1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cuộc khủng hoảng y tế tại Iraq

(Dân trí) - Trong khi các vụ đánh bom vẫn liên tiếp nổ ra và số người bị thương cần điều trị gia tăng, Iraq đang lâm phải một cuộc khủng hoảng liên quan tới mạng sống của người dân: Cuộc khủng hoảng y tế.

Hầu hết đội ngũ nhân viên y tế, các bác sĩ, chuyên gia y học tại các bệnh viện đã rời khỏi đất nước sau khi trở thành mục tiêu của những kẻ nổi dậy. Thuốc và các thiết bị y học không sẵn có để phục vụ người bệnh. Quân nổi dậy giờ đây đang đặt mục tiêu vào bệnh nhân trong các bệnh viện và các bác sĩ trong Bộ y tế.

 

Rất nhiều bác sĩ phải lánh nạn sang quốc gia láng giềng Jordan với ước tính lên tới vài nghìn người. Tất cả đều mang theo những nỗi sợ hãi về một cuộc chiến chết chóc mà họ từng chứng kiến.

 

Nguy cơ bị bắt cóc cũng được xem là một trong những nguyên nhân khiến đội ngũ bác sĩ, y tá phải ra đi. Kể từ sau vụ bắt cóc tập thể 150 nhân viên của một viện nghiên cứu thuộc chính phủ Iraq vào tháng 11 năm ngoái, đội ngũ làm việc trong ngành y trở thành mục tiêu của quân nổi dậy.

 

Tại một bệnh viện ở thủ đô Amman của Jordan, 4 bác sĩ hàng đầu của Iraq đang làm việc tại đây. Họ đều là những người được đào tạo ở Anh với những kỹ năng y học hàng đầu thế giới. Họ không muốn bị nêu tên bởi còn có gia đình tại quê nhà nhưng câu chuyện mà họ kể rất thú vị.

 

Một giáo sư thần kinh học nói: “Vào thời điểm tôi rời Iraq, thuốc chữa bệnh thiếu trầm trọng. Đội ngũ y tá là con số không. Tại một trường cao đẳng mà tôi từng dạy, 5 nhân viên đã bị ám sát hoặc giết hại”.

 

Vị giáo sư nói tiếp: “Trước khi đi, tôi đã khảo sát một vòng quanh bệnh viện và đã phải hét lên: Bệnh viện này thậm chí không đủ tiêu chuẩn cho loài vật. Không thuốc, không khăn trải giường. Mùi ô nhiễm nồng nặc, nước thải chảy khắp sàn nhà”.

 

Một bác sĩ khác miêu tả những gì đã xảy ra với người Iraq khi họ tới bệnh viện sau một vụ đánh bom: “Bệnh nhân có thể tới bệnh viện rất dễ dàng nhưng sẽ chẳng có ai tiếp đón. Quân nổi dậy có thể tới và giết bạn sau đó. Các bệnh nhân đã ra đi hết bởi tính mạng của họ bị đe doạ”.

 

Ông nói thêm: “Tôi đã rời bệnh viện vì 2 giám đốc đã bị sát hại”.

 

Bác sĩ thứ 3 kể lại: “Khi các vụ đánh bom nổ ra và bệnh nhân đổ xô tới, các dịch vụ trở nên quá tải. Rất ít bác sĩ có tay nghề sẵn sàng để giúp đỡ họ. Hầu hết bệnh nhân đều bị thương, thương nặng và có thể chết. Những cảnh tượng kinh hoàng”.

 

Chính phủ đã đầu tư hàng tỉ USD cho việc tái thiết đất nước, tuy nhiên các bác sĩ cho biết, họ nhận thấy rất ít sự tiến bộ trong ngành y. Một số tiền lớn đã được dành để mua các máy móc y học công nghệ cao nhưng nhiều trong số này là hàng giả. Và dù có là hàng thật đi nữa, chúng đều vô dụng vì không ai biết cách sử dụng. Các bác sĩ tin rằng, những trang thiết bị được mua về chỉ nhằm để giải ngân nguồn quĩ khổng lồ.

 

H.B

Theo BBC