1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thủ tướng Nhật Bản đối mặt với kiến nghị khiển trách

(Dân trí) – Tối qua, hai đảng đối lập chính ở Nhật Bản đã trình kiến nghị khiển trách Thủ tướng Yoshihiko Noda lên Thượng viện, động thái nhằm gây sức ép buộc ông Noda phải tiến hành tổng tuyển cử sớm.

Thủ tướng

Thủ tướng Yoshihiko Noda liên tiếp hứng chịu các cơn bão chính trị cả ở trong và ngoài nước.

 

Trong kiến nghị khiển trách, đảng Dân chủ Tự do (LDP) đối lập đồng minh của đảng này là đảng Công minh mới (New Komeito) đã chỉ trích Thủ tướng Noda là thiếu năng lực cầm quyền đồng thời kêu gọi tiến hành tổng tuyển cử sớm, động thái nhằm gây sức ép buộc Thủ tướng Noda phải tuyên bố giải tán Quốc hội sớm.

Dự kiến, Thượng viện Nhật Bản, do phe đối lập chiếm đa số, sẽ bỏ phiếu thông qua kiến nghị trên trong ngày hôm nay.

Tuy nhiên, theo hiến pháp Nhật Bản, ngay cả trong trường hợp kiến nghị được thông qua thì Thủ tướng Noda vẫn có quyền từ chối tiến hành bầu cử sớm trong kỳ họp Quốc hội hiện nay, dự kiến kết thúc vào ngày 8/9 tới.

Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh chính phủ của Thủ tướng Noda đang có những căng thẳng ngoại giao với cả hai quốc gia láng giềng ở Đông Bắc về tranh chấp chủ quyền đối với các quần đảo Senkaku/Điếu Ngư (với Trung Quốc) và Takeshima/Dokdo (với Hàn Quốc).

Trong động thái mới nhất, một người đàn ông Trung Quốc đã tấn công xe chở Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc và xé rách quốc kỳ Nhật cắm trên xe. Trong khi đó, Hàn Quốc tuyên bố sẽ tập trận bắn đạn thật trên đảo Dokdo từ ngày 7 – 11/9.

Ở trong nước, Thủ tướng Noda đang phải cố gắng thỏa hiệp với cả hai đảng LDP và Công minh mới để được hai viện Quốc hội thông qua dự luật tăng thuế tiêu dùng, một đạo luật gây nhiều tranh cãi nằm trong chương trình thực hiện các mục tiêu chính sách quan trọng mà ông Noda đã tuyên bố “đặt cược toàn bộ sinh mệnh chính trị của mình vào đó”.

Theo thỏa hiệp của ông Noda với hai đảng đối lập chính, ông sẽ phải giải tán hạ viện trước thời hạn. Điều này đồng nghĩa với việc ông không chỉ đối mặt với nguy cơ bị mất chính quyền hiện nay (do đảng Dân chủ Nhật Bản cầm quyền DPJ đang có tỷ lệ ủng hộ rất thấp), mà còn có thể mất luôn cả vị trí Chủ tịch DPJ vì một số nghị sĩ trong đảng đang tìm cách đưa ứng cử viên khác lên thay trước khi diễn ra tổng tuyển cử vào tháng 11 tới.

Đức Vũ
Theo Xinhua