1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ chuyển hướng sang Thái Bình Dương: Trung, Ấn đứng ở vị trí nào?

(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta thu hút sự chú tâm của cả thế giới khi ông công bố chiến lược quân sự mới của Washington tại diễn đàn an ninh châu Á Đối thoại Shangri-La. Trung Quốc và Ấn Độ đứng ở vị trí nào trong chiến lược mới ấy?

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh 


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh 

 

Lầu Năm Góc tái phối trí lực lượng hải quân theo trục chiến lược mới quay sang châu Á, thi hành từ nay và hoàn tất vào năm 2020, song song với kế hoạch thực hiện những ưu tiên chiến lược trên địa bàn Á Châu. Lực lượng hải quân Hoa Kỳ sẽ được phân bố 60% trên Thái Bình Dương và 40% trên Đại Tây Dương. Hoa Kỳ cổ vũ và noi gương tuân thủ luât lệ, trật tự quốc tế, tiếp tục củng cố các liên minh quân sự song phương sẵn có, mở rộng và tăng cường quan hệ đối tác với Singapore, Việt Nam và các quốc gia Thái Bình Dương khác, đồng thời tăng cường hiện diện quân sự và đầu tư phô diễn lực lượng quân sự khắp châu Á.

 

Đó là chiến lược quân sự mới của Hoa Kỳ mà Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đã trình bày chi tiết tại Hội nghị Đối thoại An ninh quốc phòng Shangri-La ở Singapore hồi tuần qua.

 

Đây không phải là điều bất ngờ, bởi mọi người đã có thể đoán trước, từ khi giới chức trong chính quyền Tổng thống Obama, trong đó có Ngoại trưởng Hillary Clinton và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates từng nhiều lần xác định trọng tâm chiến lược của Hoa Kỳ trong thế kỷ 21 là châu Á. Gần đây Mỹ chỉ nói thêm rằng châu Á đã trở thành trục chiến lược quốc tế của Mỹ, và nay ông Panetta nói rõ về tỉ lệ bố trí lực lượng 60-40 chia cho hai vùng đại dương. Ông Panetta còn liệt kê rõ rệt cả số lượng chiến hạm phân bố cho hai vùng chiến lược đó.

 

Trung Quốc – Mục tiêu

 

Khi trọng tâm chiến lược rồi đến trục chiến lược Mỹ chuyển đổi, người ta nghĩ ngay đến Trung Quốc.

 

Bộ trưởng Mỹ có nhắc về những khó khăn kinh tế, tài chính, ngân sách, như những lý do khiến Mỹ phải chọn lựa ưu tiên chiến lược đồng thời giản lược, linh động, hiện đại hoá lực lượng quân sự khổng lồ của mình. Nhưng trên thực tế, nguyên do đầu tiên và trên hết khiến Washington phải chuyển trục chiến lược sang châu Á chính là do Trung Quốc đã chuyển mình nhanh chóng để trở thành một lực lượng kinh tế quân sự hùng mạnh đáng nể.

 

Trong những lời phát biểu của ông Panetta tại Singapore thì ông biện minh rằng không có gì mâu thuẫn giữa chiến lược mới của Hoa Kỳ với quyền lợi của Trung Quốc. Ông Panetta, cũng như Ngoại trưởng Clinton trước đây, cố giải thích rằng nỗ lực tăng  cường sự can dự của Mỹ ở châu Á Thái Bình Dương hoàn toàn phù hợp với đà phát triển và tăng trưởng của Bắc Kinh, còn làm lợi cho Trung Quốc về mặt an ninh và thịnh vượng chung với Hoa Kỳ nữa.

Nhưng thực tế lực lượng quân sự Mỹ, với 171 tàu chiến, dàn trải và tung hoành khắp Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương chỉ để “bảo vệ an ninh” cho tất cả các nước, kể cả Trung Quốc có vẻ là quá phi lý.

 

Giới phân tích cho rằng nếu Hoa Kỳ chỉ mong hợp tác hoà bình ở lục địa châu Á và các quốc gia biển đảo Á Châu, thì chắc Lầu Năm Góc đem sang vùng biển Thái Bình hơn 170 chiến hạm từ hàng không mẫu hạm đến tàu tuần duyên hiện đại cùng với lực lượng không quân yểm trợ và tấn công, và mở thêm căn cứ không hải thuỷ bộ ở miền bắc Australia nữa, hẳn là chỉ để ngắm cảnh hoàng hôn yên bình trên Thái Bình Dương!

 

Mỹ nói đến ba nguyên tắc chung gọi là để duy trì an ninh thịnh vượng nhưng dường như toàn là những nguyên tắc thực hiện để tăng cường, phối hợp và phô diễn sức mạnh quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương.

 

Nguyên tắc đó thứ nhất là tuân thủ luật lệ và trật tự quốc tế để tăng cường hoà bình và an ninh chung. Thứ hai là củng cố và mở rộng các liên minh song phương và đối tác đa phương, trong đó Nhật Bản và Hàn Quốc giữ vai trò hai liên minh then chốt như hai họng súng hướng vào Hoa Lục, không kể tới Đài Loan đã được mua thêm vũ khí tối tân ở sát sườn từ ngoài bờ biển Phúc Kiến.

 

Và xếp hàng sau những liên minh song phương giữa Mỹ với Philippines, Thái Lan, còn những quan hệ “đối tác” song phương với Malaysia, Singapore, Indonesia, Ấn Độ... hình thành mạng lưới dày vây quanh người khổng lồ mới nổi.

 

Tăng cường và thực hiện hai nguyên tắc trên, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ công bố nguyên tắc thứ ba: duy trì hiện diện quân sự tại Đông bắc Á và tăng cường sự hiện diện quân sự tại Đông Nam Á và Ấn Độ Dương, đồng thời đầu tư thêm cho nhu cầu phô diễn sức mạnh và khả năng hoạt động trên toàn bộ khu vực này.

 

Như vậy có thể kết luận chiến lược của Mỹ cho thế kỳ 21 chuyển trục về châu Á là để kiềm chế Trung Quốc. Mục đích được ví như be bờ ngăn chặn trước kia, nhưng lần này Mỹ khuyến khích Trung Quốc hãy khôn ngoan chăm lo phát triển trong hoà bình, đừng gây hấn các nước nhỏ, và cho thấy rõ các chiến hạm của Mỹ sẽ không để vùng biển Đông Nam Á với đầy quyền lợi chung của Hoa Kỳ với các nước địa phương rơi vào vòng khống chế của  Bắc Kinh.

 

Ấn Độ - Trụ cột

 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta hôm qua đã kết thúc chuyến viếng thăm Ấn Độ trong khuôn khổ vòng công du châu Á. Hai hồ sơ nổi cộm trong chuyến đi Ấn Độ lần này của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chính là Afghanistan và Trung Quốc.

 

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Manmohan Singh hôm qua, ông Panetta đã nhấn mạnh đến vai trò của Ấn Độ như là “gạch nối giữa Tây và Đông Á”. Và trong cuộc hội đàm với đồng nhiệm Ấn Độ A.K Antony, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã bàn về kế hoạch của NATO rút toàn bộ lực lượng tác chiến ra khỏi Afghanistan từ đây đến cuối năm 2014, cũng như về việc Mỹ bán thêm vũ khí cho Ấn Độ và hợp tác huấn luyện quân sự giữa hai nước.

 

Trong bối cảnh NATO sẽ rút quân, ông Panetta đã kêu gọi Ấn Độ đóng một vai trò “năng động hơn” tại Afghanistan. Cụ thể, Washington hy vọng là New Delhi sẽ đẩy mạnh việc huấn luyện cho lực lượng an ninh Afghanistan. Về phía Ấn Độ, nước này rất lo ngại là việc NATO rút quân khỏi Afghanistan sẽ tạo điều kiện cho phe Hồi giáo cực đoan trở lại nắm quyền ở nước này, bởi vì quân chính phủ Kabul sẽ khó mà đương đầu với quân Taliban. Cho nên, vào tuần trước, đại sứ Ấn Độ tại Washington đã kêu gọi hai nước nên phối hợp chặt chẽ hơn ở Afghanistan.

 

Nhưng chuyến đi của ông Panetta ở Ấn Độ phải được đặt trong một bối cảnh rộng hơn, vì mục đích của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đến New Delhi cũng chính là tăng cường quan hệ quốc phòng giữa Hoa Kỳ với Ấn Độ, trước sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.

 

Trong chiến lược mới về châu Á mà Tổng thống Barack Obama công bố vào đầu tháng 1 vừa qua, Ấn Độ là quốc gia duy nhất được nêu lên như là một đối tác trọng yếu của Hoa Kỳ. Các giới chức Mỹ vẫn đánh giá Ấn Độ và Mỹ có cùng mối quan ngại đối với Trung Quốc và các tổ chức Hồi giáo cực đoan ở Nam Á.

 

Cho tới nay, chính quyền Obama vẫn xem Ấn Độ là một đối trọng với Trung Quốc, tuy rằng trong các tuyên bố chính thức, các giới chức cao cấp của Mỹ khẳng định rằng chiến lược mới của Washington không phải là nhằm đối đầu với Bắc Kinh.

 

Chuyến đi của ông Panetta diễn ra sau khi Ấn Độ vào tháng 4 vừa thử nghiệm thành công một tên lửa mới mang đầu đạn hạt nhân, có tầm bắn 5000 km, tức là có thể bắn tới bất cứ nơi nào ở Trung Quốc, đánh dấu một bước tiến quan trọng về khả năng quân sự của New Delhi, rút ngắn sự cách biệt về hệ thống tên lửa của Ấn Độ đối với Trung Quốc. Ấn Độ hiện đang đầu tư rất nhiều vào vũ khí để hiện đại hóa quân đội và Hoa Kỳ nay đã trở thành một trong những nguồn cung cấp vũ khí chủ yếu cho Ấn Độ.

 

Vũ Quý

Tổng hợp