1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc ngang nhiên đưa bến tàu Tam Sa vào hoạt động

(Dân trí) - Một quan chức Trung Quốc cho biết bến tàu tại cái gọi là thành phố Tam Sa đã bắt đầu đi vào hoạt động sau khi hoàn thành giai đoạn xây dựng đầu tiên.

Trung Quốc đưa bến tàu Tam Sa vào hoạt động
Trung Quốc liên tục đẩy mạnh xây dựng và tuyên bố chủ quyền một cách phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Ngày 18/7, ông Phùng Văn Hải, Phó thị trưởng Tam Sa cho biết giai đoạn đầu tiên của dự án xây dựng bến tàu ở thành phố này đã hoàn tất và bắt đầu đi vào hoạt động.

Giai đoạn một của dự án nằm trên đảo Phú Lâm của Việt Nam, nhưng bị Trung Quốc chiếm giữ và gọi là đảo Vĩnh Hưng. Giai đoạn này được xây dựng trong 3 năm với tổng chi phí 339,5 triệu Nhân dân tệ (55 triệu USD).

Bến tàu Tam Sa có 9 cầu tàu, dành cho việc bốc dỡ cá, cung cấp nhiên liệu, đá ướp, dịch vụ vận tải và quản lý hoạt động đánh bắt cá. Bến tàu do Công ty cổ phần Vận tải biển và cảng Hải Nam điều hành.

Hiện giai đoạn hai của dự án xây dựng bến tàu tại Tam Sa đang được lên kế hoạch.

Thông tin trên xuất hiện ngay sau khi Trung Quốc vừa có thêm một bước đi xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa với việc ngang nhiên tổ chức lễ cấp giấy chứng minh nhân dân và giấy cư trú đợt đầu cho người dân ở đảo Phú Lâm của Việt Nam mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng và coi đây là thủ phủ của Tam Sa.

Trong đợt cấp phép này, có 10 chứng minh nhân dân và 68 giấy cư trú dành cho nhân khẩu lưu động đã được phát ra.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta Lương Thanh Nghị đã lên án hành động này của Trung Quốc là phi pháp và vô giá trị, vì đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trước đó, một tàu cá Trung Quốc mang số hiệu 306 đã truy đuổi, uy hiếp hai tàu cá QNg 96787 TS và QNg 90153 TS khi đang hoạt động đánh bắt cá bình thường ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Sau đó, tàu Trung Quốc cho người lên hai tàu cá của Việt Nam khống chế, lục soát, đánh đập ngư dân, đập phá và lấy đi một số tài sản.

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối hành động uy hiếp tàu cá Việt Nam và yêu cầu bồi thường cho các ngư dân.

Vũ Anh
Tổng hợp