằng, Patriot không phải "viên đạn bạc" cho Ukraine. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby hôm 9/3 nêu rõ: "Hệ thống tên lửa Patriot thực sự được thiết kế để chặn tên lửa đạn đạo. Nó không hiệu quả với tên lửa hành trình và chắc chắn không thể hiệu quả với máy bay không người lái". Ông bình luận thêm, năng lực chống tên lửa siêu vượt âm của Ukraine còn hạn chế.

Mark Hertling, một tướng về hưu của Mỹ, nhận định: "Các tổ hợp Patriot không thể bao quát toàn bộ chiến trường. Ukraine sẽ triển khai chúng ở những nơi bảo vệ mục tiêu chiến lược nhất, như Kiev. Nếu ai đó nghĩ rằng đây sẽ là một hệ thống trải rộng khắp biên giới giữa Ukraine và Nga, thì có lẽ họ không biết hệ thống này hoạt động như thế nào".

Một số chuyên gia phương Tây dự đoán, các cuộc không kích bằng tên lửa như hiện tại không giúp Nga giành chiến thắng trong cuộc xung đột.

"Lịch sử cho thấy các quốc gia tìm cách giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh thông qua các cuộc oanh tạc chiến lược, nhằm phá vỡ ý chí hoặc khả năng phản kháng của đối phương thường không mang lại hiệu quả cao", chuyên gia Bronk nhận định.

Thành Đạt

Theo Bloomberg, Reuters

Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine