1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Trung Quốc lo "giữ chân" các công ty Nhật Bản

Đức Hoàng

(Dân trí) - Trung Quốc được cho là có thể đang lo ngại về xu hướng rời đi của các công ty nước ngoài, trong đó có Nhật Bản.

Trung Quốc lo giữ chân các công ty Nhật Bản - 1

Nhiều công ty Nhật Bản đã và đang di chuyển trụ sở từ Trung Quốc tới các nước Đông Nam Á (Ảnh minh họa: SCMP)

Việc Nhật Bản chi 653 triệu USD cho 87 công ty để khuyến khích mở rộng sản xuất tại Nhật và các quốc gia Đông Nam Á đã làm dấy lên một cuộc tranh luận rằng liệu nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới có đang cố gắng tách ra khỏi Trung Quốc hay không.

Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi cuộc khủng hoảng khiến nhiều công ty và quốc gia nhận ra rằng họ đã quá phụ thuộc vào Trung Quốc.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản và Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Trung Quốc. Vì vậy, động thái của Tokyo được xem đang gây ra những lo ngại ở Trung Quốc.

Mặc dù các công ty dự kiến tham gia vào làn sóng trên hiện chỉ chiếm ít hơn 1% vào tời điểm hiện tại và chưa có tác động ngay lập tức tới nền kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo nếu xu hướng này tiếp tục, nó sẽ làm ảnh hưởng tới mô hình tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc cũng như hệ thống cơ sở công nghiệp của nước này.

Trong 87 công ty nhận hỗ trợ từ Nhật Bản, 57 công ty sẽ mở thêm nhà máy ở quê nhà, trong khi 30 công ty còn lại sẽ mở rộng sản xuất sang các nước Đông Nam Á. 70% các công ty là vừa và nhỏ và trên 66% các công ty liên quan tới ngành sản xuất cung ứng y tế.

Danh sách thứ 2 các công ty được Nhật Bản hỗ trợ để có động thái tương tự sẽ được chọn lựa sớm, theo giới chức Tokyo.

Thống kê từ công ty Teikoku Databank (Nhật Bản) cho thấy có 13.685 công ty Nhật Bản hoạt động ở Trung Quốc tính tới tháng 5/2019, giảm so với lần khảo sát gần nhất vào năm 2016, ở mức 13.934.

Ngoài các công ty nhận trợ cấp từ chính phủ Nhật Bản để mở rộng sản xuất, một số “ông lớn” như Sharp, Fuji Xerox… cũng có kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất sang các quốc gia Đông Nam Á. Đây là những công ty vừa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, vừa bị tác động bởi cuộc thương chiến Mỹ - Trung.

Giáo sư Liu Zhibiao từ Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) cho biết chính quyền các địa phương ở nước này đang ngày càng lo lắng về việc viễn cảnh cuộc “di cư” đồng loạt của các nhà sản xuất Nhật Bản vì họ lo sợ sẽ “mất mặt” nếu các công ty nước ngoài rời đi.

Tại một số địa phương khác, giới chức được cho đang nỗ lực trong việc thu hút thêm đầu tư từ Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực.

Ông Hideo Kawabuchi, Phó tổng giám đốc Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) ở Bắc Kinh, cho biết chính sách của Nhật Bản là nhằm làm đa dạng hóa chuỗi cung ứng của nước này, khiến chúng trở nên vững vàng hơn chứ không chỉ tập trung vào việc rút các công ty khỏi Trung Quốc.

Ông Kawabuchi nói rằng đây không phải là chính sách bắt buộc và quyết định nằm ở từng công ty.

Trong sách trắng thường niên về thương mại của Nhật Bản công bố tháng trước, nước này thừa nhận rằng nhiều công ty Nhật dễ bị ảnh hưởng nếu hoạt động sản xuất ở Trung Quốc bị gián đoạn. Vì vậy, Nhật Bản cần xây dựng một hệ thống chuỗi cung ứng vững vàng hơn để đương đầu với các khủng hoảng tiềm năng trong tương lai.

Động thái của Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung đang căng thẳng dồn dập. Vào tháng 4, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Nhà Trắng Larry Kudlow nói rằng Mỹ nên “trả chi phí di chuyển” cho bất cứ công ty Mỹ nào muốn rời khỏi Trung Quốc.

Một số ý kiến cho rằng, Nhật Bản dường như đang muốn tách khỏi Trung Quốc về mặt kinh tế và bắt tay với Mỹ để đối phó với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, chuyên gia Scott Kennedy từ Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (Mỹ) nhận định rằng: “Thay vì cắt đứt quan hệ, mục tiêu của Nhật Bản là đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc”.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 4/8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin nói rằng một khảo sát gần đây của Bộ Thương mại cho thấy 99,1% các công ty vốn nước ngoài muốn tiếp tục đầu tư và hoạt động tại Trung Quốc và không có chuyện các công ty nước ngoài rời khỏi đại lục hay tái cấu trúc chuỗi cung ứng.