1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nga - Mỹ "phát ớn" nhau vì lệnh trừng phạt

Việc Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt với hai công ty xuất khẩu vũ khí hàng đầu của Nga đánh dấu một điểm âm nữa trong mối quan hệ vốn rất lạnh lẽo giữa Moscow và Washington, gây ảnh hưởng đến các thương vụ trị giá nhiều tỷ đôla.

Mỹ công bố lệnh trừng phạt hôm thứ sáu tuần trước đối với 7 công ty của Nga, Ấn Độ, CHDCND Triều Tiên và Cuba, với lý do các công ty này buôn bán hàng cấm cho Iran.

 

Một trong số các công ty nói trên là Rosoboronexport - hãng quốc doanh xuất khẩu vũ khí hàng đầu của Nga, giám đốc công ty này là một người bạn thân thiết của Tổng thống Nga Putin. Công ty thứ hai bị trừng phạt là hãng sản xuất máy bay Sukhoi.

"Chuyện này là rất nghiêm trọng bởi nó đe dọa Putin và những người thân cận với ông ấy", Pavel Felgenhauer, một nhà phân tích quốc phòng làm việc ở Moscow, nhận xét.

 

"Phản ứng chính thức của Kremlin, đặc biệt là với một chuyện như thế này, sẽ rất quyết liệt. Tôi nghĩ là họ sẽ có những biện pháp trả đũa".

 

Nga - Mỹ "phát ớn" nhau vì lệnh trừng phạt  - 1
 

Hệ thống phòng không TOR-M1, sản phẩm mà Nga từng bán cho Iran. (Ảnh Reuters)

Cho đến hôm nay, Kremlin vẫn chưa đưa ra bình luận về lệnh trừng phạt. Bộ Ngoại giao Nga đã tuyên bố rằng hành động của Mỹ là "không chính đáng" buộc các công ty nước ngoài làm theo luật pháp Mỹ.

 

Trong khi đó báo chí Nga phản ứng dữ dội. Nhật báo Izvestia gọi lệnh trừng phạt của Mỹ "trên thực tế là một tuyên bố chiến tranh kinh tế chống Nga". Trang nhất tờ Kommersant viết: "Quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Mỹ đã chấm dứt".

 

Giám đốc Rosoboronexport Sergei Chemezov bình luận rằng tác động của quyết định của Washington không lớn, rằng công ty của ông sẽ không bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt chỉ cấm cơ quan chính phủ chứ không cấm các công ty tư nhân buôn bán với Rosoboronexport.

 

"Rosoboronexport không có hợp đồng với Mỹ", ông nhấn mạnh. "Lệnh trừng phạt chỉ thuần túy là hành động chính trị".

Các nhà phân tích e rằng lệnh cấm này sẽ gây ảnh hưởng xấu tới cơ hội giành hợp đồng của các công ty Mỹ tại Nga, trong đó có dự án xây trạm khí đốt trị giá 20 tỷ đôla ở Bắc cực và hợp đồng cung cấp máy bay trị giá 3 tỷ đôla cho hãng hàng không Aeroflot.

 

Lạnh giá

Hai tổng thống Putin và Bush luôn nói rằng họ là bạn, nhưng trong hội nghị thượng đỉnh G8, hai người đã công kích nhau mạnh mẽ khi nói về dân chủ ở Iraq. Bush đã nêu ra những mối quan ngại về dân chủ ở Nga, khiến Putin độp lại rằng người Nga "không muốn có kiểu dân chủ như ở Iraq hiện nay, thực thà mà nói".

 

Quan hệ song phương Nga - Mỹ lên đến đỉnh cao nồng ấm sau sự kiện 11/9/2001, khi Putin cam kết đoàn kết cùng Washington chống khủng bố.

 

Nhưng mấy năm gần đây, bầu không khí giữa Kremlin và Nhà Trắng trở nên lạnh lẽo, do những bất đồng trong vấn đề Trung Đông, nhiên liệu ở châu Âu, việc gia nhập WTO của Nga và sự cạnh tranh giữa hai cường quốc trong việc giành ảnh hưởng ở các nước thuộc Liên Xô cũ.

 

Lý do mà Washington đưa ra cho lệnh trừng phạt các công ty, dựa theo "Luật chống phổ biến vũ khí cho Iran" của Mỹ, là các hãng này đã bán các mặt hàng có thể tạo điều kiện để Tehran chế tạo vũ khí hủy diệt.

 

Thế nhưng báo chí Nga khẳng định rằng lệnh trừng phạt trên chỉ phản ánh mối bực dọc của Mỹ sau khi Nga công bố trị giá các hợp đồng vũ khí với Venezuela lên tới 3 tỷ USD. Năm ngoái, Nga ký thỏa thuận bán cho Iran hệ thống phòng không TOR-M1 và các máy bay chiến đấu, đánh bom và trực thăng quân sự.

 

Theo T. Huyền

Vnexpress/Reuters