1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông:

Tham vấn thân thiện kiểu Bắc Kinh

Dư luận trong và ngoài khu vực đang quan tâm tới chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull (từ 14/4), kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 9/2015.

Bởi chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng xung quanh tranh chấp ở Biển Đông không có dấu hiệu “giảm nhiệt”.

Và theo dự kiến, Thủ tướng Australia sẽ hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong ngày 15/4, trong đó ông Malcolm Turnbull cảnh báo về việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông; kêu gọi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường khôi phục quan hệ rạn nứt với các nước láng giềng bởi hành động xây dựng đảo nhân tạo và triển khai trang thiết bị quân sự trái phép trong vùng biển tranh chấp của nước này.

Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Bình luận đáng quan tâm

Ngày 13/4, tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn tuyên bố hôm 12/4 của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov về lập trường của Moskva xung quanh một số vấn đề quốc tế, trong đó có tình hình căng thẳng leo thang trên Biển Đông.

Và dư luận khá quan tâm tới bài viết này bởi trước khi dẫn lời ông Sergei Lavrov, tờ Thời báo Hoàn Cầu mở đầu bằng việc đánh tráo khái niệm khi cho rằng, Trung Quốc nhiều lần tuyên bố sẽ không chấp nhận, không tham gia vụ kiện “đơn phương” của Philippines hồi tháng 1/2013 ở Tòa Trọng tài Thường trực tại The Hague, Hà Lan (PCA), bởi theo Bắc Kinh “Chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc do nhân dân Trung Quốc làm chủ”!?

Ngoài ra, đây là lần đầu tiên Nga chính thức nêu lập trường về vấn đề Biển Đông, trong đó cho rằng: “Các tranh chấp ở Biển Đông có biện pháp khả thi duy nhất là chính trị - ngoại giao” không được dư luận hoàn toàn đồng tình. Bởi các tranh chấp ở Biển Đông là vấn đề pháp lý, không phải vấn đề chính trị hay ngoại giao.

Và điều đáng nói là Ngoại trưởng Sergei Lavrov đề cập tới nền tảng đàm phán trong tranh chấp Biển Đông phải dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), DOC và nhận thức chung Trung Quốc - ASEAN năm 2011, nhưng cả 3 điều này đều bị Trung Quốc ngang nhiên bỏ qua.

Tàu Hải tuần 21 của Trung Quốc
Tàu Hải tuần 21 của Trung Quốc

Cũng trong ngày 12/4, Ngoại trưởng Anh Philip Hammond nhấn mạnh, lập trường của London là các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông cần phải được giải quyết dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS. Và các bên liên quan không được đe dọa hay sử dụng vũ lực hoặc có hành động đơn phương như triển khai lực lượng quân sự hay vũ khí quân sự tại những vùng biển tranh chấp.

Đồng thời tái đề cập tới tuyên bố chung của hội nghị Ngoại trưởng G-7 vừa kết thúc tại Hiroshima, Nhật Bản, theo đó ủng hộ ASEAN tiến tới xây dựng một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông nhằm bảo đảm tự do hàng hải, hàng không tại khu vực này.

Nhưng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng lại tỏ thái độ giận dữ sau khi Hội nghị Ngoại trưởng G-7 ra tuyên bố chung phản đối các hành động khiêu khích gây hấn trên Biển Đông. Hãng Bloomberg cho rằng, mặc dù tuyên bố chung không chỉ đích danh Trung Quốc, nhưng rõ ràng đã phát đi thông điệp lên án tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Và ngày 13/4, ông Lục Khảng còn cho biết, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu đại sứ các nước G-7 để phản đối tuyên bố chung của hội nghị Ngoại trưởng G-7 đưa ra chiều 11/4 về Biển Đông và biển Hoa Đông.

Ông Lục Khảng cho rằng, một phần trong tuyên bố của hội nghị Ngoại trưởng G-7 “không chính xác và sai lầm”, nên Bắc Kinh muốn làm rõ với các đại sứ. Bắc Kinh nhấn mạnh, Trung Quốc không liên quan đến cuộc họp của Ngoại trưởng G-7, nhưng G-7 không nên đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở khu vực kể trên.

Liều lĩnh leo thang

Theo trang Sport.china.com, Trung Quốc đã bắt đầu giải đua thuyền buồm quốc tế cup Ty Nam lần thứ 4 (SiNan Regatta Cup) tại tỉnh Hải Nam. Giải diễn ra từ 9 đến 16/4 tại 2 địa điểm là khu vực biển Tam Á và vùng biển của cái gọi là “thành phố Tam Sa” và điều này là phi pháp bởi vòng chung kết được tổ chức tại đảo Ốc Hoa, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Trong khi đó, một tàu hải quân Trung Quốc chở theo 3 dân thường cùng các phóng viên đã khởi hành tới đảo Phú Lâm để tham quan đảo này và một số đảo, bãi đá khác tại quần đảo Hoàng Sa và chuyến đi này kéo dài đến hết ngày 14/4. Đây là hoạt động trái phép do tờ Giải phóng quân ngang nhiên tổ chức. Các phóng viên của Tân Hoa xã, CCTV và People’s Daily cũng tham gia hành trình diễn ra trong 3 ngày (từ 12 đến 14/4).

Ngày 12/4, Hãng Fox News đưa tin, quân đội Trung Quốc đã triển khai bất hợp pháp chiến đấu cơ J-11 trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Và động thái này sẽ làm leo thang căng thẳng trong những ngày tới, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter thăm Philippines.

Cũng trong ngày 12/4, giới chức quốc phòng Mỹ đã chứng thực hình ảnh vệ tinh từ ImageSat International chụp hôm 7/4 cho thấy, 2 chiến đấu cơ J-11 đang có mặt trên đảo Phú Lâm. Các bức ảnh vệ tinh còn cho thấy, một hệ thống radar điều khiển hỏa lực mới được triển khai ở đảo Phú Lâm, giúp hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 có thể hoạt động đầy đủ. Và Washington lo ngại Bắc Kinh sẽ kiểm soát hoàn toàn Biển Đông nếu hành động leo thang quân sự hóa không bị ngăn chặn. Bởi sau khi triển khai bất hợp pháp chiến đấu cơ J-11 ở đảo Phú Lâm, Trung Quốc có thể tiếp tục kéo chiến đấu cơ và vũ khí tới quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Theo giới quân sự, chiến đấu cơ J-11 được Lầu Năm Góc coi là “kẻ đánh tạt sườn”, loại máy bay có thể so sánh với máy bay chiến đấu F-15 của không quân Mỹ hoặc máy bay F/A-18 Hornet của hải quân Mỹ. Giới quân sự đang đặt câu hỏi, tại sao Trung Quốc không phát triển máy bay ném bom thế hệ mới? Bởi cho tới nay Trung Quốc chỉ tập trung phát triển 2 mẫu máy bay chiến đấu tàng hình, 1 mẫu máy bay không người lái tàng hình, các tên lửa hành trình và đạn đạo mới, nhưng không nghiên cứu một mẫu máy bay ném bom nào.

Theo tờ Chinanews, ngày 11/4, tàu tuần tra mang số hiệu “Hải tuần 21”, chở theo 20 nhân viên chấp pháp của Cục Hải sự Hải Khẩu và Cục Hải sự Tam Sa, đã rời cầu tàu thuộc căn cứ Hải Khẩu tới khu vực biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam để thực hiện hành động tuần tra trái phép trong tháng 4/2016.

Được biết, “Hải Tuần 21” sẽ sử dụng hệ thống Trạm nhận diện tự động (AIS) và hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu để giám sát mọi tàu thuyền qua lại ở Hoàng Sa. Và sẽ “động thủ” nếu phát hiện những tàu thuyền “phạm quy”.

“Hiệp thương hữu nghị”

Ngày 11/4, tờ Philippines Daily Inquirer đưa tin, Trung Quốc nói sẽ tiến hành “hiệp thương hữu nghị” với các nước láng giềng để tránh đối đầu trong các hoạt động đánh bắt cá ở những nơi có tranh chấp trên Biển Đông. Nhưng Manila lập tức khẳng định, sẽ chờ phán quyết của PCA về tuyên bố chủ quyền biển của Bắc Kinh.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho rằng, sự đối đầu giữa các ngư dân Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Đài Loan có thể tránh được thông qua “hiệp thương hữu nghị”. Ông Lục Khảng còn tuyên bố, hợp tác nghề cá là một phần quan trọng trong sự hợp tác cùng có lợi giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, trong đó có các nước ven Biển Đông.

Ngày 12/4, tờ Times of India dẫn lời Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ Joseph Aucoin cho biết, Washington sẽ chuyển 60% nguồn lực hải quân tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong 2 năm tới.

Cùng ngày 12/4, tờ Financial Times dẫn bình luận của Chủ tịch Ủy ban Quân vụ thượng viện Mỹ John McCain kêu gọi Washington cần có cử chỉ mang tính hành động hơn là biểu tượng ở Biển Đông. Đồng thời cảnh báo nguy cơ Trung Quốc sẽ có thêm hành động đáng quan ngại ở Biển Đông trong vài tháng tới nhằm đón đầu khả năng phải nhận phán quyết bất lợi trong vụ kiện của Philippines đối với “đường lưỡi bò”.

Theo ông John McCain, Mỹ nên tăng cường phối hợp với đồng minh và đối tác trong khu vực, đồng thời tiếp tục các chiến dịch giám sát, tình báo, mở rộng tuần tra trên biển, tập trận chung và điều thêm lực lượng tới vùng biển nhạy cảm này.

Thượng nghị sĩ John McCain cũng cho rằng, Trung Quốc đã bỏ qua yêu cầu “ba không” của Mỹ: Không bồi lấp xây dựng đảo nhân tạo, không quân sự hóa Biển Đông và không sử dụng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực. Và điều này dễ dẫn đến sự thất bại trong các nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn hành động leo thang, phiêu lưu quân sự từ Bắc Kinh. Do đó, theo ông John McCain, Mỹ phải thay đổi chính sách ở Châu Á - Thái Bình Dương.

Và nếu Bắc Kinh đơn phương áp đặt Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, Mỹ phải chuẩn bị sẵn sàng thách thức tuyên bố này ngay lập tức, bằng cách điều máy bay quân sự tiến vào khu vực này mà không thông báo trước hay không liên lạc vô tuyến điện với lực lượng quân sự Trung Quốc. Thượng nghị sĩ John McCain còn chỉ trích Trung Quốc đang hành động như một “kẻ bắt nạt” trên Biển Đông.

Giới truyền thông cho rằng, ông Ashton Carter đã liệt kê các loại vũ khí trang bị sẽ triển khai để thực hiện chiến lược tái cân bằng Châu Á - Thái Bình Dương.

Theo đó, Mỹ không những triển khai 365.000 quân, mà còn điều những loại vũ khí cùng trang bị tiên tiến nhất như chiến đấu cơ tàng hình F-22 và F-35, máy bay tuần tra săn ngầm P-8 Poseidon, máy bay ném bom chiến lược B-2 và B-52. Đồng thời, triển khai tàu tấn công đổ bộ USS America LHA-6 và tàu khu trục tàng hình mới nhất DDG-1000.

Ông Ashton Carter cho biết, năm 2017, Mỹ sẽ đầu tư 8 tỉ USD để bảo đảm có khả năng sát thương nhất trên thế giới, có lực lượng săn ngầm và lực lượng dưới đáy biển tiên tiến nhất, bao gồm các loại máy bay không người lái “bơi lội” ở dưới nước.

Theo

PetroTimes